Nhiều người “sập bẫy” kỳ nghỉ du lịch cao cấp

Thứ Sáu, 07/04/2023, 06:49

Nghe lời giới thiệu quá hấp dẫn của các nhân viên tư vấn, rất nhiều người đã không ngần ngại “xuống tiền” để mua kỳ nghỉ du lịch với giá rẻ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Kỳ Nghỉ Gia Đình Hạnh Phúc (gọi tắt công ty HFV).

Người mua ít nhất vài chục triệu đồng/hợp đồng, người mua nhiều khoảng 200 – 300 triệu/hợp đồng. Tuy nhiên, kể từ lúc mua từ năm 2019 đến nay, hầu hết người mua không được Công ty thực hiện hợp đồng và công ty này hiện đã đóng cửa. Số tiền của người bị hại lên đến hàng tỷ đồng…

Nạn nhân của “bẫy” du lịch cao cấp

Anh Lê Kim H (ngụ phường 3, quận Gò Vấp) cho biết, tình cờ anh nhận được cuộc gọi từ một nhân viên tư vấn của công ty HFV nói, công ty có chương trình tặng Voucher nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một căn hộ khách sạn cho 2 người lớn và 1 trẻ em dưới 6 tuổi trong các quần thể nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC hoặc CocoBay Đà Nẵng.

Để hiểu rõ hơn kỳ nghỉ miễn phí này, nhân viên này mời anh đến văn phòng Công ty để được tư vấn kỹ hơn. Thấy đây là kỳ nghỉ miễn phí... cao cấp, anh H tò mò đến văn phòng Công ty HFV ở trong một tòa nhà trên đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh. Tại đây, anh được nhân viên tư vấn giới thiệu về hoạt động của công ty HFV, chiếu những hình ảnh đẹp lung linh về những kỳ nghỉ dưỡng tại khách sạn 5 sao và giới thiệu những đơn vị “đối tác” của công ty HFV.

Để tạo thêm niềm tin cho anh H, nhân viên tư vấn đưa ra một bộ sưu tập các địa điểm du lịch mà HFV có liên kết, đồng thời trưng ra các hợp đồng và ảnh chụp với các lãnh đạo các DN, tập đoàn mà HFV làm đại lý độc quyền khai thác. Thấy có chứng cứ hẳn hoi, anh H tin tưởng nên đồng ký hợp đồng mua bán sản phẩm kỳ nghỉ của công ty HFV với trị giá 170 triệu đồng, anh đã đóng 2 lần với tổng số tiền 139,8 triệu đồng. Tuy nhiên, kể từ khi đóng tiền ký hợp đồng (tháng 10/2019), anh H chưa được một lần đi du lịch do công ty liên tục đưa ra những lý do. Đến cuối năm 2022, công ty HFV đã bất ngờ đóng cửa, còn lãnh đạo công ty thì...“biến mất”.

Cũng là nạn nhân như anh H, chị Tôn Nữ P.K (ngụ phường 26, quận Bình Thạnh) cũng chia sẻ, do gia đình thường đi du lịch nên khi nghe nhân viên cuả Công ty HFV tư vấn giới thiệu các sản phẩm kỳ nghỉ của công ty HFV và lợi ích của hợp đồng du lịch này thì chị thấy cũng có nhiều lợi ích thiết thực hơn so với những công ty du lịch khác.

Cụ thể, lợi ích của hợp đồng du lịch này là được đi nghỉ dưỡng tại các khách sạn 5 sao mà công ty HFV nói là có liên kết như: quần thể nghỉ dưỡng FLC (Hạ Long, Quy Nhơn, Sầm Sơn, Vĩnh Phúc), Naman Retreat (Đà Nẵng), Coco Ocean Resort (CocoBay), Ocean Vista (Sea Links Phan Thiết), Wyndham (Legend Hạ Long, Soleil Đà Nẵng, Garden Phú Quốc, BeauRiage Nha Trang, Hồ Tràm…). Đặc biệt, chính sách sử dụng hợp đồng của Công ty cũng khá linh hoạt, người mua có quyền chuyển nhượng hoặc cho, tặng, bán, các suất nghỉ dưỡng trong hợp đồng cho người khác, trong khi các công ty khác thì không có chính sách linh hoạt như vậy.

“Mình có thể tặng cho bạn bè, người thân những chuyến du lịch miễn phí nhân dịp sinh nhật, hoặc một dịp đặc biệt nào đó, như vậy sẽ rất có ý nghĩa. Chính vì những ưu điểm trên, cộng với việc khi ký hợp đồng công ty HFV sẵn sàng mua lại ngay 15 điểm (tương đương 30 triệu đồng) của khách hàng, nên mình tin tưởng ký ngay hợp đồng với trị giá 185 triệu đồng”, chị K nói.

Tuy nhiên, cũng giống như anh H, chị K chưa lần nào được trải nghiệm những chuyến du lịch nghỉ dưỡng từ hợp đồng đã ký với HFV vì những lý do như: Công ty bị ảnh hưởng dịch COVID -19; đặt phòng khách sạn nhưng không hợp lệ do đặt muộn; đặt khách sạn ưng ý thì hết phòng...

Có dấu hiệu lừa đảo

Theo tìm hiểu chúng tôi, công ty HFV thành lập vào tháng 6/2019, có trụ sở chính (theo giấy phép của Sở Kế hoạch – Đầu tư) tại phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh do ông Phan Nguyễn Tấn Tài (SN 1990, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) làm Tổng Giám đốc, người đại diện theo pháp luật. Để câu các “con mồi” vào bẫy, lãnh đạo Công ty HFV đã dùng thủ đoạn là cho nhân viên gọi điện đến người dùng để tặng một Voucher miễn phí nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm tại một căn hộ khách sạn trong các quần thể nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC hoặc CocoBay Đà Nẵng.

Thật ra, đây là cách tiếp cận khách hàng và “kéo” về công ty, sau đó các tư vấn viên sẽ dụ các “con mồi” ký hợp đồng  “Mua bán thẻ điểm nghỉ dưỡng HFV” bằng những lời lẽ thuyết phục, hấp dẫn. Nhiều nạn nhân mà chúng tôi tiếp xúc cũng phải thừa nhận rằng, họ đến chỉ để tìm hiểu sản phẩm, nhưng đến khi nghe tư vấn thì họ đều bị lạc vào mê hồn trận, không thoát ra được và gần như 100% khách hàng đến nghe tư vấn đều đã đặt bút ký hợp đồng.

Nội dung của Hợp đồng “thẻ điểm nghỉ dưỡng HFV” cũng thể hiện, Công ty HFV bán cho khách hàng thẻ điểm tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới. Cứ 1 điểm (xu) tương đương 2 triệu đồng. Khi mua sản phẩm của HFV, khách hàng sẽ được sử dụng dịch vụ lưu trú thuộc bộ sưu tập mà công ty HFV cung cấp gồm khách sạn, khu phức hợp du lịch – dịch vụ lưu trú – golf của các đơn vị mà HFV liên kết. Tùy vào số tiền đóng vào để ký hợp đồng mua “thẻ điểm nghỉ dưỡng HFV” mà có 2 loại thẻ thành viên là HFV Ruby và HFV Centuryon.

Nếu khách hàng có thẻ HFV Ruby thì được sử dụng quy đổi tất cả các điểm nghỉ dưỡng trong bộ sưu tập đối với căn hộ, phòng khách sạn trong mùa thấp điểm. Còn khách hàng có thẻ HFV Centuryon thì được sử dụng quy đổi tất cả các điểm nghỉ dưỡng trong bộ sưu tập bất cứ lúc nào trong năm với thời gian sử dụng trọn đời. Ngoài ra, khách hàng còn phải đóng phí quản lý thẻ thành viên 1.250.000 đồng/năm. Công ty HFV cũng cam kết sẽ bồi thường đầy đủ cho khách hàng, nếu công ty không thực hiện đúng các nghĩa vụ.

Đặc biệt, sau khi thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng, nếu khách hàng có nhu cầu bán thì Công ty HFV cam kết mua lại với giá trị thấp nhất 2 triệu đồng/điểm, mua tối đa 15 điểm mỗi năm (đối với thẻ Centuryon) và tối đa 10 điểm đối với thẻ Ruby. Với số điểm chưa sử dụng trong vòng 1 năm khai thác kể từ ngày ký hợp đồng, khách hàng được phép ký gửi tiết kiệm với lãi suất 10%/năm (kỳ hạn 6 tháng), 20%/năm (kỳ hạn 12 tháng) và 26%/năm (kỳ hạn 24 tháng).

Các khách hàng cho rằng, đây chính là điểm khác biệt lớn có lợi cho khách hàng mà các đơn vị du lịch khác không có. Ngoài ra, chính họ chứng kiến nhiều người mua thêm 1-2 hợp đồng và nhận được những ưu đãi từ phía Công ty, nhưng họ không biết rằng đây chính là chiêu “mồi” để tác động khách hàng nhanh ký hợp đồng.

Chị Lê Thị M.C (ngụ TP Thủ Đức) dẫn chứng, nhân viên công ty chào chị hợp đồng trị giá hơn 200 triệu đồng, nhưng thấy chị chần chừ họ “chốt” luôn: “Nếu đồng ý mua hôm nay thì công ty sẽ hạ giá bán cho chị giá 177 triệu đồng”, thấy giá quá hời, chị C đồng ý mua ngay.

Với thủ đoạn như trên, trong năm 2019 và 2020 chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh, Công ty HFV đã ký hợp đồng với gần 100 người, trong đó nhiều người đã lớn tuổi, nghỉ hưu. Người ít nhất mua hợp đồng trị giá 35 triệu đồng, cao nhất 290 triệu đồng, nhiều người đứng tên mua 2,3 hợp đồng. Trong số đó, chỉ có vài người đi được 1-2 kỳ nghỉ dưỡng, còn hầu hết chưa kịp đi thì Công ty thông báo tạm dừng kinh doanh do bị dịch COVID -19. Đến ngày 16/2/2022 HFV tiếp tục có thông báo tạm thời đóng cửa toàn bộ văn phòng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do vẫn do ảnh hưởng của dịch COVID -19 và mở cửa hoạt động trở lại từ đầu tháng 12/2022.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn tạm ngưng hoạt động, Công ty vẫn im lặng, các phòng giao dịch, trụ sở công ty vẫn đóng cửa. Khách hàng liên tục gọi điện thoại, email đều không được, thậm chí đến tận nơi ở của Tổng Giám đốc công ty nhưng địa chỉ này đã có người khác ở. Bất lực, các nạn nhân đã làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng không được giải quyết.

Theo ý kiến của luật gia Phạm Thị Việt Thu – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TP Hồ Chí Minh: Trường hợp Công ty HFV đã ký hợp đồng với khách hàng nhưng không thực hiện hợp đồng và hiện đã đóng cửa, biến mất, khách hàng không tìm được, như vậy là có dấu hiệu lừa đảo. Vì vậy, các nạn nhân cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh để cơ quan Công an vào cuộc, giải quyết vụ việc. 

Thúy Hà
.
.
.