Những “lực cản” trong xây dựng Nông thôn mới ở Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hoá phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới (NTM), có 377 xã và 792 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 huyện và 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã và 530 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu… Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít “lực cản” ở những địa phương chưa đạt chuẩn NTM hoặc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Sau gần 4 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đại bộ phận người dân nông thôn, hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn được tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn. Đáng chú ý, nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị đã đem lại hiệu quả; các hoạt động văn hoá - thể thao và học tập trong cộng đồng được duy trì và phát triển, y tế giáo dục tiếp tục được chăm lo; môi trường nông thôn đã từng bước được cải thiện; an ninh trật tự và an toàn xã hội được đảm bảo; diện mạo thôn, xã đổi mới mạnh mẽ.
Lũy kế đến ngày 30/8/2024, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có 14 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 364 xã và 707 thôn, bản đạt chuẩn NTM; 110 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 27 xã và 508 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 531 sản phẩm OCOP được công nhận.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được khá toàn diện, tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng NTM, xây dựng NTM nâng cao và xây dựng NTM kiểu mẫu. Trong đó, đáng chú ý, có đến 94,05% (95/101 xã) số xã chưa đạt chuẩn NTM tập trung ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, điều kiện rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của từng năm và cả giai đoạn 2021-2025.
Là huyện miền núi, địa hình phức tạp, đất đai manh mún, xuất phát điểm thấp, đến nay huyện Bá Thước là một trong số 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá, mới có 3 xã đạt chuẩn NTM, hiện đang hoàn thiện hồ sơ để 2 xã về đích NTM vào cuối năm nay. Nguyên nhân được huyện Bá Thước chỉ ra là nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn còn thấp so với yêu cầu, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn… Cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn nhiều, nhưng nguồn vốn ít, dàn trải, khó lồng ghép thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn lực để đầu tư cho các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là rất lớn trong khi tiềm lực kinh tế, khả năng tiếp thu, ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào sản xuất của nông dân còn hạn chế. Khung văn bản thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM của Trung ương ban hành sau khi phê duyệt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn 2021-2025 của các địa phương, nên ảnh hưởng nhất định đến khả năng hoàn thành chỉ tiêu NTM, nhất là do yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 cao hơn yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2015-2020; trong khi thời điểm xây dựng kế hoạch dựa trên yêu cầu Bộ tiêu chí cũ.
Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca nói rằng, khó khăn trong xây dựng NTM ở Mường Lát trước hết là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; ý thức, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên chuyển biến chậm; vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách của Nhà nước. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sản phẩm, chất lượng còn thấp, chưa đa dạng về chủng loại cũng như chưa đủ sức cạnh tranh với thị trường, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp. Các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả còn ít, tỷ lệ thất nghiệp, không có việc làm ở độ tuổi lao động còn cao. Tình trạng vi phạm pháp luật còn nhiều, nhất là tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp. Công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy chưa quyết liệt, chưa chủ động, sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Hiện tại, Mường Chanh là một trong hai xã được huyện Mường Lát đặt ra mục tiêu phấn đấu “cán đích” xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025.
Không chỉ riêng các huyện miền núi, ngay tại huyện đồng bằng như Vĩnh Lộc cũng gặp trở ngại. Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Việt Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Năm 2019, huyện Vĩnh Lộc đạt chuẩn huyện NTM, từ 2023 đến nay huyện đang xây dựng NTM nâng cao, hết năm 2023 huyện có 4 xã NTM nâng cao, trong đó có 1 xã NTM kiểu mẫu (xã Minh Tân) và 30 thôn đạt NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến hết năm 2024 huyện sẽ có thêm 2 xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, hiện một số xã trên địa bàn chưa có nhà máy cung cấp nước sạch tập trung nên việc giải quyết tiêu chí số 18 chưa thực hiện được.
Ngoài ra, tỉnh Thanh Hoá cũng chỉ ra một số khó khăn, như: Một số địa phương sau khi được công nhận thì việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM (ở các mức độ đạt chuẩn và nâng cao), chưa được quan tâm đúng mức, kết quả đạt được còn hạn chế. Sản phẩm OCOP được công nhận vượt kế hoạch được giao, tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là 3 sao, sản phẩm đạt 4 sao còn ít, chưa có thêm sản phẩm 5 sao. Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và công tác bảo vệ môi trường nông thôn gặp rất nhiều khó khăn, tình hình chưa được cải thiện nhiều.
Việc thực hiện mô hình phát triển sản xuất từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương hỗ trợ còn thấp. Một số nội dung, tiêu chí NTM (ở các mức độ và cấp độ) yêu cầu cao, cần có thời gian, lộ trình và kinh phí (lớn) để thực hiện, như: tiêu chí số 2 về giao thông (các tuyến đường huyện phải đạt 100% chuẩn theo quy hoạch; bến xe khách tại huyện (nếu có theo quy hoạch) phải đạt tiêu chuẩn loại IV trở lên); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (bao gồm hộ nghèo và cận nghèo); thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực; vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp mã vùng; hình thức thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt; mô hình xử lý nước mặt; tỷ lệ phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Thời gian tới, ngoài những nỗ lực, cố gắng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương, tỉnh Thanh Hoá đề nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; xem xét, bổ sung nguồn vốn thực hiện chương trình MTQG cho các xã chưa đạt chuẩn NTM, nhất là các xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.