Tranh chấp căng thẳng lối đi giữa người dân và công ty thủy điện

Thứ Hai, 08/04/2024, 05:28

Nhiều gia đình sinh sống, có đất canh tác phía sau hầm dẫn nước của nhà máy thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đang rất khổ sở khi Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội (Công ty Long Hội), rào chắn con đường ngang qua đường hầm dẫn nước với lý do để đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện.

Con đường trên dẫn vào khu sản xuất nông nghiệp của 27 hộ dân với khoảng 20ha đất. Ngoài con đường này, vẫn còn một con đường khác để đi vào nhưng phải đi vòng lên đồi cao, địa hình hiểm trở, dài hơn 3,5km. Ông Phan Lâm, người sinh sống phía sau đường hầm thủy điện cho biết, trước khi Công ty Long Hội làm đê quai chắn nước lòng hồ để phục vụ nhà máy thủy điện, người dân vẫn đi lại trên con đường này.

tranh chap 2.jpg -0
Công ty Long Hội rào chắn con đường đi qua cửa hầm dẫn nước nhà máy thủy điện gây phát sinh tranh chấp lối đi với người dân.

Bà con sử dụng xe cơ giới vận chuyển hàng hóa, nông sản, phân bón để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Công ty Long Hội cho rằng, vị trí con đường nằm trong phần đất đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án thủy điện. Khi chủ đầu tư hoàn thành thi công đường cửa hầm qua đập thủy điện, các hộ dân phía trong vẫn được sử dụng con đường trên. Công ty chỉ cấm xe cơ giới có tải trọng lớn vì nguy cơ đe dọa tới an toàn cửa hầm dẫn nước.

Từ tháng 4/2019, sự việc bắt đầu phức tạp khi Công ty Long Hội làm cổng sắt rào chắn, hạn chế các phương tiện chở nông sản, xe cơ giới đi qua cổng hầm dẫn nước. Từ ngày 24/3 tới nay, công ty đóng cửa sắt, rào chắn thêm một lớp cổng trên con đường hiện hữu. Điều này khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều phiền toái. Mỗi lần muốn đi qua, bà con phải xin bảo vệ mở rào. Bà Nguyễn Hồng Thuý, giáo viên Trường mầm non Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương cho biết, hằng ngày đi làm, bà đều phải xin, nhờ bảo vệ mở cổng mới được qua. Có những lúc bà Thúy phải gửi xe, chui rúc qua hàng rào kẽm gai để về nhà. “Sáng 2/4, gia đình đưa cháu 7 tháng tuổi đi tiêm chủng nhưng lãnh đạo nhà máy chỉ đạo cho bảo vệ không được phép mở cổng. Một gia đình có hai cháu đang theo học tại Trường tiểu học xã Lát, hằng ngày đến trường và về nhà phải chui qua hàng rào kẽm này. Đêm khuya, chẳng may bị đau ốm, hỏa hoạn, rủi ro… chúng tôi không biết kêu ai!..”, bà Thuý nói.

Tại các buổi làm việc giữa Công ty Long Hội với UBND huyện Lạc Dương, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, UBND xã Lát và người dân, đại diện Công ty Long Hội cho rằng công ty dựng cổng, rào chắn để bảo vệ hầm dẫn nước của nhà máy thủy điện là đúng quy định. Bởi lẽ, đường hầm dẫn nước từ hồ chứa về nhà máy thuỷ điện nằm trong phạm vi bảo vệ, cấm xâm phạm, phá hoại, đồng nghĩa với việc các phương tiện, người dân đều không được phép đi vào, đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, khi hoàn thành đường hầm dẫn nước, Công ty Long Hội vẫn linh động, tạo điều kiện cho người dân đi lại, nhất là các hộ sinh sống và có đất sản xuất bên trong.

Do việc di chuyển bằng đường qua hầm dẫn nước nhà máy thủy điện gặp nhiều phiền toái nên người dân địa phương đã đề nghị chính quyền tu sửa lại con đường đi qua dốc Min để dẫn vào khu vực sản xuất bên trong. Con đường này dài khoảng 3,5km, rất khó đi do dốc cao và đất đá lởm chởm. Công ty Long Hội đã đóng góp kinh phí khoảng 1 tỷ đồng cùng với nguồn vốn đối ứng của địa phương để tu sửa lại con đường trên. Dù vậy, đường vòng dốc Min khá xa và không đảm bảo an toàn nên đầu năm 2024, người dân lại đề xuất mở một con đường mới ngắn hơn. Con đường mới được đề xuất này cũng cắt qua đường hầm dẫn nước, gần như song song với đường cũ nhưng ở phía trên đồi, dài khoảng 250m. Việc người dân làm đường mới chạy qua hầm nước nhà máy thủy điện trong khi chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, thẩm định và cấp phép khiến Công ty Long Hội và người dân phát sinh mâu thuẫn căng thẳng. Đây có thể là nguồn cơn chính khiến công ty rào lại con đường người dân vẫn thường đi.

Theo UBND huyện Lạc Dương và UBND xã Lát, vị trí đi vào khu sản xuất của người dân là đường đi độc đạo có từ trước khi thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo xây dựng. Con đường dẫn tới khu sản xuất của 27 hộ với khoảng 20ha đất. Từ năm 2019, phía Công ty Long Hội đã làm bariekiểm soát,yêu cầu các hộ dân đi qua lại phải xuất trình giấy tờ. Chỉ cho các phương tiện là xe máy, máy cày và người đi bộ qua lại. UBND huyện Lạc Dương đã nhiều lần họp các bên để tìm phương án xử lý nhưng vẫn chưa đạt được kết quả.

Theo UBND xã Lát, thời gian qua, người dân kiến nghị tiếp tục được sử dụng tuyến đường cũ ngang qua khu vực cửa hầm dẫn nước của nhà máy thủy điện nhưng Công ty Long Hội không đồng ý. Điều này dẫn tới các bên phát sinh mâu thuẫn căng thẳng, ảnh hưởng tới an ninh trật tự tại địa phương.

Tại cuộc họp ngày 5/4 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương yêu cầu Công ty Long Hội thực hiện ngay các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lạc Dương, trong đó có nội dung khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường giảiphóng mặt bằng, cắm mốc tuyến năng lượng, đường điện 22KV của nhà máy thuỷ điện Đa Dâng – Đạ Chomo. UBND huyện Lạc Dương cũng đề nghị Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn, xác định rõ nội dung an toàn công trình khi tổ chức, cá nhân đề nghị, xin phép được thi công tuyến đường dân sinh cắt ngang tuyến năng lượng (hầm dẫn nước) của nhà máy thuỷ điện. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu Công ty Long Hội tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện trên tuyến đường cũ trong thời gian chờ làm đường mới.

Khắc Lịch
.
.
.