Sau những “cuộc tình” chớp nhoáng trên mạng xã hội là mất tiền
Lừa đảo trên mạng đã không còn mới nhưng hình thức, chiêu trò, thủ đoạn thì liên tục biến hóa khó lường khiến cho các nạn nhân mất cảnh giác, rơi vào bẫy và mất tiền.
Theo các chuyên gia, trong các dạng lừa đảo qua mạng, lừa đảo bằng hình thức lợi dụng tình cảm để dẫn dụ nạn nhân đầu tư rồi chiếm đoạt tài sản là khó đề phòng nhất. Bởi một khi đã chiếm được tình cảm, sự tin tưởng của nạn nhân thì những kẻ lừa đảo rất dễ dàng ra tay với “con mồi”.
Thời gian qua, Công an tại nhiều địa phương trên toàn quốc đã tiếp nhận đơn trình báo của nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các mối quan hệ tình cảm trên mạng xã hội. Vụ việc gần đây nhất là trường hợp của chị N.T.H trú tại thành phố Hạ Long bị lừa đảo chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng. Theo chị H, trong năm 2024, qua mạng xã hội “Tinder” và “Zalo”, chị H có quen một tài khoản mang tên “SUN”.
Quá trình nói chuyện làm quen, đối tượng giới thiệu mình tên D và là một doanh nhân, hiện đang công tác tại một cơ quan của Chính phủ để lấy lòng tin. Sau một thời gian trò chuyện qua mạng, chị H đã nảy sinh tình cảm với D. Khi đã chiếm được lòng tin, D lấy nhiều lý do để đề nghị chị H đầu tư vào sàn tiền ảo để kiếm lời. Do tin tưởng D, chị H đã nhiều lần chuyển khoản tiền cho D với số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng. Sau đó, đối tượng chặn liên lạc với chị H và chiếm đoạt số tiền trên.
Một trường hợp khác là ông N.V.T, sinh năm 1962 tại TP Tây Ninh cũng bị “người tình” qua mạng lừa đảo 3,4 tỉ đồng. Qua mạng xã hội, ông T làm quen với tài khoản xã hội của một cô gái xinh đẹp, trẻ trung có tên là QN. Ban đầu hai người chỉ nhắn tin hỏi thăm qua lại với nhau nhưng sau một thời gian được nghe những lời ngọt ngào từ cô gái, ông T đã nảy sinh tình cảm. Sau khi tạo được lòng tin từ đối phương, QN đã dẫn dụ ông T đầu tư mua bán tiền điện tử trên sàn giao dịch OKX.
Lấy lý do sàn OKX đầu tư ít lợi nhuận, QN tiếp tục thuyết phục ông T rút hết tiền ở OKX sang đầu tư cho sàn UTSpeed với lãi suất từ 3-4%/ngày. Cùng với sự nhiệt tình hướng dẫn của QN và các nhân viên chăm sóc khách hàng, ông T đã chuyển khoản 14 lần với tổng số tiền 3,4 tỷ đồng. Khi phát hiện bị lừa, ông T liên lạc với QN thì nhận được thông báo tài khoản không tồn tại.
Từ một trang web “tìm người yêu” trên mạng, anh N.V.H ở TP Hà Nội cũng đã quen chị T. Qua giới thiệu, chị T cho biết hiện đang sống tại TP Hải Phòng, đã ly hôn, trước đó có thời gian đi làm tại Singapore nhưng nay đã về Việt Nam sinh sống và mở cửa hàng kinh doanh thời trang. Sau một thời gian nói chuyện, chị T nói có nảy sinh tình cảm với anh H và giới thiệu đang tham gia thị trường ngoại hối trên sàn Forex, muốn rủ anh tham gia đầu tư chung một tài khoản, sau này nếu hợp nhau có thể tiến tới hôn nhân.
Anh H đã đồng ý và được T giới thiệu tài khoản Telegram của một nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn Forex để giúp anh mở tài khoản và đầu tư. Nghe theo lời của nhân viên chăm sóc khách hàng, anh H đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân cho người này để lập tài khoản rồi chuyển khoản nhiều lần với số tiền lên tới 500 triệu đồng và đã bị các đối tượng chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Theo các chuyên gia của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính dưới vỏ bọc là mối quan hệ tình cảm trên mạng xã hội đã xuất hiện từ lâu và đã được cơ quan chức năng liên tục cảnh báo song vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy. Trong đó, kịch bản lừa đảo thường được các đối tượng xây dựng rất bài bản để dẫn dụ nạn nhân qua các bước khác nhau.
Bước đầu tiên là xác định và tiếp cận nạn nhân, đối tượng sẽ tìm và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Kẻ lừa đảo tình cảm sẽ tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó sử dụng các chiêu trò để thu hút sự quan tâm của nạn nhân.
Bước tiếp theo là kẻ lừa đảo tình cảm tạo một mối quan hệ giả với nạn nhân bằng cách tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra những lời hứa. Sau đó, những kẻ lừa đảo này sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tài chính Forex thông qua một sàn giao dịch giả mạo. Bước thứ ba là chiếm đoạt tài sản hoặc tống tiền, khi tham gia đầu tư tài chính Forex, nạn nhân sẽ bị dẫn dụ thắng vài lần tạo niềm tin và lòng tham.
Sau đó khi thắng số tiền lớn hơn thì nạn nhân sẽ không rút ra được, bắt phải đóng phí giao dịch, đóng thuế hoặc bảo là tài khoản bị sai thông tin, phải đóng tiền để xác minh chứng thực... Cứ thế cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền thì các đối tượng lừa đảo sẽ chủ động xóa mọi dấu vết và tìm cách cắt đứt mọi kênh liên lạc với nạn nhân.
Để phòng tránh bị lừa đảo, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác và không quá tin tưởng vào một người mới gặp qua mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến khác bởi lừa đảo tình cảm thường bắt đầu bằng việc xây dựng một mối quan hệ tình cảm nhanh chóng để lấy lòng và đánh lừa nạn nhân. Cùng với đó, khi gặp một người mới trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể; đừng chia sẻ thông tin cá nhân quá nhanh chóng.
Đặc biệt, hãy cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư vào Forex hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc bởi lừa đảo tình cảm thường sử dụng chiêu trò hứa hẹn lợi nhuận cao, hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Ngoài ra, người dân cũng cần tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân, cẩn thận với việc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người không tin tưởng hoặc không biết và luôn kiểm tra, xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến tài chính.