Ước vọng “lộc biển” đầu năm

Thứ Sáu, 03/02/2023, 08:20

Vào những ngày nắng ấm đầu năm mới Quý Mão 2023, hàng nghìn ngư dân ở các tỉnh thành miền Trung, đã cho tàu cá vươn khơi “xông biển” đầu năm với ước vọng một năm bám biển thắng lợi, tàu thuyền cập bờ đầy ắp tôm cá.

Ngày đầu tháng 2/2023, PV Báo CAND đến cảng cá Thừa Thiên-Huế (đóng ở phường Thuận An, TP Huế) và bắt gặp nhiều ngư dân đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, đá cây, nước ngọt… để chuẩn bị cho chuyến xông biển đầu năm mới Quý Mão ngay sau khi địa phương tổ chức lễ hội cầu ngư. Đang sửa soạn lại lưới cụ, ngư dân Nguyễn Văn Lĩnh (42 tuổi, ở tổ dân phố Hải Bình, phường Thuận An, TP Huế) cho biết, chuyến đi biển vào dịp đầu năm mới đối với những người làm nghề biển rất quan trọng.

“Ngoài tục lệ xông biển bắt đầu vụ đánh cá đầu năm mới thì chuyến đi biển đầu năm còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới bám biển được an toàn, thuận lợi, đánh bắt được nhiều tôm cá. Do đó trước chuyến biển này, các ngư dân đi trên tàu cá của gia đình tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và kiểm tra kỹ càng máy móc, ngư cụ để phục vụ cho chuyến ra khơi đầu năm mới”, ông Lĩnh cho hay.

Nhiều ngư dân ở phường Thuận An còn cho biết, trong năm vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn khi nhiên liệu xăng dầu liên tiếp tăng giá, giá bán các loại hải sản có giai đoạn xuống thấp, nhưng ngư dân địa phương đã quyết tâm bám biển, duy trì các hoạt động khai thác biển, nhất là trên vùng biển xa. Thậm chí có những chuyến biển, số lượng hải sản đánh bắt được bán cho thương lái đủ trang trải chi phí thuê nhân công, mua nhiên liệu nhưng các ngư dân vẫn cần mẫn bám biển.

“Gia đình tôi có nhiều đời làm nghề đi biển. Đây không những là nghề truyền thống do cha ông để lại mà với bản thân tôi, nghề đi biển đã thấm vào máu thịt. Vì thế trong chuyến biển đầu năm mới Quý Mão, tôi và các ngư dân đều cầu mong trời yên biển lặng, đánh bắt được thật nhiều tôm cá để lấy động lực cho những chuyến biển lần sau”, ngư dân Hoàng Văn Lợi, chủ tàu cá công suất 400CV ở Thuận An bày tỏ.

Ông Đào Quang Hưng, Chủ tịch UBND phường Thuận An cho biết, suốt nhiều năm qua, với thế mạnh về khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản nên ngư dân địa phương đã chú trọng phát triển đội tàu xa bờ, phần lớn các ngư dân đều có kinh nghiệm trong nghề đi biển. Đến nay, phường có số lượng tàu thuyền khai thác biển hơn 330 chiếc, trong đó tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn 107 chiếc, số còn lại là tàu cá có công suất trung bình và tàu nhỏ cùng gần 100 phương tiện đánh bắt vùng bãi ngang. Để nâng cao năng suất khai thác trên biển, chính quyền địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức hướng dẫn, kêu gọi bà con ngư dân tăng cường đầu tư nâng cấp tàu cá, ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại, đa dạng loại hình đánh bắt để hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng hải sản đánh bắt trên biển trong năm 2023.

a.jpg -0
Ngư dân Quảng Trị thắng lớn chuyến biển đầu năm.

Ngoài ngư dân ở phường Thuận An, ngư dân ở các xã biển như Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… cũng tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, kiểm tra lại hệ thống máy móc trên tàu cá để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi bám biển vào đầu năm mới Quý Mão. Trong khi đó, tại nhiều vùng biển gần bờ thuộc các xã Điền Hải, Điền Hương, Điền Hòa (huyện Phong Điền); Hải Dương (TP Huế); Quảng Công, Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), từ ngày mùng 4 tháng Giêng đến nay, ngư dân địa phương đã ra khơi và đánh bắt được nhiều loại hải sản như cá khoai, cá nục, cá trích, tôm. Trước khi xuất hành ra biển, các ngư dân cũng đã làm lễ cầu ngư để cầu mong một năm mới đi biển thu về được nhiều tôm, cá.

Đặc biệt, do thời tiết những ngày đầu tháng Giêng nắng đẹp nên vùng biển gần bờ có số lượng lớn cá khoai và các loại cua, mực. Chỉ sau vài giờ đồng hồ đánh bắt, thả lưới, mỗi thuyền của ngư dân đã thu về hàng chục ký cá khoai và các loại hải sản khác. Với giá bán từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg khiến ngư dân hào hứng, phấn khởi trong những ngày đi biển đầu năm mới.

Tại Quảng Trị, gần 9h sáng 2/2, những tàu lớn của bà con ngư dân vươn khơi đánh bắt chuyến biển đầu tiên của năm mới nối nhau cập cảng cá Bắc Cửa Việt, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh. Quang cảnh ở cảng cá này trở nên đông đúc, rộn ràng như ngày hội.

Trên những con tàu cá vừa cập bờ, các chủ tàu hối thúc các thuyền viên vận chuyển số hải sản đánh bắt được lên bờ. Nhiều loại cá lớn, mực nang còn tươi rói sau khi được xúc kéo lên từ khoang tàu, được xếp chất vào các sọt nhựa lớn hình chữ nhật, lần lượt được chuyền lên bờ cho các thương lái đến thu mua chờ sẵn. Tiếp theo, các thương lái cho đổ vào các sọt nhựa đựng cá, mực này lớp đá lạnh dày để tiếp tục giữ cho chúng được tươi, sau đó sắp chất lên các xe ôtô bán tải, vận chuyển đi tiêu thụ.

“Vươn khơi từ hôm mồng 3 Tết, năm nay cập bờ sớm hơn mọi năm 3-5 ngày nhờ đánh bắt trúng nhiều loại cá, mực lớn. Thương lái thu mua với giá khá cao, 70.000 đồng/kg cá bè, 160.000 đồng/kg cá thu và 250.000 đồng/kg mực nang nên bà con ngư dân chúng tôi rất vui”, ông Lê Quang Nam trú khu phố 7, thị trấn Cửa Việt, chủ một tàu cá lớn vừa cập bờ ở đây chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, chỉ trong 2 giờ đồng hồ, từ 9-11h ngày 2/2, tại cảng cá Bắc Cửa Việt có 7 tàu cá công suất lớn cập bờ. Ngoài 3 loại hải sản chủ yếu gồm cá bè, thu và mực nang, một số tàu còn trúng đậm cá chai loại lớn. Theo ước tính và thống kê sơ bộ của các chủ tàu cá này, chuyến vươn khơi đầu năm trong 9 ngày qua đã đánh bắt được khoảng 11 tấn hải sản (bình quân mỗi tàu đánh gần 1,6 tấn).

Còn theo anh Nguyễn Xuân  Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, bà con vươn khơi đánh bắt chuyến đầu năm thông báo và đăng ký cập bờ trong ngày 2/2 là 17 tàu công suất lớn. Các chủ tàu cũng cho biết chuyến này bình quân mỗi tàu đánh bắt được 1,4 tấn hải sản. Như vậy, chỉ trong ngày 2/2, sản lượng hải sản ở đây đã trên 23 tấn.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, trong năm 2022, ngư dân địa phương đã đầu tư mua sắm thêm 21 tàu cá xa bờ, nâng số tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên là 417 tàu cá. Ông Bình đánh giá, tàu đánh bắt công suất lớn không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động dài ngày mà còn giúp ngư dân vươn đến vùng biển xa, ngư trường lớn. Tính đến đầu năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có hàng trăm tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa. Việc ngư dân lập các tổ đội tàu đoàn kết đánh bắt ở ngư trường lớn xa bờ không những thu được các loại hải sản có giá trị kinh tế cao, nâng cao năng suất đánh bắt mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát các kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương.

Anh Khoa – Thanh Bình
.
.
.