UBKT Trung ương làm việc với người tố cáo sai phạm ở Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên

Thứ Bảy, 04/01/2025, 13:55

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Sau khi Báo CAND thông tin về việc bằng tiến sĩ học từ xa của ông Hà Tài Sáu được Trường Đại học Bang Bulacan thuộc Cộng Hòa Philipines cấp năm 2016 chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công nhận, trong văn bản gửi Báo CAND lần này và trong một số văn bản ký phát hành nội bộ gần đây, ông Hà Tài Sáu đã không còn ghi “TS” phía trước họ tên của mình.

Liên quan đến những dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu này, ngày 24/12 vừa qua, UBKT Trung ương đã mời người tố cáo sai phạm (nguyên là nhân viên của Phân hiệu) đến làm việc. Đồng thời, nhiều cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Cục An ninh chính trị nội bộ, Thanh tra Bộ GĐĐT… cũng đã chuyển đơn tố cáo sai phạm xảy ra tại đây đến Trung ương Đoàn hoặc cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền giải quyết.   

Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với người tố cáo sai phạm ở Phân hiệu Thanh thiếu niên Việt Nam -0
Dãy nhà 1 tầng được xây dựng trong dự án đầu tư 34 tỷ đồng.

Vấn đề đem đất công đi cho thuê mặt bằng, ông Hà Tài Sáu thừa nhận trước đây Phân hiệu có ký hợp đồng liên kết, cho thuê một số mặt bằng, đến năm 2020 thì chấm dứt các hợp đồng cho thuê theo chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Học viện. Từ đó đến nay Phân hiệu đã sử dụng nhiều hình thức và biện pháp để thu hồi mặt bằng nhưng đến nay còn 6 trường hợp chưa trả lại. Mặc dù Phân hiệu đã khởi kiện ra TAND TP Thủ Đức nhưng đến nay chưa có kết quả, trong khi suốt những năm qua các trường hợp này vẫn cứ chiếm dụng “miễn phí” diện tích lên đến vài nghìn m2 đất công của Phân hiệu.

Chưa tính số tiền án phí phải nộp khi khởi kiện ra tòa để đòi lại mặt bằng đối với 6 trường hợp này, chỉ riêng tiền thuê dịch vụ đo vẽ diện tích các mặt bằng cho thuê để nộp cho tòa án đã tốn vài trăm triệu đồng. Trong các vụ việc khởi kiện tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng trên, nhiều đối tác đã yêu cầu bồi thường số tiền không nhỏ cho phần tài sản họ đã đầu tư xây dựng trên đất. Vì vậy, Phân hiệu sẽ lấy tiền đâu để bồi thường nếu thua kiện cũng là vấn đề cần làm rõ.

Đối với dự án cải tạo, mở rộng Phân hiệu có tổng mức đầu tư gần 34 tỷ đồng được Trung ương Đoàn phê duyệt đầu tư từ năm 2009, nhưng đến nay chưa được quyết toán, ông Hà Tài Sáu cho biết, Phân hiệu đang tích cực làm việc với các bên để quyết toán dự án. Việc quyết toán chậm đã được Phân hiệu báo cáo lãnh đạo Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trung ương Đoàn xin ý kiến chỉ đạo để tiếp tục thực hiện.

Trong khi đó, ngày 9/9/2024 vừa qua, Trung ương Đoàn đã tiếp tục có văn bản yêu cầu Học viện Thanh thiếu niên báo cáo quyết toán dự án để phê duyệt trước ngày 30/9. Liên quan đến dự án này, ngày 15/11/2016 UBND phường Tân Phú đã có văn bản gửi Phân hiệu đề nghị tự tháo dỡ công trình vi phạm được dùng làm giảng đường cho sinh viên có diện tích 1.725m2 do Phân hiệu đầu tư xây dựng.        

Được đầu tư số tiền lớn chưa quyết toán, nhưng trong tờ trình xin kinh phí 3,5 tỷ đồng để sửa chữa vào tháng 6/2022, ông Nguyễn Hữu Long, nguyên Phó Giám đốc Phân hiệu cho rằng khu nhà làm việc được đưa vào sử dụng năm 2014 chưa đồng bộ; khu ký túc xá được xây dựng từ năm 1968 và được cải tạo, sửa chữa năm 2013 nhưng chưa cải tạo hệ thống điện, khu vệ sinh ký túc xá cải tạo năm 2011 đã xuống cấp.

Trong khi đó, tường trình về nguồn gốc khu đất gửi Sở TNMT TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Long đã thông tin, năm 2010 để nâng cấp Phân hiệu thành trường đại học, đơn vị đã được cấp kinh phí xây dựng 1 khu nhà học và khu nhà làm việc 3 tầng. Nhưng đến nay, tại Phân hiệu này công trình được xây dựng mới là khu nhà làm việc chỉ có một tầng; khu nhà 3 tầng trước đây là tòa nhà 2 tầng cũ được xây thêm 1 tầng, hiện sử dụng làm hội trường, phòng học và ký túc xá. Như vậy, trong số tiền đầu tư trên không có tòa nhà 3 tầng nào được xây dựng mới (?!).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với người tố cáo sai phạm ở Phân hiệu Thanh thiếu niên Việt Nam -0
Khu nhà 2 tầng cũ được xây thêm tầng tại Phân hiệu.

Về quản lý đất công, ngày 4/6/2016 Trung ương Đoàn có văn bản giao toàn bộ khu nhà, đất có diện tích lên đến 8,95 ha cho Phân hiệu lập dự án quy hoạch xây dựng. Kèm theo việc giao đất, Trung ương Đoàn yêu cầu Phân hiệu chịu trách nhiệm quản lý, chống lấn chiếm, không sử dụng trái phép đất đai đối với toàn bộ diện tích này.

Trước đó, báo cáo với UBND thành phố vào tháng 3/2012, bà Đào Hương Lan, Giám đốc Sở Tài Chính, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo 09 cho biết: Nhà, đất tại số 261 Hoàng Hữu Nam do Phân hiệu quản lý có diện tích đất là 12,4 ha; diện tích sàn sử dụng nhà là 6.691m2. Tháng 3/2008 trong văn bản gửi Trung ương Đoàn, Bộ Tài chính cũng xác nhận các con số về diện tích nhà, đất trên. Nhưng đến nay, diện tích đất thực tế Phân hiệu đang quản lý còn giảm rất nhiều do một phần đang bị các tổ chức, cá nhân khác chiếm dụng.

Với số lượng cán bộ, giảng viên, nhân viên trên dưới 20 người, quy mô đào tạo gồm 3 ngành: Cử nhân công tác Thanh thiếu niên, Cử nhân Luật và Cử nhân Xây dựng Đảng. Trong đó, ngành Cử nhân Luật và Cử nhân Xây dựng Đảng mới chỉ được tuyển sinh vào năm học này với quy mô mỗi ngành mới chỉ có 1 lớp nên tổng số sinh viên của Phân hiệu chỉ khoảng 300 người. Trong khi điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ đại học đã được Bộ GDĐT quy định rõ là phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu. Trường hợp mở ngành ghép, thì mỗi ngành được ghép phải có ít nhất 1 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 3 năm. Nhưng trước đó, Phân hiệu chỉ có bà T.T.L mới hoàn thành việc bảo vệ luận án tiến sĩ ngành xã hội học vào đầu năm 2024.

Chưa hết, trong một báo cáo rà soát giờ giảng, phụ cấp ưu đãi đối với cán bộ, giảng viên của Phân hiệu từ năm 2017 đến 2021, có những giảng viên đứng lớp với số giờ giảng “khủng”, vượt quy định của Bộ GĐ&ĐT là 270 giờ. Đồng thời các chức danh lãnh đạo khoa, lãnh đạo Phân hiệu được giảm từ 30-70% số giờ giảng dạy. Thế nhưng tổng số giờ do giảng viên N.X.T, Trưởng khoa giảng dạy năm 2020 lên đến 982 giờ, năm 2019 là 757 giờ. Ông Nguyễn Hữu Long trong thời gian giữ chức Phó giám đốc Phân hiệu cũng có những năm giảng dạy đến 621 và 589 giờ.

Đất đai rộng trong khi quy mô đào tạo nhỏ, nên những năm qua ngoài tình trạng để bị lấn chiếm, đem cho thuê mặt bằng rồi bị chiếm dụng, Phân hiệu này còn cho thuê cơ sở vật chất, liên kết đào tạo với nhiều đối tác khác. Vậy có nên duy trì một cơ sở đào tạo “èo uột” và có nhiều vấn đề như vậy trong tình hình cả nước đang quyết liệt tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế như hiện nay? 

Bảo Sơn
.
.
.