Người dân chưa đồng thuận việc đổ vật chất nạo vét xuống đầm Phú Hải

Chủ Nhật, 19/06/2022, 08:16

Hơn 220 nghìn m3 vật chất nạo vét từ dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thống nhất đổ xuống đầm Phú Hải, thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình, huyện Phú Lộc.

Tuy nhiên, hiện nhiều hộ dân vẫn chưa đồng thuận bởi lo lắng khi vật chất nạo vét đổ xuống khu vực họ đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi, làm ô nhiễm môi trường.

Dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng từ nguồn bồi thường Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, được khởi công tháng 11/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Đến nay, khối lượng thi công đã đạt khoảng 40% giá trị hợp đồng.

chat thai.jpg -0
Khu vực mặt nước được thống nhất đổ chất nạo vét xuống nhưng người dân vẫn chưa đồng thuận.

Hiện, dự án đang triển khai đổ đá, đóng cọc nhằm triển khai thi công 2 tuyến đê ngăn cát, giảm sóng phía Bắc - Nam mỗi bên dài khoảng 300m, với khối lượng thực hiện đạt từ 43-59%. Các cấu kiện đúc sẵn đã tập kết đầy đủ tại khu vực thi công tuyến đê phía Nam. Tại cảng cá Tư Hiền, một số hạng mục như: bến cập tàu, hạ tầng nhà cá cũng đang được xây mới và tiến hành sửa chữa nâng cấp.

Các hạng mục nhà phân loại cá, hệ thống xử lý nước thải, khu tập kết rác thải, hệ thống cung cấp nước ngọt… đều đang triển khai thi công đạt từ 10-80% khối lượng. Đặc biệt, tại khu vực được quy hoạch bãi thải trên bờ (thuộc hệ thống đầm Hải Phú) nhằm đổ vật chất nạo vét được hút lên từ luồng tàu ra vào và 2 tuyến đê ngăn cát giảm sóng, đến nay vẫn chưa thực hiện được do người dân chưa có sự đồng thuận. Khu vực này vẫn là một lạch nước tự nhiên, đơn vị thi công chưa triển khai các hạng mục nhằm thi công bãi thải.

Theo ông Lê Văn Mẫn, cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án, bãi thải vật chất nạo vét có diện tích 8ha, chủ đầu tư đã tiến hành hoàn thành việc hỗ trợ đền bù cho những hộ dân nuôi trồng sát khu vực đầm Hải Phú. Riêng 49 hộ dân không sinh sống ở khu vực này cho rằng, đây là khu vực đánh bắt thủy hải sản truyền thống của ngư dân địa phương.

Việc đổ thải sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân và môi trường xung quanh nên điểm đổ thải đến nay vẫn chưa triển khai thi công các hạng mục được. Đến nay, tiến độ của hạng mục nạo vét vật chất từ biển đạt khoảng 20% trên tổng khối lượng 220 nghìn m3. Để triển khai thi công dự án đảm bảo tiến độ, đơn vị thi công phải đưa một ít khối lượng nạo vét lên bờ ở bãi tập kết tạm sát khu vực tiếp nhận của dự án với chiều dài nạo vét khoảng 750m đoạn từ cửa biển vào.

“Với việc không thể đổ thải khi nạo vét lên bờ, tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng, bởi hạng mục chính nạo vét nhằm khơi thông luồng lạch là “đường đi” của tàu thuyền ra vào cảng khi dự án hoàn thành. Trong thời gian tới, khối lượng sẽ rất lớn nhưng chưa biết đổ vào đâu là một vướng mắc cần sớm giải quyết”, ông Lê Văn Mẫn cho biết.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT bày tỏ, chủ đầu tư dự án, bãi tiếp nhận vật chất nạo vét đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thống nhất tại Công văn số 8811/UBND-XD ngày 24/9/2021. Tuy nhiên, khi triển khai thi công người dân ngăn không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc.

Ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết thêm, tại buổi tiếp dân của lãnh đạo huyện Phú Lộc mới đây, nhiều hộ dân: Phạm Cường, Nguyễn Thương, Trần Định Chót, Nguyễn Ánh…, (trú tại xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) tiếp tục đề nghị huyện xem xét di chuyển bãi tiếp nhận vật chất nạo vét (diện tích 8,4ha ở đầm Hải Phú, xã Lộc Bình) thuộc dự án cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão đến vị trí khác, nhầm tránh việc ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, làm ô nhiễm ô trường và nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Nhiều hộ dân khẳng định, khu vực đổ thải là đầm Hải Phú - nơi có rất nhiều hộ dân đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.

Trước đó, từ ngày 14/4 đến 16/4, đơn vị thi công triển khai hệ thống đê bao bể lắng lọc, bãi tiếp nhận vật chất nạo vét đã bị một số hộ dân ở thôn Tân An Hải (xã Lộc Bình) gây cản trở không cho thi công. Các hộ dân phản ánh, khu vực đỗ thải làm thu hẹp diện tích mặt nước khai thác và đánh bắt thủy hải sản của bà con ngư dân tại khu vực thực hiện dự án. Đặc biệt tại khu vực tiếp nhận chất thải là vị trí mặt nước có độ sâu và môi trường thuận lợi cho việc sinh lợi cũng như bảo tồn nguồn lợi thủy sản và làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân sau này.

Chính quyền UBND xã Lộc Bình cũng đã kiến nghị chủ đầu tư quan trắc đánh giá chất lượng nước của phần lạch còn lại trong quá trình thi công triển khai hạng mục nạo vét để dự báo mức tác động đến môi trường. Yêu cầu phần nước thải sau khi xử lý xả thải ra biển không được đổ vào phần lạch nước còn lại. Có phương án hỗ trợ các hộ dân làm nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản khu vực còn lại của lạch nước do phần diện tích bị thu hẹp ảnh hưởng phần nào đến sinh kế của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Trọng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc nói rằng, qua khảo sát, xem xét các yếu tố, tập hợp các ý kiến của người dân, UBND huyện sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh rằng, trong quá trình đổ chất nạo vét xuống biển theo vị trí UBND tỉnh đã phê duyệt, chủ đầu tư xem xét hỗ trợ cho người dân 1 vụ nuôi và chi phí di chuyển liên quan đến diện tích nuôi trồng thủy sản hiện người dân đang nuôi. Đồng thời, chủ đầu tư cam kết trong quá trình nạo vét nếu làm ô nhiễm nguồn nước dẫn đến cá chết thì phải xem xét hỗ trợ đền bù.

Hải Lan
.
.
.