Khó xử lý triệt để nạn tận diệt chim trời tại nơi có vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, vì sao?

Thứ Tư, 09/10/2024, 07:49

Thừa Thiên Huế là địa phương có đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất Đông Nam Á với diện tích hơn 22.000ha. Đầu tháng 10 dương lịch hàng năm là mùa di cư của nhiều loài chim nên những cánh rừng đước, chá, dừa nước trên vùng đầm phá Tam Giang trở thành nơi trú ẩn của chúng.

Trong những ngày này, từ vùng nước cạn dọc đầm phá đến những cánh đồng ruộng là nơi các loài chim thường bay đến tìm kiếm thức ăn. Và đây cũng là khu vực mà các đối tượng săn bắt chim trời tìm đến để vây lưới, đặt bẫy.

Daidang_1-1728435067809.jpg
Công an xã Phú Gia phối hợp với lực lượng Kiểm lâm thu giữ, tiêu hủy dụng cụ bẫy chim trời.

Tại cánh đồng ruộng ở xã Phú Gia, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), một số đối tượng ngoài địa phương tìm đến giăng lưới và đặt nhiều cò xốp để bẫy chim, cò. Việc đặt bẫy chim diễn ra từ chiều tối và đến sáng sớm. “Trước đây, vào mỗi buổi chiều, cánh đồng này có nhiều đàn cò trắng bay về đậu kín mặt nước. Thế nhưng kể từ ngày xuất hiện các đối tượng đến giăng lưới, đặt bẫy cò giả thì cò về ít hơn. Sau mỗi lần giăng bẫy, có nhiều cá thể cò và chim trời các loại bị dính bẫy được các đối tượng mang đi tiêu thụ. Sau khi phát hiện các đối tượng lẻn vào đồng ruộng bẫy chim cò thì tôi liền gọi điện thoại báo cơ quan chức năng ngay”, ông Nguyễn Văn Bảo, một người dân ở xã Phú Gia chia sẻ.

Mới đây, vào chiều 4/10, nhận được tin báo từ người dân, Công an xã Phú Gia cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Phú Vang tiến hành kiểm tra và phát hiện một điểm bẫy cò ngay trên cánh đồng ruộng của xã Phú Gia. Tại đây, các lực lượng đã tháo dỡ 500m lưới, thu giữ 10 con cò xốp, 4 con chim mỏ giác bị mắc bẫy đã chết cùng một số dụng cụ cá nhân do đối tượng bẫy chim trời bỏ lại. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ tang vật nói trên. Theo Công an xã Phú Gia, thời gian qua, Công an xã và chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng săn bắt chim trời trên địa bàn. Tuy nhiên sau một thời gian tạm lắng thì đến nay, nạn bẫy chim, cò tiếp tục tái diễn.

Trong khi đó, xã Điền Hải, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) là địa bàn giáp phá Tam Giang nên vào mùa chim di cư, có nhiều loại chim trời như cò, vạc, chim mỏ giác, bìm bịp, chim sẻ, chim mắt xéo, nhạn, cu, triết, chèo bẻo, bói cá tìm về làm tổ. Vì thế nên tình trạng người dân dùng lưới, cò giả, que dính nhựa và máy phát tiếng chim để bẫy các loài chim trời gia tăng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Cao Huy Mẫn, Chủ tịch UBND xã Điền Hải cho biết, trong thời gian qua, tình trạng giăng lưới bẫy, bắt, mua bán trái phép các loài chim hoang dã, chim di cư tái diễn ở địa phương. Nhiều địa điểm trên cánh đồng của xã xuất hiện các đối tượng đến bẫy chim bằng dụng cụ như cò giả, que dính nhựa. Trước thực trạng này, vào cuối tháng 9 vừa qua, UBND xã Điền Hải đã ban hành thông báo yêu cầu người dân trên địa bàn xã chấp hành nghiêm các quy định về cấm săn bắn, bắt, bẫy các loài chim hoang dã, chim di cư và cấm buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim này. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng tùy theo trường hợp.

Thiếu tá Trần Đức Hoàn, Trưởng Công an xã Điền Hải cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng Công an xã đã tích cực phối hợp với Kiểm lâm và các đơn vị tổ chức tuyên truyền những quy định về bảo vệ các loài chim trời và các mức xử phạt để người dân địa phương nắm bắt, hiểu rõ và tránh vi phạm. Mới đây, qua kiểm tra, lực lượng đơn vị phát hiện đối tượng Nguyễn Chí Trung (SN 2005, trú tại xã Điền Hương, huyện Phong Điền) dùng lưới bẫy chim trời nên đã lập biên bản, tiêu hủy toàn bộ dụng cụ bẫy chim trái phép. Sau đó Chủ tịch UBND xã Điền Hải đã ra quyết định xử phạt hành chính đối tượng Trung số tiền 1.050.000 đồng.

“Sau khi bẫy được chim trời, các đối tượng thường mang chim trời bán cho đầu nậu, thương lái hoặc các nhà hàng, quán nhậu để kiếm lời. Để tránh phát hiện, các đối tượng thường đặt bẫy chim vào đêm khuya tại những khu vực xa khu dân cư nên việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, do chế tài xử phạt chưa đủ mức răn đe nên các đối tượng sau khi bị phát hiện, bắt giữ thì lại tiếp tục hành nghề săn, bẫy chim, dẫn đến vấn nạn săn bắt chim trời khó xử lý triệt để”, Thiếu tá Trần Đức Hoàn thông tin.

Trước tình trạng săn bắt chim trời gia tăng, những ngày đầu tháng 10 này, lực lượng Kiểm lâm đóng trên địa bàn các huyện, thị xã Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy đã phối hợp với Công an các xã ra quân xử lý bẫy chim. Tại khu vực Đồng Lớn, thôn Trung Phước Tượng và xứ đồng Cây Đa, thôn Trung An (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc), các lực lượng thu gom, tiêu hủy 2.100 que tre dính nhựa, 430 cò xốp, 2 bẫy kẹp và thả về môi trường tự nhiên 46 cá thể cò trắng.

Tại khu vực Bàu Lát (tổ dân phố Lập An, thị trấn Lăng Cô), đã thu gom và tiêu huỷ 1.200 que tre dính nhựa, 400 cò xốp. Còn tại cánh đồng thôn Ô Sa (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), các lực lượng cũng đã tháo gỡ, tiêu hủy nhiều bẫy chim trời, thả về tự nhiên 5 cá thể chim cu ngói. Tại cánh rừng ngập mặn xã Quảng Lợi, đã tiêu hủy 750m lưới, 36 cột chống lưới và 25 cò giả.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết,thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, tình trạng săn bắt chim trời có hạn chế nhưng vẫn chưa thể nào ngăn chặn triệt để. Các đối tượng có hành vi săn bắt chim trời ngày càng tinh vi hơn, thường lén lút giăng bẫy vào đêm khuya nên lực lượng chức năng khó phát hiện, xử lý.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 10/2024, lực lượng Kiểm lâm cùng Công an các xã đóng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng chục đợt ra quân, kiểm tra tại các cánh đồng, vùng đầm phá, qua đó phát hiện, thu giữ 2.304 cò giả, gần 11.000 que dính nhựa, hơn 2.500m lưới và 150 cọc lưới cùng nhiều bẫy kẹp, loa, bình ắc quy, máy phát âm thanh. Kịp thời phát hiện, tháo gỡ bẫy để thả về tự nhiên 151 cá thể cò và chim các loại.

“Thời gian tới, lực lượng đơn vị tiếp tục tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp và lực lượng Công an đóng ở cơ sở để kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ lưới bẫy để cứu hộ chim trời. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đúng theo quy định pháp luật”, ông Lê Ngọc Tuấn khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.