Loay hoay rà soát, khắc phục vi phạm về đất đai tại 34 dự án

Thứ Hai, 12/12/2022, 06:58

Năm 2020, Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát và kiến nghị xử lý nhiều vấn đề đối với 34 dự án phát triển nhà ở, dự án hạ tầng kỹ thuật tại TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh.

Trong đó có 30 dự án chậm, chưa triển khai đầu tư xây dựng, 3 dự án xây dựng không đúng quy hoạch, vượt số tầng hoặc không có khoảng lùi và 1 dự án triển khai xây dựng trước khi được cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, kết quả xử lý những kiến nghị này được thực hiện rất chậm.

Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình các dự án trên địa bàn TP Thủ Đức (Tổ công tác 165). Trong số các dự án đã được Thanh tra Chính phủ “điểm mặt, chỉ tên”, Tổ công tác 165 của Sở Xây dựng mới kiểm tra được 7/34 dự án, số còn lại vẫn đang phải bổ sung hồ sơ pháp lý. Trong 7 dự án đã kiểm tra, có 3 dự án chậm, chưa thực hiện đầu tư xây dựng, Tổ công tác 165 xác định có một dự án giấy phép xây dựng còn thời hạn, 2 dự án do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long và Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 làm chủ đầu tư tiếp tục được kiểm tra. Tại 3 dự án xây dựng không đúng quy hoạch, vượt số tầng, không đúng khoảng lùi, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt.

1.jpg -0
Sai phạm về đất đai, xây dựng tại nhiều dự án ở TP Thủ Đức chưa được khắc phục.

Cụ thể, tại dự án nhà ở do Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức làm chủ đầu tư, diện tích 18.808m2, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, xử phạt 3 lần về xây dựng sai nội dung giấy phép, sai quy hoạch được duyệt. Tại dự án khu nhà ở Bình An của Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức, diện tích 64.978m2, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã 9 lần xử phạt vi phạm giấy phép xây dựng, sai quy hoạch được duyệt. Riêng với dự án được chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng trước khi được cấp phép đầu tư của Công ty Kho vận miền Nam, Thanh tra Sở Xây dựng tiếp tục kiểm tra, giám sát.

Liên quan đến việc rà soát để xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, điều chỉnh quy hoạch, tính tiền sử dụng đất không đúng thời điểm giao đất với tổng diện tích 1.184.416m2. Trong đó Thanh tra Chính phủ yêu cầu xem xét thu hồi 335.643m2 và tính toán truy thu số tiền sử dụng đất theo quy định là 848.773m2… Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, Sở đã có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức báo cáo nguồn gốc đất đối với những dự án được Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, gồm dự án của Công ty Xi măng Hà Tiên, Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng 4, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long.

Với dự án của Công ty TNHH BĐS SSG Bình An tại số 2 Trần Não có diện tích gần 12.000m2, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, năm 2005 Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận cho Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 được chuyển mục đích sử dụng đất sang đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và khu nhà ở. Điều kiện kèm theo là tiền sử dụng đất thu được phải nộp toàn bộ vào ngân sách, đồng thời giá trị quyền sử dụng đất phải sát với giá thị trường. Tuy nhiên sau đó Công ty CP Xây lắp và Vật tư xây dựng 4 đã hợp tác với Tập đoàn SSG để thực hiện khu cao ốc phức hợp tại đây.

Năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã công nhận cho Công ty TNHH BĐS SSG Bình An làm chủ đầu tư dự án. Năm 2016 sau khi được UBND thành phố phê duyệt, Công ty TNHH BĐS SSG Bình An đã nộp tiền sử dụng đất là 232,8 tỷ đồng. Đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thể tiếp cận được khu đất để triển khai dự án. Lý do, Tòa cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tuyên hủy quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố giải quyết khiếu nại theo quy định và xem xét tính hợp lý của các hộ dân có hơn 10 năm quản lý, sử dụng, kê khai đất trước khi thành phố thu hồi.

Tại dự án nhà ở của Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long với diện tích 18.754m2, mặc dù được giao đất từ năm 1998, nhưng theo Sở TN-MT, từ khi được giao đất đến nay, dự án không có kết nối giao thông nên không thể thực hiện. Đã vậy, hiện chủ đầu tư không có năng lực, lại sai phạm ở nhiều dự án khác. Chủ đầu tư cũng đã thực hiện chuyển nhượng nền đất tại dự án này từ năm 2001 nhưng không thực hiện dự án dẫn đến khiếu nại của người dân. Trong khi đó, báo cáo với UBND thành phố, Sở TN-MT cho rằng chưa có cơ sở để thu hồi khu đất dự án này do chủ đầu tư được gia hạn 24 tháng trong trường hợp chậm triển khai. Về mặt pháp lý, việc thu hồi là có cơ sở nhưng sẽ ảnh hưởng đến các hộ dân đã mua nền đất.

Với khu đất của Công ty Xi măng Hà Tiên, dù chỉ có diện tích 2.131m2, nhưng ngoài việc Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi, thì ngay từ các năm 2008 và 2010, UBND quận 2 (trước đây) đã đề nghị thành phố lập thủ tục thu hồi để địa phương đầu tư xây dựng công trình công cộng sau khi kiểm tra hiện trạng sử dụng đất. Dù vậy, Sở TN-MT cho rằng, chủ đầu tư đã được cấp phép xây dựng hàng rào và cấp giấy chứng nhận nên không có căn cứ thu hồi khu đất như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.

Tại dự án Nam Rạch Chiếc, diện tích 30,1ha của Công ty Phát triển quốc tế Thế Kỷ 21, Thanh tra Chính phủ đề nghị tính bổ sung tiền sử dụng đất đối với phần đất ở 19.764m2 tăng thêm do điều chỉnh quy hoạch. Trường hợp doanh nghiệp thực hiện không đúng quy hoạch, không đúng giấy phép xây dựng phải được xử lý nghiêm và buộc phải nộp lại các khoản thu không hợp pháp. Ngay sau đó, UBND thành phố đã phê duyệt phương án giá đất khu đất trên với tổng giá trị quyền sử dụng đất là 5.176 tỷ đồng. Tổng giá trị quyền sử đụng đất này sẽ được xem xét, khấu trừ lại phần giá trị doanh nghiệp đã đầu tư tại khu đất 30,2ha Bình Khánh. Việc cấn trừ này sẽ chưa thể thực hiện ngay do phải chờ kiểm tra, tính toán.

Đối với dự án 1.330 căn hộ tại khu đất 38,4ha ở phường Bình Khánh liên quan đến Công ty TNHH XD TM Thuận Việt, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt giá đất với tổng số tiền hơn 2.537 tỷ đồng. Công ty TNHH XD TM Thuận Việt cũng mới chỉ nộp được tổng cộng 812 tỷ đồng. Phần còn lại phải chờ các bộ, ngành cho phép tính số tiền 712 tỷ đồng Công ty TNHH XD TM Thuận Việt tạm nộp là tiền sử dụng đất năm 2017 đối với dự án 1.330 căn hộ trên và thời điểm xác định giá đất nông nghiệp để xác định số tiền được cấn trừ nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, đối với 7 dự án nhà ở khác đã được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng, Sở TN-MT cũng xác định còn 4 dự án cần tiếp tục rà soát. Đối với 8 dự án nhà ở đang triển khai xây dựng, Sở TN-MT xác định các dự án này đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, xây dựng nhà đạt trên 90%, nhưng vẫn còn một số chủ đầu tư chưa thể xác định hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Ngay cả việc quản lý và thực hiện quy hoạch đối với 6 dự án nhà ở đã bị hủy chủ trương đầu tư và 11 dự án hạ tầng kỹ thuật, Sở TN-MT, Sở Xây dựng cũng phải tiếp tục chờ địa phương rà soát, thu thập hồ sơ. Như vậy sau 2 năm Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý, việc xử lý tồn tại, hạn chế tại các dự án trên vẫn chưa thể thực hiện dứt điểm. 

Đ.Thắng
.
.
.