Nhiều công trình nghìn tỷ có nguy cơ chậm tiến độ

Thứ Ba, 31/05/2022, 05:57

Dự án "Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ" đang bị ảnh hưởng tiến độ thi công do công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn nên người dân chưa thể di dời để bàn giao mặt bằng.

Thời gian bắt đầu của dự án từ năm 2016, kết thúc vào cuối năm 2023. Dự án có chiều dài hơn 5km dọc theo sông Cần Thơ, qua quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Dự án có tổng mức đầu tư 1.095 tỷ đồng, vốn vay ODA do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hơn 462 tỷ đồng, vốn tài trợ không hoàn lại 8 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách hơn 624 tỷ đồng.

Về công tác thi công, dự án có 4 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 508 tỷ đồng. Đến nay mặt bằng đã bàn giao cho 4 gói thầu đạt 63%, tổng giá trị thực hiện các gói thầu hơn 240 tỷ, đạt 46,8%. Về công tác bồi thường, đã phê duyệt 523/546 trường hợp, với giá trị hơn 347 tỷ đồng, còn lại 23 trường hợp chưa phê duyệt thuộc quận Ninh Kiều. Cơ quan chức năng đã chi trả 485/523 trường hợp, tương đương với 311 tỷ đồng, còn lại 38 trường hợp chưa nhận với số tiền 36 tỷ đồng.

nghin ty 2.jpg -0
Dự án cầu Trần Hoàng Na đang chậm tiến độ 12 tháng so với kế hoạch.

Về công tác tái định cư, người dân có nhu cầu khoảng 351 nền, đã bố trí 21 nền ở huyện Phong Điền; tổ chức bốc thăm 103 nền ở quận Cái Răng, còn lại 227 nền chưa bố trí. Theo UBND TP Cần Thơ, tổng số nền chưa bố trí cho người dân theo nhu cầu là 227 nền, trong đó Ninh Kiều 215 nền và Cái Răng 12 nền. Công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư gặp nhiều khó khăn nên người dân chưa thể di dời để bàn giao mặt bằng cho dự án.

Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, có quy mô 500 giường nhưng hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Dự án do Sở Y tế TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, tổng vốn hơn 1.727 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary hơn 1.393 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng của TP Cần Thơ. Dự án chia làm 2 hợp phần. Hợp phần 1, đầu tư xây dựng mới bệnh viện (gồm 4 khối nhà chính với tổng diện tích sàn 46.453m2), cung cấp, lắp đặt hệ thống trang thiết bị xây lắp và mua sắm trang thiết bị y tế, nội thất, văn phòng. Hợp phần 2, bao gồm các chi phí cho Ban Quản lý dự án Sở Y tế, tư vấn quản lý dự án, giám sát và các chi phí hoạt động khác phục vụ cho dự án.

Hiện nay tiến độ xây dựng bệnh viện đã hoàn thành hơn 80% nhưng còn trang thiết bị vẫn đang vướng mắc. Trong đó có việc phát sinh chi phí lưu kho bãi của 71 container hàng hóa vật liệu và gạch ốp lát, do chậm trễ trong việc thông quan hàng hóa.

Liên danh nhà thầu đề nghị điều chỉnh xuất xứ nhiều loại hàng hoá, thiết bị từ Hungary sang một quốc gia khác, dẫn đến việc thực hiện đảm bảo 50% hàng hoá xuất xứ từ Hungary (theo Hiệp định khung đã ký kết giữa Chính phủ 2 nước) hoàn toàn không khả thi. Vì vậy phần công việc do liên danh nhà thầu thực hiện không đúng thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

Thời gian thực hiện dự án theo Hiệp định khung đã được ký kết với Hungary sẽ kết thúc vào ngày 11/7/2022. Theo lãnh đạo thành phố để có thời gian hoàn thành tiếp các công việc còn lại sau ngày 11/7 và đảm bảo đủ điều kiện pháp lý để giải ngân nguồn vốn vay của dự án đến khi hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng, yêu cầu cấp thiết hiện nay cần phải điều chỉnh thời gian trong Hiệp định vay cho dự án từ 3,5 năm lên 6,5 năm (có hiệu lực từ ngày 11/9/2019 đến 1/7/2025), đảm bảo thời gian hoàn thành dự án. Tại buổi làm việc với 8 tỉnh, thành ĐBSCL vào chiều 16/5 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ nếu đi vào hoạt động sẽ phục vụ tốt hơn cho người dân ĐBSCL.

Bộ Tài chính cần nhanh chóng phối hợp với Hungary điều chỉnh Hiệp định vay hoặc ký hợp đồng mới thống nhất thời hạn với nhau. Bộ Y tế giúp Cần Thơ xác định chất lượng trang thiết bị, đảm bảo về mặt chuyên môn. Ngày 25/5 vừa qua, ngài Ory Csaba - Ðại sứ Ðặc mệnh Toàn quyền Hungary tại Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP Cần Thơ, nhằm trao đổi giải pháp thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu. Theo ngài Ory Csaba, đây là dự án quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai nước. Dự án chậm, kéo dài do nhiều nguyên nhân. Hai bên cùng nhau xem xét các giải pháp kỹ thuật, xử lý hiệp định vay vốn phù hợp với luật pháp Việt Nam và Hungary.

Công trình cầu Trần Hoàng Na chậm tiến độ

Dự án cầu Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ nối quận Ninh Kiều và Cái Răng, khởi công vào tháng 9/2020, với tổng mức đầu tư được phê duyệt 847 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 - Công ty CP và Công ty CP Cầu 14.

Theo hợp đồng, đến ngày 30/6, dự án hết thời gian thực hiện nhưng đến nay tiến độ chỉ đạt 60% khối lượng. Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết, dự án đang chậm tiến độ 12 tháng. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhà thầu chưa có kế hoạch triển khai 40% vòm thép còn lại và các hạng mục điện chiếu sáng, cây xanh, lót gạch vỉa hè, lan can cầu, bê tông nhựa, sơn kẻ đường; năng lực của nhà thầu chính (Cienco 1) hạn chế, giá vật liệu tăng cao…

Ban Quản lý dự án ODA đã nhiều lần tổ chức cuộc họp với nhà thầu và có nhiều văn bản cảnh cáo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn chưa tiến triển.

Văn Vĩnh
.
.
.