Cần ngăn chặn thất thoát, lãng phí tài sản công

Kì cuối: Sớm giải quyết căn nguyên dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản công

Thứ Hai, 04/11/2024, 06:30

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khi thảo luận tổ tại Quốc hội, chiều 26/10/2024, nêu rõ: “Tôi và nhiều người rất quan tâm, bức xúc về vấn đề lãng phí. Có những dự án nhìn thấy được, nhưng dân hỏi không trả lời được, như đất “vàng” để hàng chục năm trời cho cỏ mọc, phải có ai chịu trách nhiệm chứ, nếu không làm được thì thu hồi".

Hay “Dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh trị giá 10.000 tỷ đồng trải qua hai nhiệm kỳ, tiền nhà nước đã bỏ ra nhưng người dân thành phố vẫn phải chịu cảnh ngập lụt. Phải làm thế nào chứ để mãi như vậy là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng cũng là tội lãng phí"…

Rõ ràng những vấn đề bức xúc do lãng phí này được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra tại nghị trường Quốc hội là rất “nóng”, phải vào cuộc để xoá điểm nghẽn, chống lãng phí và làm rõ trách nhiệm…

lp 7.jpg -0
Dự án chống ngập 10 ngàn tỷ đồng tại TP Hồ Chí Minh kéo dài gây lãng phí lớn.

Đi tìm nguyên nhân và trách nhiệm

Nhắc đến những khu đất “vàng” bỏ hoang nhiều năm gây bức xúc dư luận ở TP Hồ Chí Minh, ông Tư Minh, một cựu chiến binh ở quận Bình Thạnh gay gắt: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Khi giao cho quyền sử dụng, thì phải có nghĩa vụ đưa đất vào khai thác và sử dụng đúng mục đích. Vì vậy, với những dự án bỏ hoang đất kéo dài, tôi đề nghị chính quyền TP Hồ Chí Minh cần phải thu hồi ngay và xử lý gấp…”. Nhiều người dân cho rằng, không chỉ thu hồi mà còn phải đưa vào sử dụng hiệu quả tài sản công, tránh để thất thoát, lãng phí, rơi vào nhóm lợi ích cá nhân…

Tại TP Hồ Chí Minh, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm và những khó khăn, bất cập trong việc quản lý, sử dụng nhà đất và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn, năm 2019, Ban thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 24 về kiểm kê, rà soát quỹ nhà đất công và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn. Từ đó đến nay, cơ quan Thanh tra các cấp ở TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng nhà, đất công được giao vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án. Một số mặt bằng chưa khai thác hiệu quả, có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, bỏ trống gây lãng phí, chưa chủ động có giải pháp để xử lý đối với các trường hợp phải thu hồi lại nhà, đất cho thuê. Thanh tra Thành phố đã kiến nghị giao các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh thu hồi số tiền hơn 400 tỷ đồng, thu hồi 9 mặt bằng, 1 giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt việc cho thuê không đúng mục đích và kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị có liên quan để xảy ra vi phạm qua các thời kỳ… 

Để tránh sự đội vốn, lãng phí metro với “núi” tiền nhưng không phát huy hiệu quả hay chỉ để tham quan, du lịch… theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON: Ở các nước tiên tiến, bình quân mức vốn đầu tư cho metro khoảng 100 triệu USD/km, nhưng tại TP Hồ Chí Minh, suất vốn đầu tư đã bị “đội” lên rất nhiều. Chẳng hạn tuyến metro thứ 5 từ ngã tư Bảy Hiền đến siêu thị Metro TP Thủ Đức với chiều dài 8,9km, khi còn chưa được khởi công, mức vốn đầu tư đã “nhảy” lên rất cao. Lần điều chỉnh cách đây đúng 10 năm, mức vốn đầu tư cho tuyến metro này đã được tính toán tăng từ 833 triệu EURO, thành 1.310 triệu EURO, tương đương với khoảng 1.520 triệu USD, bình quân 170 triệu USD/km. Đầu tư metro chi phí lớn, cho nên số lượng tuyến metro của mỗi thành phố thường không nhiều, phụ thuộc vào diện tích và dân số. Nhưng trước khi làm metro, họ đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông công cộng, phủ kín khắp đô thị để người dân sử dụng metro thuận lợi, có thể đi bằng xe công cộng đến ga metro mà họ xuất phát, cũng như từ nhà ga metro cuối cùng của họ đến đích.

Loại bỏ “chạy chọt”,bè cánh trục lợi tài sản, dự án đầu tư công…

Ý kiến các chuyên gia, luật sư, nhà quản lý…đều cho rằng nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát lãng phí tài sản công, trong đó chủ yếu là kẽ hở pháp luật, tham nhũng, phe cánh lợi ích nhóm và buông lỏng quản lý là căn nguyên cần giải quyết. Vì vậy cần có chính sách pháp luật quản lý phù hợp theo quy định luật pháp, minh bạch công khai tài sản công, dự án đầu tư… nhằm chống lợi ích nhóm và trục lợi chính sách. Đồng thời, quy trách nhiệm cơ quan chủ quản, người đứng đầu trong quản lý, tổ chức đấu thầu, quy hoạch, chậm trễ thực hiện chính sách pháp luật, triển khai đầu tư… dẫn đến thất thoát lãng phí tài sản công.

Kì cuối: Sớm giải quyết căn nguyên dẫn đến thất thoát, lãng phí tài sản công -0
Dự án Metro Bến Thành- Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh) chậm trễ và đội vốn khoảng 30 ngàn tỷ đồng.

Ngày 29/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 192-QĐ/TW kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lãng phí, tiêu cực, trong đó đã bổ sung cho Ban Chỉ đạo nhiệm vụ phòng, chống lãng phí với trọng tâm của phòng, chống lãng phí là trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Ngày 30/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng vừa phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vừa phải tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, cần nghiên cứu, chỉ đạo quyết liệt để triển khai ngay công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo khí thế mới, chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Vì đây là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với tham nhũng, tiêu cực. Cần xây dựng văn hóa, chống lãng phí trong toàn xã hội, trở thành các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, đưa vào nội quy của từng cơ quan, hương ước của thôn, xóm, quy định trong các văn bản của Đảng, nhà nước, xử lý các vi phạm từ hành chính đến mức cao nhất là hình sự. Lựa chọn những nội dung trọng tâm, những giải pháp đột phá để tập trung chỉ đạo tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng, chống lãng phí đảm bảo đồng bộ, thống nhất; chỉ đạo rà soát, xử lý nghiêm các vụ việc lãng phí lớn, dư luận quan tâm theo tinh thần là “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực”, xác định rõ trách nhiệm xử lý tổ chức, cá nhân có liên quan.

 Để thực hiện tốt yêu cầu này, trước hết cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí cao như: quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, thu, chi ngân sách, mua sắm tài sản công, tài chính, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, giáo dục và đào tạo, y tế... Cần xây dựng được cơ chế ngăn chặn “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sách nhiễu, tham nhũng, lãng phí...; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trừng trị nghiêm những phần tử tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống lãng phí.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng và nhà nước ta không khoan nhượng đối với tham nhũng, lãng phí. Điều này thể hiện rõ khi trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, kể cả những người ở cương vị cao, thậm chí trong Bộ Chính trị nếu vi phạm thì cũng sẽ bị xử lý một cách nghiêm minh. Đây chính là sự thống nhất, tiếp thu, vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngày càng quyết liệt và có hiệu quả của Đảng ta vì mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, để “chữa” căn bệnh tham ô, lãng phí phải đề cao đạo đức và luật pháp, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu. Xác định nguy cơ tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm” nguy cơ đối với sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển của đất nước nên Đảng và nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Điều ấy, không chỉ thể hiện trong việc sớm ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng và nhiều quyết sách khác của Đảng, nhà nước… mà còn quyết liệt trong hành động thực tiễn cụ thể chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Vấn đề này đã thực hiện trong nhiều năm qua, đi vào lòng dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên… hết sức quan tâm, ủng hộ.

 

Ngọc Như-Đức Thắng-Mã Hải
.
.
.