Sán làm tổ trên não, ký sinh trong gan do ăn đồ sống
Động kinh, co giật khi sán làm tổ trên não hay chẩn đoán nhầm "u gan" khi sán lá gan lớn ký sinh trong gan; ngứa gãi chảy máu tay chân nhiều năm, điều trị khắp nơi không khỏi, cuối cùng được chẩn đoán nhiễm giun chó mèo. Thói quen ăn rau sống; thịt lợn, thịt bò tái, gỏi cá… đã khiến nhiều người gặp hoạ, dù được cảnh báo, song gia tăng ca mắc.
Đi chữa động kinh, hoá ra sán làm tổ ở não
Làm nghề thợ xây, nay đây mai đó, anh P.V.C (42 tuổi, Bắc Ninh) có thói quen ăn tiết canh. Trước khi phát bệnh nửa năm, anh hay đau nửa đầu, sau đó cơn đau ngày một nặng lên. Có lần đau đầu quá, anh ngã xuống đất, người co giật như lên cơn động kinh. Đi khám và được kê đơn thuốc theo dõi "động kinh", nhưng bệnh không thuyên giảm, còn có hiện tượng một bên mắt bị "lác". Gia đình đưa anh đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám.
Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, anh C được chuyển đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương). Tại đây, anh được chẩn đoán mắc ấu trùng sán lợn lên não và nhập viện điều trị. Sau hơn 1 tháng uống thuốc, mắt anh đã đỡ "lác" hơn, ấu trùng sán làm tổ ở não đã nhỏ đi, cơn "động kinh" cũng giảm bớt.
Tương tự, bệnh nhân L.V.S (38 tuổi, trú tại Quỳ Hợp, Nghệ An) trước khi nhập viện 1 tháng, liên tục đau đầu từ nhẹ đến nặng, rồi đau liên tục, uống thuốc giảm đau không hiệu quả. Sau đó, anh S có biểu hiện buồn nôn, sốt, liệt nửa người, tri giác chậm, gia đình đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cấp cứu. Kết quả chụp CT não cho thấy có 5 ổ sán nằm rải rác trong não, trong đó có một ổ sán lớn trên đỉnh của bệnh nhân gây phù não. Anh S được chỉ định mổ để lấy trọn vẹn ổ nang sán ra khỏi não. Sau đó, anh tiếp tục được điều trị thuốc đặc trị sán. Anh S sống trong vùng có tập quán nuôi lợn thả rông hoặc ăn thịt lợn chưa được nấu chín.
Không chỉ nhiều người mắc sán não chẩn đoán nhầm thành động kinh, tai biến, đột quỵ, mà nhiều người có thói quen ăn thịt bò tái, ăn gỏi cá đã mắc sán lá gan lớn, sán làm tổ trong gan khiến có người bị chẩn đoán nhầm thành u gan. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2023, bệnh viện điều trị cho 172 bệnh nhân áp xe gan do nhiễm sán lá gan lớn, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BSCK2 Đào Bách Khoa, Trưởng Khoa Nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, có 23 ca nhiễm sán lá gan lớn phải điều trị nội trú. Đáng lưu ý, có ca là thai phụ 24 tuổi, mang thai 28 tuần, bệnh nhân được chuyển đến với dấu hiệu sốt nhẹ, đau âm ỉ vùng hạ sườn phải và thượng vị…
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thường tiếp nhận những ca nhiễm sán lá gan lớn, có bệnh nhân còn nhiễm sán lá gan lớn lạc chỗ vùng ngực, tạo ổ áp xe. Ban đầu bệnh nhân chỉ nghĩ viêm mụn nhọt, sau tạo thành ổ viêm lớn, khi ổ viêm vỡ ra, còn gắp được con sán còn sống.
BS Đặng Thị Thanh, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, ngoài gây khối áp xe ở gan, sán lá gan lớn còn làm tổ ở vùng ngực, vú, bắp tay hay ngoài da vùng bụng. "Hiện, không có vaccine phòng ngừa bệnh do sán lá gan lớn, nhưng bệnh có thể điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Các loại thuốc dự phòng giun sán trên thị trường hiện nay không có tác dụng với loại sán lá gan lớn, do mỗi loại giun sán sẽ được điều trị bằng thuốc phù hợp", BS Thanh nói.
Mất thị lực vì nhiễm giun chó mèo
Hơn 1 năm đi khắp các bệnh viện chuyên khoa da liễu để chữa viêm da cơ địa, chị V.T.H (Hải Dương) vẫn không khỏi, chị thường xuyên ngứa râm ran khắp hai cánh tay, gãi nhiều đến mức tay chị lúc nào cũng xước xát. Sau khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám, bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân chị nhiễm giun chó, mèo.
Không chỉ chị H, nhiều người bị ngứa lâu năm, thậm chí có người ngứa đến 4 năm, cả cơ thể đầy vết sẹo vì gãi đến tứa máu, mất ăn mất ngủ, đi chữa nhiều nơi không tìm ra căn nguyên, khi đến đây xét nghiệm cho kết quả dương tính với giun chó, mèo. BS Đặng Thị Thanh cho biết, đa phần bệnh nhân có ký sinh trùng trên nền dị ứng. Nguyên nhân gây ngứa là do kháng thể ký sinh trùng trong máu, làm tăng nguy cơ dị ứng. Không chỉ gây ngứa, khi ấu trùng giun đũa chó, mèo di chuyển thì có thể tổn thương ở nhiều bộ phận trong cơ thể mà nó ký sinh.
Theo BS Thanh, ký sinh trùng như ấu trùng giun chó, mèo rất thường gặp, gây tổn thương một số cơ quan nội tạng khi nó ký sinh. Có nhiều trường hợp ấu trùng giun đũa chó làm tổn thương tế bào máu, gây hiện tượng xuất huyết, bầm tím dưới da hoặc chảy máu cam ở trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết những bệnh nhân có dấu hiệu này trước khi đến đây đều đi khám huyết học vì lo lắng dấu hiệu ung thư máu. Sau khi chuyên khoa huyết học kiểm tra, nghi ngờ ký sinh trùng thì được chuyển lại về đây điều trị. Các ca như vậy không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà còn ở người lớn. Tại bệnh viện đã từng tiếp nhận bệnh nhân mất thị lực vì nhiễm giun đũa chó, mèo. Đó là 1 bé gái 4 tuổi, ở Hòa Bình, khi phát hiện ra một bên mắt bé nhìn mờ, gia đình cho đi khám ở Singapore, kết luận nguyên nhân gây đục thủy tinh thể là do ký sinh trùng, được chỉ định điều trị diệt ấu trùng giun chó.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, ấu trùng giun đũa chó, mèo ký sinh vào đường ruột của chó, mèo, theo đường phân ra ngoài môi trường và phát tán vào nguồn nước. Nếu không may nuốt phải nguồn nước bị nhiễm trứng giun hoặc ăn rau được tưới bằng nguồn nước này thì có thể bị nhiễm. BS Thọ cũng cảnh báo thêm, nhiều người cho rằng ăn tiết canh lợn nhà nuôi, tiết canh vịt nhà tự làm thì "an toàn", không thể bị nhiễm sán. Đây là những quan niệm không đúng. Tất cả các loại tiết canh lợn, dê, vịt…đều là máu sống và đều tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tạ, lị, liên cầu khuẩn, nhiễm ấu trùng giun sán. Vì vậy, người dân phải từ bỏ thói quen ăn tiết canh, ăn thịt lợn, thịt bò còn sống, tái hoặc gỏi cá…để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ.