Lô cốt công trình đang làm gia tăng ùn tắc ở Thủ đô

Ưu tiên rào lô cốt hay đường đi cho người dân? (Bài 1)

Thứ Sáu, 11/11/2022, 08:30

Bấy lâu nay người dân Hà Nội vẫn mệt mỏi vì tình trạng lô cốt các công trình giao thông án ngữ trên một số tuyến đường, gây tắc đường triền miên. Điều đáng bức xúc hơn là các lô côt này lại “đua nhau” mọc lên vào dịp cuối năm, khi mà lưu lượng phương tiện trong thành phố thường xuyên được dự báo sẽ tăng từ 2-2,5 lần.

Vẫn biết công trình nào thì cũng là quan trọng, song câu hỏi được đặt ra, liệu khi cấp phép cho công trình thi công, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan có dự báo được vấn đề gia tăng ùn tắc? Hay dự án xin thì cấp, sai đâu ta sửa đó?

Từ ngày 5/11/2022, lại thêm hàng loạt lô cốt được mọc lên trên đường Nguyễn Xiển, khiến nhiều đoạn trên tuyến đường vốn có lưu lượng phương tiện đông nay rơi vào cảnh ùn, tắc cả ngày. Khi thực tế, phóng viên nhận thấy, không chỉ có con đường này, ở nhiều tuyến khác như đường Ngô Quyền (Hà Đông), đường Vũ Trọng Khánh (Hà Đông) cũng có cảnh lô côt “lấn” đường của người dân.

Ưu tiên rào lô cốt hay đường đi cho người dân? (Bài 1) -0
"Lô cốt" án ngữ quá nửa đường Nguyễn Xiển gây ùn tắc nghiêm trọng. Ảnh minh họa: CTV.

“Chúng tôi chỉ biết sống chung với bụi và tắc đường”

Sáng ngày 8/11, sau 4 ngày gần chục lô côt quây tôn được dựng lên để phục vụ việc thi công hố ga, thuộc dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã chính thức có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố chỉ đạo nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, bố trí lực lượng phối hợp với lực lượng CSGT, TTGT, chính quyền địa phương hướng dẫn phân luồng đảm bảo ATGT, tránh gây ùn tắc giao thông. Nhà thầu thi công lắp đặt hệ thống biển báo công trường, biển báo chỉ dẫn... để hướng dẫn phân luồng từ xa và tại chỗ cho các phương tiện lưu thông trên đường Nguyễn Xiển hướng đi Linh Đàm; đẩy nhanh tiến độ thi công theo từng giai đoạn của biện pháp thi công sớm thu hẹp rào chắn trả lại lòng đường phục vụ người dân đi lại tránh gây ùn tắc giao thông…

Sở  GTVT yêu cầu là vậy, nhưng chiều cùng ngày, phóng viên thực tế tại tuyến đường này nhận thấy trong gần chục điểm quây tôn thì chỉ có 3-4 điểm là có công nhân làm, còn lại bên trong vắng bóng người. Điều đáng lưu ý, không hề có biển báo hiệu phân luồng từ xa. Thậm chí vì là khu vực quây tôn, lại chiếm tới 1/3 làn đường, nên không ít người bán hàng đã tranh thủ biến bức tường tôn thành nơi tập kết bán hàng rong, gây nguy cơ mất an toàn giao thông cao mà không thấy lực lượng nào nhắc nhở. Tại đầu ngõ 300, nơi công trình được coi là nhộn nhịp nhất tuyến, thay vì quây bên phải như mấy điểm khác, lô cốt tôn lại được quây bên trái làn đường, khiến khoảng không cho người dân lưu thông chỉ còn lại 1/3 đường. Khu vực này bỗng biến thành nút thắt cổ chai “giờ nào cũng tắc”.

Chị Minh Thu nhà ở đường Nguyễn Xiển chia sẻ: “Đường Nguyễn Xiển chạy phía dưới tuyến vành đai 3 trên cao, nằm trên trục giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Tuyến đường đi qua hai quận nội thành Thanh Xuân, Hoàng Mai, vì thế mật độ giao thông rất lớn, nhất là vào giờ cao điểm sáng và chiều. Ngày thường đã thế, vào những dịp cuối năm tình trạng ùn tắc xảy ra là khó tránh. Thực tế sờ sờ ra đấy, tôi không hiểu sao các cơ quan chức năng lại cấp phép cho họ rào tôn chiếm đường thời điểm cuối năm này. Giờ đây người dân chúng tôi chỉ biết sống chung với bụi và “đặc sản” tắc đường”. Thông tin từ Sở GTVT, đơn vị cấp phép rào đường, cho biết việc thi công trên tuyến đường Nguyễn Xiển  dự kiến kéo dài 6 tháng (từ 3/11/2022 tới 3/5/2023).

Sở GTVT yêu cầu thu hồi, lô cốt vẫn án ngữ

Nghiêm trọng hơn là tình trạng tại đường Vũ Trọng Khánh (Hà Đông). Dù được nhắc nhở song hàng chục "lô cốt" trên tuyến đường này vẫn đang chình ình, bất chấp việc đơn vị cấp phép là Sở GTVT Hà Nội yêu cầu thu hồi. Đáng nói, các vị trí quây rào chiếm 2/3 lòng đường nhưng bên trong công trường không một bóng công nhân thi công. Trong khi đó, để qua các lô cốt đang án ngữ tại đây, dòng phương tiện phải xếp hàng dài, nhích từng chút một. Thậm chí có thời điểm qua được tuyến đường dài hơn 200m này, người tham gia giao thông phải mất tới 25 - 30 phút.

Ưu tiên rào lô cốt hay đường đi cho người dân? (Bài 1) -0
Dù không phải giờ cao điểm song nhiều đoạn trên đường Nguyễn Xiển luôn trong tình trạng ùn ứ.

Theo người dân tại khu vực này, các lô cốt đã được dựng lên vài tháng nay, cũng thuôc một dự án thoát nước trọng điểm, song đến nay chưa thấy triển khai gì tiếp. Điều này không chỉ gây cản trở giao thông mà đời sống sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn, nhiều hộ kinh doanh gặp khó khăn khi việc buôn bán bị ảnh hưởng. Một số người tỏ ra ngán ngẩm: "Không hiểu các đơn vị quản lý ưu tiên đường cho dự án hay ưu tiên đường cho dân đi".

Tìm hiểu được biết, các lô cốt trên đường Vũ Trọng Khánh cũng thuộc Dự án hệ thống nước thải Yên Xá (Thanh Trì, Hà Nội) được khởi công xây dựng từ đầu tháng 10/2016, dự kiến được bàn giao vào năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 800 triệu USD (hơn 16.000 tỷ đồng) với 84% là nguồn vốn ODA Nhật Bản.

Bên cạnh xây dựng nhà máy Yên Xá, dự án còn đặt 52km đường cống ngầm ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải. Với gói thầu số 4 hạng mục thi công các ga 42.0 đến 42.11 đi qua địa bàn quận Hà Đông do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội) làm chủ đầu tư được thi công từ tháng 10/2021, theo Giấy phép xây dựng được cấp đến hết 28/2/2022.

Tuy nhiên, có thể thấy đã quá thời hạn thi công gần 9 tháng, nhưng công trình mới chỉ dừng lại ở việc đào 9 trên tổng số 11 hố ga. Trong khi đó, hạng mục khoan cống ngầm, kết nối các ga thu nước sẽ mất nhiều thời gian còn ở phía trước. Do đó, cảnh đông đúc, ùn tắc dưới lòng đường nhưng vắng vẻ trước các cửa hàng kinh doanh có lẽ sẽ còn là câu chuyện dài, mà người dân đang sinh sống trên đường Vũ Trọng Khánh còn phải hứng chịu.

Cách đó không xa, dự án nạo vét, cứng hóa kênh La Khê dài 5,8km đến nay còn nhiều hạng mục chưa được triển khai thi công. Trong khi đó, máy móc được tập kết, rào tôn được thiết lập chiếm diện tích lòng đường nhưng đi dọc dự án không có công nhân làm việc. Trên đường Ngô Quyền (Hà Đông) các phương tiện di chuyển khó khăn do đường xuống cấp, các vị trí quây tôn thi công dự án trông lụp xụp. Người dân sống quanh đây chia sẻ: Từ nhiều tháng nay dự án bị “đắp chiếu”. Không thi công thời gian dài nhưng nhà thầu vẫn quây tôn, việc đi lại của người dân qua tuyến đường càng trở nên bất tiện hơn.

Đặng Nhật
.
.
.