Trách nhiệm của chủ khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác

Thứ Bảy, 21/12/2024, 05:54

Hỏi: Trên đường đi học về, cháu tôi bị chó của nhà hàng xóm cắn với tỷ lệ thương tật là 33%. Xin quý Báo cho biết, người chủ nuôi con chó có trách nhiệm gì trong trường hợp của cháu tôi? (Bà Nguyễn Thị Thanh, Vĩnh Phúc).

Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh cho biết: Việc không quản lý vật nuôi dẫn đến việc vật nuôi cắn người khác gây thương tích thì chủ vật nuôi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm của chủ khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác -0
Ảnh minh họa.

- Về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Đối với thiệt hại về sức khỏe, Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu vật nuôi phải bồi thường các khoản chi phí gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định; một khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận nhưng không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Việc bồi thường thiệt hại do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, người bị hại có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu chủ vật nuôi bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

- Về trách nhiệm hành chính: Theo khoản 3 Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018 thì chủ nuôi chó phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác. Trong trường hợp để chó cắn người gây thương tích, chủ nuôi có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng do không tuân thủ các biện pháp an toàn cho người và vật nuôi khác theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020).

- Về trách nhiệm hình sự: Trường hợp chủ nuôi không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn để chó cắn người gây thương tích từ 31% trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” theo Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức hình phạt có thể là cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 3 năm.

Ban KT – PL
.
.
.