Vướng mắc giải phóng mặt bằng Dự án hệ thống bơm tiêu Yên Nghĩa:

Từ diện tái định cư đất ở đến “đền bù” 100 triệu đồng/hộ dân

Chủ Nhật, 17/09/2023, 06:33

Mới đây, khi giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây Hà Nội (Trạm bơm Yên Nghĩa) thuộc quận Hà Đông, cơ quan chức năng đã tiếp nhận khiếu nại của 23 hộ dân đang sinh sống tại tổ 7, phường Yết Kiêu vì lý do không được đền bù thỏa đáng nên người dân chưa đồng tình di dời, bàn giao mặt bằng…

Nhà đất được phân ở 50 năm bỗng thành… lấn chiếm

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2023, quận Hà Đông sẽ phải lên phương án và tiến hành triển khai việc đền bù GPMB dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Thế nhưng với mức đền bù hỗ trợ quá thấp như hiện nay thì việc vận động người dân di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án khó có thể đúng thời hạn. Trong các kỳ họp HĐND TP Hà Nội, cử tri liên tục kiến nghị thành phố làm rõ nguyên nhân chậm trễ triển khai dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Vậy đâu là “nút thắt”?

Theo phản ánh của 23 hộ dân đang sinh sống tại tổ 7, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông, năm 1960, Nhà máy cơ khí nông nghiệp (thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim) nay là Công ty TNHH MTV Máy kéo và Máy nông nghiệp (viết tắt là Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp) được Trường Công an Trung ương (nay là Học viện An ninh nhân dân) bàn giao tiếp quản 1,6ha đất. Từ năm 1974 đến 1983, 23 hộ dân nói trên được Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp phân nhà ở kèm theo Quyết định BS 394 QĐ/UB ngày 30/8/1963 do ông Đặng Đình Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội) ký.

7-1.jpg -0
Nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng cam kết bố trí đất tái định cư cho 23 hộ dân sau khi “nhường” đất xây dựng trường Tiểu học Yết Kiêu thì sẽ không xảy ra vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Từ đó đến nay, 23 hộ dân sinh sống ổn định trên thửa đất 1.835m2 thuộc khu đất 1,6ha này và hằng năm thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ theo quy định. Năm 2014, các hộ dân nơi đây nhận được thông báo về việc bị thu hồi đất để phục vụ dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa. Đến năm 2016, cơ quan quản lý có kết luận đất ở của 23 hộ dân đang sinh sống thuộc đất được phân trái thẩm quyền và sau đó kiểm đếm, ban hành quyết định đền bù giai đoạn 1 kèm theo các thông báo, trong đó có Thông báo 918/TB-PTQĐ ngày 28/11/2016 của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông. Tuy nhiên sau đó, cơ quan chức năng không thực hiện phương án đền bù GPMB theo thông báo nói trên.

Bà Trương Thị Thắng (số 36 phố Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu) cho biết, liên quan đến dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, năm 2014, chính quyền quận Hà Đông đã có thông báo họp dân về việc GPMB để thực hiện dự án. Sau đó, quận có phương án chi tiết về việc bồi thường hỗ trợ giai đoạn 1 cho từng hộ gia đình, đã có mốc giới trên sơ đồ. Theo đó, 23 hộ dân tại đây được tái định cư bằng đất ở tại khu B Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông). Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, cơ quan chức năng không thực hiện việc đền bù, cấp đất tái định cư cho người dân và cũng không có thông báo gì.

Từ diện tái định cư đất ở đến “đền bù” 100 triệu đồng/hộ dân -0
Ông Nguyễn Quốc Trụ nói về nguồn gốc đất 23 hộ dân được Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp giao trước nhiều năm có Luật Đất đai (1993) và Pháp lệnh bảo vệ hành lang đê (1989)

“Bất ngờ, ngày 11/8/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông đưa thông báo cho 23 hộ gia đình chúng tôi và đề nghị các hộ phải di dời, bốc thăm lên ở vào 2 toà chung cư N06, N07 (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) mà không có sự bàn bạc, họp dân. Nếu các hộ dân không đi bốc thăm thì Ban tổ chức bốc thăm sẽ mời người đại diện bốc thăm cho các hộ dân. Thế nhưng ngày 7/9/2023 mới lại đưa thông báo dự thảo đền bù cho các hộ dân.

Đặc biệt, giá đền bù nhà nhiều nhất thì được hơn 100 triệu đồng, còn thấp nhất như trường hợp nhà tôi là 56 triệu đồng và cũng không được tái định cư. Nếu các hộ dân muốn được vào ở khu tái định cư thì phải mua giá đất theo hệ số K là 1,3 (tương đương với mức từ 24 đến 34 triệu đồng/m2) khiến chúng rất lo lắng, bức xúc. Trong khi đó, nguồn thu nhập của các hộ dân ở đây đều là CBCNV về hưu với mức lương thấp (trung bình từ 2 đến 3,5 triệu đồng/tháng). Chính vì thế, nhiều người lo lắng không biết phải đi đâu?”.

Cùng với bà Thắng, bà Nguyễn Thị Tâm (số 38 Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu) cho biết, hiện gia đình bà được Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp phân nhà cạnh bờ kênh La Khê và ở ổn định từ những năm 1980 đến nay. Thế nhưng mới đây, khi GPMB để triển khai dự án nói trên, gia đình bà nhận được thông báo đất của gia đình nằm trong chỉ giới hành lang kênh La Khê, là đất lấn chiếm nên không được đền bù đất ở, chỉ được đền bù tài sản là ngôi nhà cũ ước tính hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, ngôi nhà là nơi ở duy nhất của 10 thành viên. Với mức lương hưu hơn 3,8 triệu đồng/tháng thì không biết phải sống thế nào? 

Cần đảm bảo quyền lợi của dân

Ông Nguyễn Quốc Trụ (số 28 phố Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu) cho biết, 23 hộ gia đình được Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp phân nhà ở từ những năm 1970; trước gần 20 năm khi Luật Đất đai 1993 ra đời. Đến năm 1995, UBND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) ban hành quyết định về hành lang bảo vệ bờ kênh La Khê (quận Hà Đông), Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp có phương án chuyển 23 hộ dân chúng tôi về khu đất 1.800m2 thuộc đất khu tập thể của công ty quản lý phía đối diện (hiện nay Trường tiểu học Yết Kiêu đang sử dụng).

Tuy nhiên, do lúc đó phường Yết Kiêu đang cần gấp quỹ đất để xây trường tiểu học nên Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp đã thống nhất với phường Yết Kiêu và các cơ quan, ban, ngành yêu cầu bố trí đất cho 23 hộ thì sẽ giao đất để xây trường tiểu học. Sau đó, các bên đã thống nhất nội dung này và được thể hiện rõ trong các văn bản ngày 21/6/1997 và ngày 26/10/1997 do UBND phường Yết Kiêu và các bên liên quan xác lập. Đến nay, trường Tiểu học Yết Kiêu được xây dựng và đi vào hoạt động hơn 20 năm nhưng đất để hoàn trả 23 hộ dân thì không được thực hiện.

Với những tài liệu cho thấy, 23 hộ dân nằm trong khu vực giải tỏa di dời nói trên đã được Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp phân nhà từ khoảng năm 1970. Hệ thống bản đồ địa chính năm 1999 của phường Yết Kiêu quản lý cũng như Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh quận Hà Đông đều ghi nhận, đất khu vực 23 hộ đang sinh sống có hiện trạng là đất ở chứ không phải là đất mương lấn chiếm.

Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Nga (số nhà 28 Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu) được xác nhận đăng ký “Thửa đất số: 204, tờ bản đồ số 4 tại địa chỉ trên có diện tích đất ở 125,8m2 với hình thức sử dụng riêng; Đất ở tại đô thị từ thời điểm trước ngày 15/10/1993…”. Thế nhưng khi GPMB thực hiện dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, các hộ dân bị “áp” không được đền bù về chỗ ở vì phần đất ở của họ được cho là đất lấn chiếm hành lang kênh La Khê chứ không phải đất nhà máy đã giao từ những năm 1970.

7-2.jpg -0
Một phần kênh La Khê được cải tạo giai đoạn 1.

Liên quan đến việc GPMB triển khai dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Khắc Huy - Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu cho biết: “Bây giờ mới đang làm bước dự thảo. Việc này cũng đã làm 5 năm rồi, còn làm vài năm nữa… Yên tâm. Cách giải quyết quyền lợi cho người dân làm đúng theo quy định pháp luật”.

Về chuyện người dân chấp nhận nhường đất làm trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thì ông Nguyễn Khắc Huy cho rằng: “Không phải đất của họ. Đất đai công thổ quốc gia, phường lấy làm gì đâu? Họ nhường đâu mà nhường! Đấy là 2 tổ chức thống nhất với nhau làm việc công cho xã hội. Hồi đó là thị xã chứ chả phải phường. Phường chỉ làm cái biên bản rồi thực hiện. Hồi đó là thị xã làm, xây trường cấp 1 phường đâu có được xây”.

Theo người dân, họ rất đồng thuận với việc TP Hà Nội triển khai dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa nhưng với việc xác định nguồn gốc đất chưa chuẩn xác dẫn tới tiền đền bù quá thấp như hiện nay sẽ khiến họ chưa thể dời ngôi nhà duy nhất đang sống để bàn giao mặt bằng cho dự án. Được biết, để giải quyết cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất không còn chỗ ở nào khác, TP Hà Nội mới đây đã bố trí căn hộ tại khu tái định cư N06-N07 ở Dịch Vọng, Cầu Giấy và bán giá ưu đãi cho các hộ dân nhưng thực tế so với thu nhập của người dân vẫn là quá cao. Đặc biệt, việc cơ quan chức năng xác định nguồn gốc đất của 23 hộ dân chưa đúng với bản chất thực tế thì lợi ích của người dân không được đảm bảo.

Bà Phạm Thị Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông cho biết, hiện quận Hà Đông đang đề xuất TP Hà Nội, trên cơ sở các tài liệu phân nhà cho CBCNV của Công ty Máy kéo và Máy nông nghiệp trước đây, cần xác định lại nguồn gốc đất của các hộ dân để có mức đền bù hợp lý. Đồng thời đề xuất với thành phố xem xét cơ chế đặc thù, giảm giá bán nhà chung cư giá do đang quá cao so với chất lượng nhà.

Quang Trường – Chiến Thắng
.
.
.