Sớm giải quyết dứt điểm việc đền bù giải tỏa thuộc Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Theo kế hoạch, ngày 18/6 tới, các dự án thành phần đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ chính thức khởi công. Dù công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các huyện và TP Thủ Đức đang đạt những kết quả khả quan, nhưng ở huyện Củ Chi hiện còn một số ít người dân chưa đồng thuận với mức giá bồi thường…
Một số người dân có diện tích đất ở tỉnh lộ 15, thuộc ấp 10, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, phản ánh về những bất cập trong việc đền bù giá đất (thuộc dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh) trên phần diện tích đất bị thu hồi của họ. Những người này đều cho biết ý họ rất ủng hộ dự án và việc phải giải tỏa mặt bằng để phục vụ việc thực hiện dự án là cần thiết khẩn trương. Tuy nhiên, do hầu hết những người dân này có đất bị thu hồi, giải tỏa đều nằm ở vị trí mặt tiền tỉnh lộ 15 với giá đất thị trường ở khu vực này hiện rất cao, nhưng chỉ được thông báo giá tiền đền bù rất thấp, khiến họ phải phản ánh ý kiến đến cơ quan chức năng để đỡ thiệt thòi hơn…
Ông Vương Văn Hân, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, cho biết có khoảng 2.224m2 đất nông nghiệp, theo quy hoạch Dự án Vành đai 3 thì gia đình sẽ bị thu hồi, giải phóng mặt bằng diện tích 1.168m2. Lúc đầu được đưa ra giá đền bù chỉ từ 2,2 - 3,2 triệu đồng/m2… Theo ông Hân và ông Ngô Văn Quý (người cũng có đất bị thu hồi ở khu vực này), mức đền bù quá thấp do đất của những hộ dân ở đây đều nằm ở vị trí mặt tiền tỉnh lộ 15, có giá bán thị trường hơn 15-20 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp…
Gia đình ông Đặng Văn Xuân cho biết, gia đình ông đã sinh sống ở 2 khu đất của mình nhiều đời nay và có xây dựng nhà cửa, trồng trọt cây cối… Tuy nhiên, hiện gia đình ông có quyết định bị thu hồi diện tích 1.814,9m2 (ở thửa đất số 388, tờ bản đồ số 68), trong đó có 1.773,0m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, coi như bị giải tỏa trắng.
Đáng nói số diện tích 1.773,0m2 đất chỉ được áp giá bồi thường 2,468 triệu đồng/m2 với tổng số tiền đền bù cho diện tích này là hơn 4,3 tỷ đồng. Cộng với số tiền đền bù căn nhà diện tích 125,8m2 cùng các tài sản khác thì gia đình ông Xuân có tiền bồi thường là hơn 4,8 tỷ đồng. Còn với thửa đất số 396, tờ bản đồ số 68 là khu đất trồng cây lâu năm, gia đình ông Xuân bị thu hồi diện tích 2.308,3m2 với đơn giá tính 2,468 triệu đồng/m2 với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, cộng với đền bù các tài sản, cây trồng trên đất thì diện tích đất này gia đình ông Xuân được đền bù hơn 3,3 tỷ đồng…
Theo anh Tâm, con trai ông Xuân thì ngoài việc đền bù nhà đất và tài sản của gia đình anh với giá rất thấp so với giá thị trường và cũng không đủ điều kiện bố trí tái định cư theo quy định.
“Gia đình tôi bao năm sinh sống ở đây và có căn nhà này cùng các công trình phụ, cây cối trồng trên diện tích đất đó, giờ bị giải tỏa trắng hết, không hiểu sao lại quyết định không cho nhà tôi được bố trí tái định cư”, anh Tâm thắc mắc.
Ngoài các trường hợp trên thì gia đình các ông bà Lê Hoàng Thành, Huỳnh Tấn Lộc, Nguyễn Thị Hạnh, Võ Tuấn, Huỳnh Thị Xuân Mai… có đất tại khu vực mặt tiền tỉnh lộ 15 xã Tân Thạnh Đông đều được đền bù với mức giá từ 2,5 triệu cho tới 4,4 triệu đồng/m2 (đất nông nghiệp trồng cây lâu năm).
Theo tìm hiểu thì hiện nay tại khu vực này còn khoảng 25 hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù, giải tỏa. Và lý do chính các hộ dân ở đây cho rằng mức giá đền bù quá thấp…
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn xã Bình Mỹ và xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, cho biết hiện ông chưa nắm cụ thể ý kiến phản ánh của các hộ dân xã Tân Thạnh Đông. Tuy nhiên, theo ông Phong, quy tắc tính đền bù thì huyện thuê một công ty thẩm định để đánh giá toàn bộ giá thị trường trên cơ sở thu thập các hợp đồng chuyển nhượng đất trong khu vực và lấy ý kiến của người dân. Mức giá đền bù này phải được thông qua hội đồng thẩm định bồi thường của thành phố và các mức giá bồi thường đưa ra cho các hộ dân đều đã được thành phố duyệt, đồng thời đã xem xét, đánh giá mức giá cao thấp tùy trường hợp…
“Trong tuần sau, huyện sẽ xuống làm việc với từng hộ dân chưa đồng ý với mức giá bồi thường để nghe họ phản ánh ý kiến tâm tư, nguyện vọng, từ đó chúng tôi sẽ có biện pháp giải quyết hợp lý…”, ông Phong cho biết thêm.
Tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dài khoảng 47,51km, đi qua 4 địa phương gồm TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh. Diện tích đất phục vụ dự án là 410ha với 1.738 hộ bị ảnh hưởng; dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 18.906 tỷ đồng. Riêng đối với địa bàn huyện Củ Chi, chiều dài tuyến đường là 6,9km với diện tích ảnh hưởng khoảng 65,269ha, có 408 hộ bị ảnh hưởng, với số tiền bồi thường, hỗ trợ khoảng 2.671 tỷ đồng. Nhân dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án gần như đều ủng hộ chủ trương và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Tuy nhiên, với những trường hợp như kể trên, thiết nghĩ UBND huyện Củ Chi cũng như Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tính định cư dự án này cần làm việc lại với người dân để có sự đồng thuận trong các phương án đền bù. Bởi thực tế, các vị trí mà tuyến Vành đai 3 đi qua có nhiều loại đất đền bù khác nhau, nhưng phần lớn là đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước đó các chuyên gia khuyến cáo việc xem xét bồi thường đất nông nghiệp phải hết sức cẩn trọng, tránh gây thiệt hại, bức xúc cho người dân. Bởi phần đất nông nghiệp thuộc TP Hồ Chí Minh không thể đánh đồng với giá đất nông nghiệp như ở các địa phương khác.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã yêu cầu trước ngày 30/6, lãnh đạo các địa phương có dự án Vành đai 3 đi qua phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giải phóng mặt bằng đạt 80% diện tích, trước hết là đất nông nghiệp. Ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý các địa phương và chủ đầu tư làm tốt việc xác định giá, chính sách về bồi thường, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi.