Nguy cơ khi diện tích cây sầu riêng mở rộng tràn lan
Diện tích cây sầu riêng toàn vùng Tây Nguyên đã vượt ngưỡng hơn 40.000ha và đang được tiếp tục mở rộng khi người dân vẫn đua nhau trồng vì thấy giá quá cao. Điều này tiếp tục đặt ra nỗi lo bị phá“vỡ quy hoạch”, nông dân sẽ lặp lại vòng luẩn quẩn “trồng chặt - chặt trồng” do khủng hoảng thừa.
Diện tích đang vượt quy hoạch
Kể từ khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan “bấm nút” xuất khẩu lô sầu riêng chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc vào tháng 9/2022 thì sự phấn khởi đối với cây trồng này từ người nông dân đã nâng lên rõ rệt.
Vườn sầu riêng đã hơn 4 năm tuổi, bà Nguyễn Thị Giao (SN 1968, trú tại thôn Đoàn Kết, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) không giấu được niềm vui, hy vọng. “Hơn 1ha, gia đình trồng được 120 cây chính trên diện tích tái canh cây cà phê của đơn vị liên kết. Nếu 1ha cà phê thu về cao lắm được khoảng 100-200 triệu thì cây sầu riêng có thể cho thu gấp 10. Năm nay thu hoạch bói, năm tới nữa sẽ bắt đầu thu chính vụ, gia đình sẽ cải thiện được cuộc sống rất nhiều nhờ diện tích sầu riêng này”, bà Giao hy vọng.
Hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Krông Pắk cũng đang tìm cách trồng cây sầu riêng thay các loại cây khác. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hợp tác xã trái cây Krông Pắk lo lắng cho rằng, không nên mở rộng diện tích sầu riêng một cách ồ ạt như hiện nay mà cần có một quy trình chăm sóc chuẩn để đem lại hiệu quả cao đối với trái sầu riêng xuất khẩu chính ngạch.
“Hợp tác xã hiện có gần 1.020ha sầu riêng, sản lượng ước đạt hơn 20.000 tấn được cấp mã vùng trồng. Mặc dù giá sầu riêng đang cao nhưng nếu cứ mở rộng diện tích ở những nơi không có khí hậu, thổ nhưỡng tốt, kỹ thuật chăm sóc không đúng sẽ rất nguy hiểm. Ngành nông nghiệp cần có mô hình canh tác, chăm sóc giống nhau trên một vùng canh tác để cho ra các sản phẩm đồng đều, hương vị như nhau”, ông Tuấn khuyến cáo.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, diện tích cây sầu riêng toàn vùng Tây Nguyên tăng khá nhanh, lên đến hơn 40.000ha và đã vượt quy hoạch. Đắk Lắk đứng đầu với khoảng 15.000ha (đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang), tiếp đó là các tỉnh Lâm Đồng gần 14.000ha, Đắk Nông 5.000ha và Gia Lai 4.000ha. Tuy nhiên, diện tích này còn tăng lên bởi con số thống kê chưa phản ánh đầy đủ đối với các vườn nhỏ hoặc trồng xen. Hàng chục ngàn ha sầu riêng trong số này đang ở giai đoạn kiến thiết hoặc thu bói.
Tổng sản lượng sầu riêng ước tính năm 2023 sẽ đạt khoảng 1 triệu tấn trong khi đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực Việt Nam, định hướng đến năm 2030 của Bộ NN&PTNT, khống chế diện tích sầu riêng dưới 75.000ha, sản lượng dưới 950.000 tấn. Sầu riêng chỉ sử dụng 1 phần nội địa, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc là chính.
Cần có biện pháp ngăn chặn
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông khẳng định, đã có nhiều văn bản gửi về các địa phương ngăn chặn việc mở rộng diện tích ngoài quy hoạch.
Theo quy hoạch, tỉnh Đắk Nông chỉ phát triển khoảng 7.000ha sầu riêng nhưng hiện đã hơn 6.100ha. Dù diện tích chưa vượt quy hoạch nhưng với giá sầu riêng hấp dẫn như hiện nay thì việc người nông dân vẫn đua nhau phá bỏ cà phê, hồ tiêu trồng sầu riêng, là rất đáng lo ngại.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thành, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT Đắk Lắk) cho rằng, không có chế tài nào buộc người dân ngừng trồng cây sầu riêng, mở rộng diện tích.
“Tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án vùng trồng tập trung các loại cây ăn trái, trong đó có sầu riêng. Qua đề án cũng sẽ xây dựng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân trồng cây ăn trái đúng vùng quy hoạch. Người dân nào trồng sầu riêng ngoài diện tích mà đề án khuyến cáo sẽ không được hỗ trợ”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết thêm, hiện nay diện tích cây sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk đã vượt ngưỡng 5.000-6.000ha, nông dân không chạy theo giá cả, chất lượng mà lại đua nhau mở rộng diện tích. Khi nông dân tự tăng diện tích sầu riêng, thiếu gắn kết với chế biến, tiêu thụ dễ dẫn đến cung vượt cầu, nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ là rất lớn. “Sở tập trung hỗ trợ nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật theo hướng hữu cơ, sinh học, chất lượng cao để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng. Tỉnh cũng xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn”, ông Nguyễn Hoài Dương thông tin.