Ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp để bảo vệ môi trường biển

Thứ Bảy, 22/04/2023, 09:21

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các kế hoạch về hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, tình trạng khai thác, đánh bắt hải sản bằng phương pháp tận diệt, trái quy định vẫn còn xảy ra gây ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản và môi trường biển.

Thời điểm tháng 4/2023, vùng biển gần bờ tại tỉnh Thừa Thiên-Huế có nhiều tàu của ngư dân ở các địa phương ngoài tỉnh đến đánh bắt, khai thác loài ốc gạo (tên khoa học là Assiminea lutea). Các ngư dân sử dụng lưỡi cào bọc lưới để khai thác ốc gạo ở các khu vực nước nông, sau đó cho ốc gạo vào bao tải và vận chuyển vào cảng Thuận An (phường Thuận An, TP Huế) để bán cho các thương lái. Việc đánh bắt, khai thác ốc gạo ở vùng biển gần bờ đã giúp nhiều ngư dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân ở vùng ven biển Thuận An, tình trạng khai thác ốc gạo ồ ạt, đánh bắt theo kiểu tận diệt không những gây ô nhiễm môi trường biển mà còn ảnh hưởng đến môi trường sống các loài hải sản khác, có nguy cơ tận diệt loài ốc gạo.

7-1.jpg -0
Tàu cá khai thác hải sản trong khu vực cấm bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt giữ.

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thuận An cho biết, do đang vào mùa cao điểm khai thác ốc gạo nên bình quân mỗi ngày có nhiều tàu của ngư dân trong và ngoài tỉnh ra vào cảng để bán ốc gạo. Tính từ tháng 1/2023 đến nay, có khoảng 400-500 tấn ốc gạo được các tàu khai thác đưa vào cảng để bán nhập vào các tỉnh Nam Trung Bộ làm thức ăn nuôi tôm hùm. Sau khi nhận phản ánh của người dân về tình trạng khai thác ốc gạo gây nguy cơ sạt lở đất và hủy hoại môi trường biển, mới đây, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với UBND phường Thuận An tổ chức kiểm tra khu vực vùng biển gần bờ và phát hiện, xử lý 2 trường hợp tàu cá của ngư dân ở huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) khai thác ốc gạo nhưng không đăng ký tàu cá theo quy định, qua đó xử phạt hành chính mỗi chủ tàu 7,5 triệu đồng.

Ngoài các trường hợp kể trên, trong thời gian qua, thực hiện kế hoạch IUU, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển gồm các xã, phường: Hải Dương, Thuận An (TP Huế); Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc)… tăng cường công tác tuyên truyền quy định pháp luật về khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển đến các chủ tàu cá và ngư dân. Đồng thời tăng cường phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tuần tra trên vùng biển gần bờ, qua đó kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều phương tiện tàu giã cào hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp. Như mới đây, lực lượng Hải đội 2 BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức tuần tra trên biển và phát hiện tàu cá số hiệu ĐNA-908.87 TS do ông Nguyễn Văn Tân (SN 1989, ở quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) làm thuyền trưởng có hành vi khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định. Tổ tuần tra đã lập biên bản đình chỉ hành vi vi phạm, đồng thời đưa người và phương tiện vào cảng Chân Mây để xử lý. Tiếp đó, tàu cá số hiệu BĐ-948.14 TS do Nguyễn Văn Long (trú ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng khai thác hải sản bằng lưới kéo giã cào sai vùng biển quy định tại vùng biển Lăng Cô cũng bị lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt giữ, xử lý. Hay trường hợp tàu cá số hiệu ĐNa-771.11 TS có công suất 75 CV do ông Trần Bình (SN 1972, ở phường Hòa Hiệp, quận Liêu Chiểu, TP Đà Nẵng) làm thuyền trưởng khai thác thủy sản trong khu vực cấm trên vùng biển thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc bị tổ tuần tra Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với ngư dân địa phương bắt giữ. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ tàu cá này số tiền 40 triệu đồng và tịch thu ngư lưới cụ khai thác thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để tăng cường việc quản lý tài nguyên thủy sản trên địa bàn tỉnh, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền người dân khai thác thủy hải sản thực hiện theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT về danh mục những nghề, ngư cụ cấm sử dụng trong khai thác thủy hải sản. Trong đó có các nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động; đồng thời sẽ tăng cường quản lý các phương tiện ngoại tỉnh hành nghề khai thác thủy sản trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi khai thác thủy hải sản bằng các nghề cấm.

“Chi cục cũng sẽ chỉ đạo đội tàu kiểm ngư thường xuyên phối hợp với lực lượng các đơn vị làm nhiệm vụ trên vùng biển gần bờ tổ chức tuần tra, giám sát những khu vực trọng điểm thường xảy ra nạn khai thác thủy sản bằng nghề cấm. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ các trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và môi trường vùng biển gần bờ”, ông Nguyễn Quang Vinh Bình khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.