Nạn cò mồi, chèo kéo du khách tham quan đất Cố đô

Thứ Hai, 12/06/2023, 06:30

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn cho nền kinh tế - xã hội của Thừa Thiên – Huế. Nhằm lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho du khách, môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch, di tích trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TP Huế - nơi tập trung nhiều di tích nổi tiếng, các ngành chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế đã “bắt tay” xử lý những tồn tại, đặc biệt là nạn cò mồi, chèo kéo du khách.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách đến Huế đạt 1.279.503 lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ du lịch ước đạt 2.942,434 tỷ đồng, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước.

Là địa bàn trọng điểm, trung tâm của ngành du lịch tỉnh, những năm qua, TP Huế đã triển khai các mô hình du lịch mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt là các tuyến đường giao thông dẫn đến các địa điểm tham quan du lịch; chỉnh trang các công viên, điểm xanh; hoàn thiện hạ tầng không gian hai bờ sông Hương; nhiều sản phẩm du lịch mới ra đời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách…

du-lich1.jpeg -0
Đối tượng “cò mồi” thường xuất hiện ở khu vực Đại Nội Huế để chèo kéo du khách đến các điểm mua hàng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, bên cạnh những thuận lợi thì ngành du lịch của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, phần lớn các doanh nghiệp du lịch vừa hoạt động lại sau một thời gian dài ngưng hoạt động kinh doanh vì đại dịch COVID-19 nên hầu hết một số đơn vị đang còn thiếu nhân lực nghiêm trọng.

Một số cơ sở lưu trú chưa đi vào nền nếp, quy củ như trước dịch, thiếu các tiêu chuẩn theo quy định. Bên cạnh đó, thực trạng cơ sở lưu trú hiện còn mỏng, nên tình trạng quá tải mỗi khi vào mùa cao điểm của du lịch diễn ra phổ biến. Ngoài ra, trình độ, khả năng am hiểu lịch sử của một số hướng dẫn viên (HDV) du lịch cũng đang là trở ngại lớn.

Điển hình như vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện một clip về một nam hướng dẫn viên (HDV) du lịch khi hướng dẫn khách tham quan Đại Nội Huế cho rằng, ở miền Trung và miền Nam không thờ chuối già hương (loại trái dài) mà chỉ thờ chuối sứ (loại trái ngắn). Đi cùng với đó là những lời giải thích rất phản cảm về các bậc tiền nhân…

Sau khi đoạn clip được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng những thông tin mà người này nói là thiếu căn cứ, ảnh hưởng đến các bậc tiền nhân.

Ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, câu chuyện HDV này nói với du khách là chuyện hậu cung là chuyện tế nhị, mang tính ngoa truyền. Chuyện này không phải là chính sử nên khi thuyết minh, các HDV phải cẩn thận, nêu rõ nguồn gốc câu chuyện và không nên gán ghép tên một nhân vật lịch sử nào.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng HDV, ngành du lịch đã rà soát trên địa bàn hiện có hơn 3.200 HDV được cấp thẻ. Ngành du lịch vừa chuẩn hóa 2 bộ thuyết minh tại tất cả các điểm du lịch tại Thừa Thiên-Huế và được phát miễn phí đến HDV đang hoạt động trên địa bàn.

Thời gian qua, tại các điểm du lịch quanh Đại Nội Huế, bến xe Nguyễn Hoàng, cửa Ngăn, đường 23/8, chùa Thiên Mụ… (TP Huế) - nơi tập trung rất đông du khách đã xuất hiện tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách mua hàng. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích (TTBTDT) Cố đô Huế cho rằng, lực lượng bảo vệ di tích gặp khó khăn khi đối mặt với các đối tượng cò mồi khách du lịch mua mè xửng, mắm tôm, hàng lưu niệm.

Đặc biệt, khi các du khách đang nghe hướng dẫn viên giới thiệu về điểm di tích thì các đối tượng cò mồi can thiệp làm gián đoạn, rút ngắn thời gian du khách tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch để sử dụng các dịch vụ của cò mồi đã liên kết, định sẵn.

Từ đó làm ảnh hưởng đến hình ảnh, môi trường của du lịch cũng như nhận định không đúng về các điểm di sản, di tích. Trước đây, Công an phường Phú Hòa (nay là Công an phường Đông Ba, TP Huế) từng rà soát, phát hiện hàng chục đối tượng có dấu hiệu cò mồi…

Theo lãnh đạo TTBTDT Cố đô Huế, hiện nay đang có dấu hiệu hình thành một đường dây cũng như hoạt động theo nhóm riêng biệt, dẫn đến tình trạng tranh giành, ẩu đả khi đón khách ở bãi đỗ xe tham quan di tích. Thậm chí, một số đối tượng điều chỉnh luôn lộ trình tham quan của du khách để dẫn dắt đến các điểm bán hàng lưu niệm, nài ép khách mua dịch vụ…

Một chuyên gia kinh tế cho rằng,  cần thiết tỉnh nên lập đường dây nóng có tính kết nối với các sở, ban ngành liên quan; công khai đường dây nóng ở các điểm du lịch để du khách và người dân phản ánh; thành lập các Tổ tự quản, bắt buộc tài xế mặc đồng phục và đeo thẻ; niêm yết giá dịch vụ xích lô trên các trục đường.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ “mạnh tay” hơn trong xử lý tình trạng cò mồi, chèo kéo du khách ở các điểm tham quan du lịch. Theo đó, chính quyền địa phương, Công an tăng cường công tác tuần tra, xử lý. Lắp đặt camera giám sát tại các điểm du lịch, nhất là các điểm buôn bán, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của Huế cho các đoàn du lịch đến Huế. Đồng thời, các cơ quan chức năng đang thí điểm triển khai thành lập tổ phản ứng nhanh tại các khu vực công cộng du khách thường lui tới.

Chủ trì buổi họp nghe báo cáo về thực trạng, giải pháp chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho du khách, môi trường du lịch tại các điểm tham quan du lịch, di tích trên địa bàn TP Huế vào ngày 9/6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, các đơn vị, lực lượng chức năng cần nghiên cứu, kiến tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn cho du khách. Trong đó, xử lý mạnh tay, giải quyết tận gốc các vấn đề còn tồn tại để tạo ra môi trường bền vững, tốt hơn nữa.

Hải Lan
.
.
.