Nan giải việc xử lý người buôn bán hàng rong (kỳ 2)
Vì sao tình trạng buôn bán hàng rong trước các cổng trường học, bệnh viện… vẫn tồn tại, mặc dù chính quyền địa phương cho biết thường xuyên tuyên truyền và xử lý vi phạm? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra, trong đó không ít người nghi vấn có sự tiếp tay nào đó.
Tuy nhiên, theo ghi nhận phản ánh của đại diện một số địa phương, khi tiến hành xử lý người vi phạm, cán bộ UBND phường đã bị các đối tượng đe dọa.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết hầu hết các ngành chức năng và chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực trong công tác kiểm tra, xử lý đối với tình trạng buôn bán hàng rong, thực phẩm đường phố lấn chiếm lòng lề đường, không đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn luôn tồn tại và diễn biến hết sức phức tạp. Bởi vì nhân lực ở cơ sở còn thiếu, lại phải đảm nhận nhiều loại hình công việc nên cứ mỗi khi xử lý xong lớp người bán hàng rong này và vừa đi thực hiện công việc khác thì lớp người bán hàng rong khác từ nhiều nơi lại tràn vào.
Bà Lê Thị Kim Nhung, Chủ tịch UBND phường 7, quận 11, TP Hồ Chí Minh cho biết, theo tìm hiểu của bà thì Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 3.000 bệnh nhân từ nhiều địa phương đến thăm khám và điều trị, đi kèm mỗi bệnh nhân thường một đến hai người nhà làm nhiệm vụ chăm sóc nên nhu cầu về sử dụng thực phẩm rất cao.
Một bộ phận bệnh nhân và người chăm nuôi đặt đồ ăn trong bếp công nghiệp của bệnh viện hoặc những cửa hàng có uy tín, đạt chuẩn về ATTP, nhưng có rất nhiều trường hợp do hoàn cảnh khó khăn hoặc không quan tâm đến khâu vệ sinh đã chọn mua thức ăn đường phố để người nuôi và người bệnh sử dụng. Nắm bắt nhu cầu này, từ nhiều năm qua, những người bán hàng rong, thực phẩm đường phố đã tụ tập về khu vực xung quanh Bệnh viện Chợ Rẫy, lấn chiếm lòng, lề các đoạn đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Đại Hành thuộc các phường 12, quận 5, phường 7 và 4, quận 11 để bán hàng. Việc này không chỉ không đảm bảo ATTP mà còn gây cản trở giao thông và mất ANTT.
Để ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua, UBND quận 11 đã giao cho Đội Trật tự đô thị xây dựng nhiều kế hoạch liên tịch ra quân dọn dẹp lòng lề đường, xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp bán hàng rong là người địa phương, xử phạt về việc gây mất vệ sinh nơi công cộng và tịch thu phương tiện đối với những trường hợp ở nơi khác đến buôn bán. Tuy nhiên, có một thực tế là phường chỉ có 1 công chức do quận điều về để tham mưu và lập biên bản vi phạm hành chính đối với những trường hợp người bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường hoặc xả rác bừa bãi, còn lại là sử dụng từ 1-2 cộng tác viên với mức phụ cấp 2,4 triệu đồng/tháng/người.
Ngoài ra, phường cũng cố gắng vận động các nguồn để hỗ trợ thêm tiền xăng, tiền ăn cho mỗi cộng tác viên 1 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập quá thấp so với mặt bằng chung, lại quy định cộng tác viên phải tốt nghiệp lớp 12; hơn nữa khi đi làm việc thực tế ngoài hiện trường, các em cũng thường xuyên bị người bán hàng chửi mắng, dùng vật dụng tấn công khi bị thu giữ phương tiện vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính nên thường họ chỉ vào làm được một vài tháng là xin nghỉ đi tìm việc khác.
"Nhiều lần đồng hành cùng anh em đi thực tế xử lý vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường và xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định gây mất vệ sinh nơi công cộng, tôi ghi nhận, cứ thấy nhóm công tác của phường hoặc quận xuống thì những người bán hàng rong lập tức cuốn gói chạy khỏi khu vực, nhưng khi sang đến địa bàn phường khác hoặc quận khác thì họ quay lại thách thức, chửi rủa. Mặc dù vậy, tôi vẫn động viên anh em rằng mình là người thực thi công vụ thì phải bình tĩnh, kiên trì, nhưng mỗi người đều phải đảm nhận nhiều loại hình công việc tùy theo tình hình nên cũng chỉ đứng ngoài hiện trường được vài, ba tiếng đồng hồ và người bán hàng rong cũng chờ chúng tôi rút đi để làm các loại công việc khác thì họ lại tràn vào tiếp tục lấn chiếm lòng, lề đường", bà Lê Thị Kim Nhung chia sẻ.
Có những trường hợp bị phạt và tịch thu phương tiện hôm trước, hôm sau lại sắm xe khác ra bán và tiếp tục bị xử phạt. Nhưng đến lần thứ 3, khi tiến hành lập biên bản và thu giữ phương tiện thì người bán hàng gọi đám đông sử dụng hung khí đến đe dọa tấn công, rồi ngăn cản để đoạt lấy phương tiện mang đi cất giấu. Bà Lê Thị Kim Nhung cho hay: "Chúng tôi còn thường xuyên bị các đối tượng nghiện hút ma túy đe dọa sẽ tìm đến tận nhà tấn công bản thân và những người thân trong gia đình. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đếu gọi điện báo với Công an phường, nhưng các đối tượng côn đồ này thoắt ẩn, thoắt hiện nên khi Công an có mặt thì chúng đã cao chạy xa bay…".
Song song với việc tăng cường kiểm tra, xử lý, UBND phường 7, quận 11 còn thường xuyên rà soát cập nhật danh sách hộ kinh doanh thức ăn đường phố và mở lớp tập huấn, cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho hộ kinh doanh trên địa bàn phường. Qua công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP nhằm phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền từ thực phẩm. Kiểm tra các hộ kinh doanh thức ăn đường phố tại phường, cho ký cam kết và phát thẻ khám sức khỏe cho các hộ kinh doanh. Hàng năm, UBND phường thường tổ chức ít nhất từ 2-3 đợt tập huấn ATTP cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ...
Trong 6 tháng năm 2024, UBND phường 7 xử phạt VPHC 140 trường hợp trật tự lòng lề đường với số tiền 21 triệu đồng và xử phạt 45 trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường với số tiền 9 triệu đồng. Ngoài ra, còn phối hợp Trạm Y tế phường tổ chức kiểm tra, nhắc nhở 20 trường hợp.
Nhằm đảm bảo trật tự lòng, lề đường, đồng thời cũng tạo điều kiện cho bà con nhân dân địa phương có công ăn, việc làm mang lại thu nhập cho gia đình, phường cũng thường xuyên tổ chức kẻ vạch trên vỉa hè của nhiều tuyến đường và yêu cầu người bán hàng cam kết không vi phạm lối đi dành cho người đi bộ. Cùng với đó là các đợt tuyên truyền đến từng hộ bán hàng hóa về VSATTP, tuy nhiên đối với những người cư ngụ tại địa phương thì thực hiện được, còn đối với những người từ nơi khác đến thì đa số là lấn chiếm lòng, lề đường nên nay họ bán chỗ này, mai bị đẩy đuổi hoặc bị xử lý thì họ chuyển sang bán chỗ khác nên không thể yêu cầu họ tiếp nhận tuyên truyền được.
Để kéo giảm tình trạng này, ngoài những biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người bán hàng tự nguyện cam kết đảm bảo các quy định về trật tự lòng, lề đường, VSATTP thì cần có sự tham gia của các cấp chính quyền với quân số được tăng cường và chuyên trách để xử lý những trường hợp vi phạm. Đặc biệt là có thể trấn áp kịp thời đối với các đối tượng chống đối, sử dụng hung khí hoặc những hành vi nguy hiểm khác đe dọa người thi hành công vụ…