Sạt lở - nguy hiểm nhưng khó dự báo sớm

Thứ Tư, 22/11/2023, 07:39

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Càng ngày, tình trạng sạt lở càng xuất hiện nhiều và gây ra những hậu quả đau lòng, mất nhiều năm để khắc phục.

Trong bối cảnh thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, đòi hỏi công tác dự báo cũng như bố trí di dời, tái định cư người dân ra khỏi nơi nguy hiểm phải được triển khai đồng bộ và gấp rút. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chưa thể dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Mới đây, tại nghị trường quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, để giảm thiểu thiệt hại, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương. Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư theo dự báo sạt lở, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển. Bộ cũng đề xuất dự án về công trình và phi công trình phòng chống sạt lở.

"Hiện Đồng bằng sông Cửu Long có 16 dự án ODA gần 2 tỷ USD. Các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gắn với việc phòng chống sạt lở", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.

 Phó Giáo sư - Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Lũ quét nhận định, sạt lở đất là những hiện tượng thiên tai thường xuất hiện trong thời gian ngắn với diễn biến nhanh, cục bộ trong khu vực hẹp và có sức tàn phá lớn. Nguyên nhân là do có những đợt mưa lớn kéo dài, địa hình chia cắt, mật độ sông suối phong phú. Đây là những yếu tố làm tăng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Tuy vậy, ngoài những nguyên nhân trên, còn có sự tác động của con người, làm hủy hoại môi trường tự nhiên do khai thác mỏ, phá rừng, hay xây dựng không hợp lý. Thực tế những năm qua cho thấy thiên tai (nhất là lũ ống, lũ quét và sạt lở đất) đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi, gây thiệt hại lớn.

Điển hình như đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã gây ra nhiều trận lũ quét, sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở tỉnh Thừa Thiên-Huế; sạt lở nghiêm trọng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị; các xã Trà Leng, Trà Vân và Phước Lộc ở tỉnh Quảng Nam… đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sỹ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Theo ông Khiêm, lũ quét và sạt lở đất là những loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, nhưng rất khó dự báo, cảnh báo. Thời gian cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trước từ 3-6 giờ. “Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á (SEAFFGS). Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau”, ông Khiêm thông tin.

Tuy nhiên, SEAFFGS lại chưa thể hỗ trợ dự báo được vị trí cụ thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, mà mới chỉ có thể hỗ trợ các dự báo viên phân tích, cảnh báo các ngưỡng mưa sinh lũ quét đối với mỗi tiểu lưu vực trong 1 giờ, 3 giờ, 6 giờ và được cập nhật thường xuyên theo các khoảng thời gian tương ứng; vùng nguy cơ sạt lở đất trong 24 giờ tiếp theo với tần suất cập nhật 6 giờ/lần.

1.jpg -0
Vụ sạt lở kinh hoàng ngày 28/10/2020 tại thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã khiến 22 người chết và mất tích.

Chậm di dời, bố trí tái định cư cho dân vùng thiên tai

Chỉ tính từ đầu năm đến cuối tháng 10, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển làm 149 người chết, mất tích, 118 người bị thương; làm sập 888 ngôi nhà, 14.278 nhà hư hỏng, tốc mái; trên 147 nghìn ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại, 3.499 ha nuôi trồng thủy sản, 103 lồng bè bị thiệt hại; 100,14 km đê, kè, kênh mương bị sạt lở. Tổng thiệt hại ước tính trên 6.807 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do mưa lũ tại khu vực miền Trung).

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã nhận được báo cáo của 33 tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ 15.312 tỷ đồng để khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu, di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai, khắc phục khẩn cấp sạt lở. Trong đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tổng hợp báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 7 tỉnh di dời, bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai với tổng kinh phí là 495 tỷ đồng. Tại Nghị quyết 134 của Quốc hội có yêu cầu Chính phủ xây dựng, triển khai Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư vùng có nguy cơ hoặc vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai.

Tại Quyết định 590 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí ấn định cho 47.159 hộ vùng thiên tai. Tuy nhiên, giai đoạn 2021- 2022 mới bố trí ổn định được cho hơn 5.000 hộ. So với mục tiêu đề ra của Thủ tướng đến năm 2025 thì cả nước cần bố trí ổn định cho 42.000 hộ vùng có nguy cơ thiên tai nữa. Với tốc độ thực hiện như hiện nay thì nhiều khả năng sẽ không thực hiện đúng tiến độ.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, việc di dời người dân đang chậm vì công việc này cần sự phối hợp giữa trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư, khi được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng nêu trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp văn hóa tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để bố trí các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững, phát triển du lịch trong bối cảnh đất ngày hạn hẹp.

Ngọc Yến
.
.
.