Khó khăn trong di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Bắc - Nam
Tính đến thời điểm hiện nay, sau gần 1 năm triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn, Hà Tĩnh mới hoàn thành thẩm định hồ sơ di dời đường điện 220kV và 500kV tại Bộ Công Thương. Mặc dù tiến độ thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện không đạt so với kế hoạch đề ra, song các đơn vị liên quan đều cho rằng, đã nỗ lực hết sức vì ngành Điện có những đặc thù, khó khăn riêng biệt.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2023 – 2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, đã hoàn thành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường đạt 99,07%, bàn giao mặt bằng đạt 98,04%. Có 2 trong tổng số 6 địa phương đã hoàn thành bàn giao 100% mặt bằng là huyện Đức Thọ và thị xã Kỳ Anh.
Mặc dù vậy, so với tiến độ chung mà Chính phủ và Bộ GTVT đề ra, đến nay tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công dự án ở Hà Tĩnh vẫn còn chậm. Tính đến nay, vẫn còn hơn 200/404 hộ dân thuộc diện tái định cư chưa di dời đến nơi ở mới. Toàn tỉnh chỉ mới hoàn thành 10/30 khu tái định cư, còn 20 khu tái định cư đang thi công dở dang và đã xin gia hạn tiến độ đến ngày 31/12/2023.
Đối với vướng mắc trong bàn giao GPMB, đến nay tại 3 địa phương là Đức Thọ, Can Lộc và Cẩm Xuyên cũng đã phải tổ chức lực lượng để bảo vệ thi công khi người dân không chịu bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, trong số 11 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận hồi tháng 8/2023 để đáp ứng nhu cầu nguồn vật liệu xây dựng thi công dự án, đến nay vẫn còn 6 mỏ chưa hoàn thành thỏa thuận bồi thường, GPMB cũng như hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng.
Về tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật đường điện, theo đánh giá hiện nay tiến độ thi công, di dời còn chậm. Đến cuối tháng 11/2023 các địa phương bị ảnh hưởng mới hoàn thành thẩm định hồ sơ di dời đường điện 220kV và 500kV tại Bộ Công Thương.
Ông Trần Văn Nhường, Phó phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, Sở Công Thương là đầu mối, có nhiệm vụ hướng dẫn cho các huyện xây dựng hồ sơ, thủ tục theo đúng trình tự pháp luật, trong đó có nội dung quan trọng là thỏa thuận phương án kỹ thuật di dời. Trong đó, đối với đường dây 500kV và 220kV, trách nhiệm thẩm định thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và đường dây 110kV là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Công ty Điện lực Hà Tĩnh.
Đến nay, việc thỏa thuận đã được hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền thẩm định phương án thi công. Theo phân cấp, Bộ Công Thương mà trực tiếp là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ thẩm định vấn đề này. Quá trình triển khai thực hiện, hiện nay đã hoàn thành việc thẩm định tại Bộ Công Thương đường dây 220kV và 500kV, đường dây 110kV Sở Công Thương Hà Tĩnh cũng đã hoàn thành việc thẩm định, đang trong quá trình thi công trên hiện trường.
Tiến độ thi công tính đến thời điểm hiện nay, đối với đường dây 220kV và 500kV, hiện các địa phương gồm huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Đức Thọ đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Riêng đối với đường dây 110kV đến nay huyện Thạch Hà đã lựa chọn xong đơn vị thi công, tiến độ ước đạt khoảng 40% khối lượng công trình.
Trong khi đó, đối với hệ thống đường dây trung thế và hạ thế, các huyện, thành phố và thị xã cũng đang gấp rút triển khai. Trong đó, huyện Can Lộc đạt tỉ lệ khoảng 88%, huyện Thạch Hà 72%, Đức Thọ 65%, huyện Kỳ Anh 60%, hai địa phương đạt tỉ lệ thấp nhất là huyện Cẩm Xuyên chỉ mới 33% và thị xã Kỳ Anh ước đạt 20%. Được biết, để phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã phải di dời 215 vị trí đường điện, trong đó đường dây 220kV và 220kV là 10 điểm, đường dây 110kV là 6 điểm và 199 điểm thuộc các đường dây trung thế, hạ thế.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết thêm, do thi công công trình hạ tầng kỹ thuật điện là công trình đặc thù về chuyên ngành nên phải thỏa thuận về mặt giải pháp kỹ thuật liên quan đến nhiều đơn vị quản lý vận hành, nhiều cấp, nhiều tầng và nhiều quy trình. Để thực hiện thỏa thuận về mặt giải pháp kỹ thuật phải qua nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cấp độ quản lý, do vậy thời gian thường kéo dài hơn dự kiến.
Công tác thẩm định phải trình Bộ Công Thương, ngoài ra theo báo cáo của chủ đầu tư, để thi công được các tuyến đường phải thực hiện việc cắt điện, đóng điện, đấu nối liên quan đến nguồn cung cấp cho các phụ tải vùng miền. Quá trình thực hiện việc thi công công trình hạ tầng điện lưới phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Hà Tĩnh, về mặt hồ sơ hiện nay đã hoàn tất và không có gì vướng mắc, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thi công và chủ đầu tư tiết kiệm thời gian để thi công dự án nhanh chóng, thuận tiện.
Khó khăn lớn nhất hiện nay chủ yếu là ở hiện trường, một số địa phương lựa chọn được nhà thầu có uy tín nên quá trình thực hiện nhanh chóng, về đích trước thời gian. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương lựa chọn nhà thầu thiếu kinh nghiệm dẫn đến thi công chậm, phát sinh các sự cố dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án, đặc biệt là việc thi công hạ tầng tại các khu tái định cư.
Lý giải nguyên nhân của việc chậm tiến độ, lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên cho rằng, đường dây 110kV thiết bị phải nhập ngoại từ Trung Quốc nên phải chờ đợi lâu, ngoài ra địa bàn này có tới 10 khu tái định cư nên khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, thực tế thì Cẩm Xuyên cũng là địa phương phê duyệt các phương án chậm nhất trong số 7 đơn vị bị ảnh hưởng trên địa bàn.
Theo đánh giá của các địa phương, trong thực hiện GPMB dự án cao tốc Bắc - Nam, việc di dời hạ tầng đường điện là một trong những phần việc phức tạp, khó khăn bởi dù là chủ đầu tư nhưng địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này và trình tự thủ tục, hồ sơ cũng như việc thống nhất phương án xử lý, cắt điện rất phức tạp. Trong đó, chỉ tính riêng thủ tục xin ý kiến chấp thuận chủ trương, phương án kỹ thuật gửi cho Công ty Truyền tải điện Quốc gia và Công ty Truyền tải điện 1 phải mất 6 tháng mới có văn bản đồng ý dẫn đến tiến độ thiết kế và thi công chậm so với tiến độ của công trình.
Đến nay, tiến độ di dời hạ tầng lưới điện nói riêng và GPMB toàn tuyến nói chung phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2023 - 2025 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh chưa đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ là phải hoàn thành bàn giao mặt bằng 100% trong quý II/2023. Ngoài nguyên nhân khách quan liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật lưới điện, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất phải qua nhiều bước, cần ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành... thì nguyên nhân chủ quan do một số địa phương, đơn vị vẫn còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện.