Tháo dỡ lồng bè tự phát trên vịnh biển Mân Quang

Thứ Hai, 22/11/2021, 06:52

Để trả lại cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái cho biển, nguồn nước và đảm bảo ATGT đường thủy, sau nhiều đợt vận động, hỗ trợ sinh kế cho ngư dân, UBND quận Sơn Trà quyết định thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy hải sản tự phát, đảm bảo không để phát sinh lồng bè nuôi trồng mới tại vịnh Mân Quang, Đà Nẵng.

Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, từ ngày 9/11 đến tháng 12/2021, chính quyền và cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ những lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản tự phát ở vịnh Mân Quang theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030. Trước đó, UBND quận cũng đã tuyên truyền vận động, hỗ trợ tháo dỡ đối với các hộ ngư dân có lồng, bè nuôi trồng thủy hải sản.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, việc xử lý lồng bè trái phép trên vịnh Mân Quang là một trong 3 nhiệm vụ mà thành phố giao cho quận trong năm 2021. Kế hoạch là phải xử lý dứt điểm trong tháng 10/2021, tuy nhiên tình hình dịch COVID-19 phức tạp nên phải tạm dừng một thời gian. Nay dịch bệnh cơ bản được khống chế nên quận đã chỉ đạo 2 phường Thọ Quang và Nại Hiên Đông đẩy nhanh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện tháo dỡ. Trên vịnh Mân Quang có 484 lồng bè, 110 rò nghêu và 106 chòi canh của 234 hộ dân, trong đó phần lớn thường trú trên địa bàn phường Nại Hiện Đông và Thọ Quang, còn lại thuộc các địa phương khác và cả người ngoại tỉnh.

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất dẫn đến việc chưa xử lý dứt điểm là do nhiều hộ đã vay tiền ngân hàng đầu tư vào nuôi trồng thủy sản chưa thu hồi vốn. Việc xử lý, chấm dứt nuôi sẽ gây khó khăn cho người dân trong việc trả nợ. Lao động tại đây đa số lớn tuổi, không có tay nghề ở những lĩnh vực khác nên việc đào tạo và chuyển đổi ngành nghề rất khó khăn…

Cũng theo ông Nam, ban đầu chỉ một vài hộ nuôi nghêu, chip chip tại vịnh Mân Quang. Về sau, có hàng trăm hộ dân, chủ yếu là ngư dân sinh sống tại các phường Thọ Quang, Nại Hiên Đông “học theo”, tự phát ồ ạt lấn chiếm mặt nước vịnh Mân Quang để dựng chòi canh, vây lồng bè nuôi các loại thủy hải sản. Hệ lụy của việc tự phát, không có quy hoạch, không có đánh giá tác động, bảo vệ môi trường nước, chất thải do việc nuôi trồng thủy, hải sản thải trực tiếp ra vịnh Mân Quang đã gây ô nhiễm nguồn nước, hôi thối thường xuyên. Đặc biệt, việc lấn chiếm mặt nước gây ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, tàu thuyền về cập bến trên vịnh khiến dư luận bức xúc.

Trước tình trạng trên, các ngành chức năng của TP Đà Nẵng và quận Sơn Trà đã nhiều lần vận động, yêu cầu ngư dân tháo dỡ lồng bè, trả lại cảnh quan môi trường tại vịnh Mân Quang, song vì với lý do mưu sinh, khó khăn phải trả lãi ngân hàng trong phát triển sinh kế nên hàng trăm hộ dân, chủ lồng bè và người lao động vẫn cố bám lấy chòi, bè, đến vụ vẫn thả cá để nuôi, chấp nhận may rủi.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết thêm, trước đây trên địa bàn phường có 303 bè nuôi thủy sản. Qua quá trình tuyên truyền, vận động, phần lớn các hộ đã chấp hành. Phường Nại Hiên Đông đã vận động các hộ dân mang thủy sản (các loại cá mú, cá sủ, cá bớp...) đến tập kết ở cuối tuyến đường Hồ Hán Thương và kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn hỗ trợ tiêu thụ.

4.jpg -0
Những lồng, bè nuôi thủy hải sản tự phát trên vịnh Mân Quang.

Còn ông Lê Tấn Thanh, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho hay, thời gian qua, quận và phường đã tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nên đã có 237 trường hợp nuôi trồng thủy sản trên vịnh Mân Quang (kể cả các rò nghêu, vẹm...) chấp hành tháo dỡ các lồng bè và chấm dứt việc nuôi trái phép. Hiện chỉ còn 12 trường hợp đang được các lực lượng chức năng của quận và phường vận động, hỗ trợ tháo dỡ trong những ngày đến.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày này lực lượng Công an quận Sơn Trà, Bộ đội Biên phòng, các lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng đã có mặt tại vịnh Mân Quang để vận động, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tháo dỡ hàng trăm lồng bè nuôi trồng thủy hải sản nhằm trả lại cảnh quan mặt nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Lần này, chủ trương của lãnh đạo TP Đà Nẵng thực hiện kiên quyết và triệu để, không để phát sinh lồng bè nuôi trồng mới từ năm 2022.

Việc xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tự phát bằng lồng bè tại vịnh Mân Quang và trên sông biển nói chung góp phần giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng giai đoạn 2020-2030.

Hoài Thu
.
.
.