Thừa Thiên Huế xin dừng hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, vì sao ?

Thứ Bảy, 30/11/2024, 07:15

Dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong thời gian qua nhằm hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên quá trình thực hiện hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô trên biển thuộc dự án này gặp nhiều khó khăn, buộc địa phương kiến nghị dừng triển khai.

Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong 4 tỉnh, thành ở miền Trung được hỗ trợ triển khai dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá và thực hiện dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản từ nguồn bồi thường sự cố môi trường biển. Vào tháng 4/2024 vừa qua, tỉnh Thừa Thiên Huế được phân bổ kinh phí 170 tỷ đồng để triển khai thực hiện dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản.

Dự án do Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Trong đó hợp phần thả rạn nhân tạo có mức đầu tư 150 tỷ đồng và hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô có kinh phí 20 tỷ đồng nhằm hình thành sinh cảnh nhân tạo cho các loài thủy sản cư trú, giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác bằng lưới kéo đáy, phục hồi các hệ sinh thái, giống loài thủy sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hợp phần thả rạn nhân tạo được Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện với diện tích 300ha, độ phủ nền đáy rạn khoảng 1% đến 1,5%. Hiện nay, công tác thả rạn nhân tạo đang trong quá trình triển khai thi công tại vùng biển xã Giang Hải, huyện Phú Lộc. Số lượng cụm rạn tại vị trí thả là 127 cụm với 4.352 khối rạn, gồm 3.852 khối lập phương và 500 khối bán cầu, hiện khối lượng công việc thực hiện đạt tiến độ 95%.

Đối với hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện từ 16 đến 18ha ở vùng biển Sụng Rong Câu, Bãi Chuối thuộc vùng Sơn Chà - Hải Vân, huyện Phú Lộc. Nguồn giống lấy từ vùng biển Sơn Chà (Đà Nẵng) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Cách lấy giống bằng phương pháp tách giống vô tính từ các tập đoàn san hô với kích thước tối thiểu không dưới 30cm đối với san hô dạng khối, dạng bán khối; từ 1m trở lên đối với san hô dạng cành, dạng tán bàn. Đối với kỹ thuật trồng, theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, san hô giống được trồng trên nền đáy cứng, vững chắc là thềm rạn đá hoặc các giá thể nhân tạo được thiết kế phù hợp, không gây ô nhiễm môi trường.

4-2.jpg -0
Thả rạn nhân tạo xuống vùng biển tỉnh Thừa Thiên Huế để tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Theo ông Thái Văn Phúc, dù đã được Bộ NN&PTNN hướng dẫn, song quá trình thực hiện dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tại hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô, theo đề nghị của Bộ NN&PTNT, tỉnh Thừa Thiên Huế phải tổ chức rà soát, xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật trồng, phục hồi san hô để phục vụ thực hiện dự án theo thẩm quyền. Tuy nhiên quy trình trồng, phục hồi san hô dự kiến gồm 6 đến 8 công tác, mỗi công tác phải xây dựng 1 định mức tương ứng và thời gian thực hiện tối thiểu khoảng 5 tháng.

Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật nuôi cấy, phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam hiện được Bộ NN&PTNT đang giao cho Viện Nghiên cứu Hải sản thử nghiệm các phương pháp nuôi cấy, phục hồi san hô cứng tại khu vực Hải Vân - Sơn Chà nên chưa đủ cơ sở để áp dụng xây dựng định mức. Trong khi tại địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không có đơn vị tư vấn đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện hợp phần trồng, phục hồi rạn san hô.

"Do việc thực hiện trồng, phục hồi rạn san hô trên vùng biển thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh... nên đối với hợp phần này, đơn vị tư vấn đề xuất chỉ thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 để tránh mưa bão. Ngoài ra, công tác phục hồi, tái tạo rạn san hô cần có thời gian kiểm tra, theo dõi. Vì vậy việc thực hiện hoàn thành hợp phần này trong năm 2024 là rất khó khăn", ông Thái Văn Phúc đánh giá.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho biết, theo Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng do lịch sử để lại, thì hòn Sơn Chà giao TP Đà Nẵng quản lý. Trong khi chờ các thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện, xác định đường địa giới trên thực địa và các nội dung khác có liên quan thì quá trình tiếp tục triển khai hợp phần trồng, phục hồi san hô ở địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án. Ngoài ra, hiện đã bước vào mùa mưa bão, thời gian thuận lợi triển khai thi công không còn nên khó đảm bảo thời hạn hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2024 theo quy định.

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT để kiến nghị dừng thực hiện hợp phần trồng, phục hồi san hô thuộc dự án phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án đối với nội dung trồng và phục hồi san hô sẽ tiếp tục được sử dụng và thực hiện sau khi định mức trồng và phục hồi san hô được cơ quan chức năng ban hành.

Anh Khoa
.
.
.