Hai dự án gần 3.000 tỷ đồng ở Quảng Bình chậm tiến độ do thiếu mặt bằng
Hiện trên địa bàn Quảng Bình có nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó có những dự án công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, địa phương cũng như đất nước. Tuy nhiên, có những dự án sau khi triển khai gặp vô số khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Hiện 2 dự án là Dự án đường ven biển và Dự án cải tạo, nâng cấp đường 12A…với số vốn đầu tư gần 3 nghìn tỷ đồng, nhưng đang có nguy cơ chậm tiến độ nhiều do hàng loạt vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cả tỉnh Quảng Bình đang như công trường rộn rã với hàng loạt dự án lớn, đòi hỏi địa phương, các bộ ngành, chủ đầu tư… phối hợp chặt chẽ với nhau để đẩy nhanh tiến độ khi mùa mưa bão đang cận kề.
Gấp rút triển khai các công trình trọng điểm
Dự án đường ven biển Quảng Bình đi qua các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Bình với tổng chiều dài 80km, gồm có 3 đoạn tuyến: Đoạn Nam Roòn - Quảng Phúc dài 21,9km; đoạn Nam Cầu Lý Hòa - Quang Phú dài 15,5km và đoạn Hà Trung - Mạch Nước dài 42,6km (không bao gồm đoạn qua FLC dài 5,8km do nhà đầu tư tự thực hiện). Đường ven biển Quảng Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, bề rộng nền đường 12m; bề rộng mặt đường và lề gia cố 11m. Dự án có 7 gói thầu xây lắp, với tổng mức đầu tư 2.197 tỷ đồng (ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương), theo chủ trương thời gian thực hiện dự án từ 2021 - 2026.
Dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình sau khi hoàn thành sẽ phát huy khả năng liên kết thông suốt giữa các địa phương trong tỉnh và liên kết giữa các tỉnh Bắc Trung bộ; góp phần khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thu hút đầu tư; đồng thời tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; góp phần giải quyết ách tắc giao thông.
Khi Dự án đường ven biển được khởi công, tỉnh Quảng Bình cũng đồng thời được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp đường 12A tại quyết định ngày 30/12/2022, với tổng mức đầu tư 511,154 tỷ đồng, thời gian hoàn thành vào 31/12/2024. Dự án gồm 2 dự án thành phần độc lập. Trong đó, dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn có tổng mức đầu tư 447,177 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 đầu tư hoàn thiện quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy Xi măng Sông Gianh có tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm đảm bảo an toàn giao thông khu vực thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, phát huy hiệu quả các đoạn tuyến đã đầu tư trước đây, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực. Quốc lộ 12A là tuyến giao thông đường bộ quốc gia chạy trong địa phận tỉnh Quảng Bình. Toàn tuyến dài khoảng 145,5km, chạy qua nhiều huyện, thị. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Quảng Bình với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Tuyến đường này có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của Quảng Bình và khu vực Bắc miền Trung.
Sau khi các dự án được khởi công, tỉnh Quảng Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tiến hành giải phóng mặt bằng, chuẩn bị các thủ tục chuyển đổi rừng, chủ động các mỏ khoáng sản… phục vụ thi công dự án. Để thực hiện Dự án đường ven biển, tỉnh Quảng Bình đã phải thu hồi tổng diện tích đất là 199,33ha, đường đi qua địa bàn của 16 xã, phường của 6 huyện, thị xã, thành phố, ảnh hưởng đến 1.125 hộ dân và 37 tổ chức. Trong đó, có khoảng 166 hộ bị ảnh hưởng nhà ở và đất ở; 27 chủ sở hữu nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi bị ảnh hưởng; nhiều diện tích rừng phải chuyển đổi. Tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng 8 khu tái định cư để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
UBND tỉnh Quảng Bình có văn bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản cát làm vật liệu san lấp trong diện tích Dự án thành phần 1 - Đường ven biển thuộc dự án Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3. Cụ thể: Khu vực khai thác làm vật liệu nằm ở các địa phương huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch, TP Đồng Hới, huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy có tổng diện tích 199,33ha, trong đó: Huyện Quảng Trạch 26,161ha, thị xã Ba Đồn 34,212ha, huyện Bố Trạch 36,567ha, thành phố Đồng Hới 17,315ha, huyện Quảng Ninh 23,659ha, huyện Lệ Thủy 61,420ha, được giới hạn bởi các điểm khép góc có tọa độ xác định theo phạm vi hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng Dự án kèm theo. Khối lượng được phép khai thác: 674.374m, mức sâu khai thác từ cao độ tự nhiên xuống 8,0m. Kế hoạch thực hiện khai thác 55 tháng đến ngày 31 tháng 12 năm 2026.
Khó khăn chồng chất về giải phóng mặt bằng ở các dự án nghìn tỷ
Hiện dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A mới chỉ giải ngân được 65% vốn, nếu không hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng hạn, sẽ có nguy cơ chậm tiến độ, không hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông Vận tải. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cùng đoàn công tác đã đến hiện trường kiểm tra tiến độ dự án. Theo Thứ trưởng, thời hạn bố trí vốn không được kéo dài, hết năm nay nếu dự án không xong thì không thể bố trí tiếp. Nếu trước 15/9 không hoàn thành giải phóng mặt bằng thì không xong được dự án.
Về phía địa phương, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình báo cáo cụ thể các vấn đề còn tồn đọng, phối hợp đơn vị liên quan dự thảo văn bản tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, quy trách nhiệm các đơn vị, cá nhân nếu tiếp tục chậm giải phóng mặt bằng.
Theo như mốc thời gian hoàn thành là 31/12/ 2024 và khối lượng công việc thực tế hiện nay thì Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A rất khó hoàn thành. Hiện nay, nhiều hộ dân vẫn chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng. Nhiều điểm, tuyến của dự án còn vướng mắc mặt bằng chưa thể gỡ như tại nút giao đầu tuyến (giao QL1A) thuộc địa phận xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch có 10 hộ gia đình bị ảnh hưởng phải giải toả, thu hồi đất ở và bồi thường tài sản trên đất. Hiện, các hộ dân chưa thống nhất phương án với lý do giá bồi thường đất ở thấp, không phù hợp với mặt bằng giá chung.
Tại nút giao đường Nguyễn Trãi (Km 1 + 643), phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn có 6 hộ bị ảnh hưởng, phạm vi chiều dài tuyến 0,45km. Đoạn tuyến qua địa bàn xã Cảnh Hoá (nằm trong dự án thành phần 2) hiện còn 0,42km vướng giải phóng mặt bằng, tái định cư kéo dài từ năm 2022 đến nay. Phạm vi vướng mặt bằng gồm 13 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng, trong đó có 11 hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất (trong13 hộ bị ảnh hưởng có 4 trường hợp tái định cư, 2 trường hợp bồi thường bằng đất ở và 7 trường hợp giao thêm đất ở tái định cư)…
Tại Dự án đường ven biển cũng gặp phải những khó khăn tương tự như Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 12A khi vướng mặt bằng rất nhiều đoạn. Tại dự án có nhiều hạng mục đang "án binh bất động" do không có mặt bằng để thi công. Nhiều vị trí thi công, mặc dù đơn vị thi công đã bố trí sẵn sàng máy móc nhân công trên công trường nhưng thi công ngắt quãng do mặt bằng. Dự án đường ven biển Quảng Bình đi qua 16 xã, phường các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Tổng diện tích đất thu hồi 199,33ha.
Đến nay, các địa phương đã phê duyệt phương án và chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng được 71,32/80km, đạt 89,2%, trong đó phạm vi có mặt bằng thi công liên tục được 70,2/80km, đạt 87,8%. Trên toàn tuyến còn khoảng 10km mặt bằng vướng mắc. Một số huyện có tỷ lệ giải phóng mặt bằng chậm, như: TP Đồng Hới (đạt 66,3%), huyện Lệ Thủy (đạt 81,93%), huyện Quảng Trạch (đạt 87,8%).
Được biết, để giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nêu trên, kịp bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2024, đặc biệt là giải ngân toàn bộ 100% kế hoạch vốn nguồn ngân sách Trung ương trước ngày 31/10/2024, ông Phan Phong Phú, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đưa ra những nội dung cần khẩn trương tập trung thực hiện.
Đối với trang trại nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, hội đồng thẩm định tính liên hoàn của tài sản trang trại nuôi trồng thủy sản trong và ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng; Hội đồng thẩm định về công tác định giá các loại vật tư, máy móc, thiết bị nuôi trồng thủy sản không có trong bảng giá đền bù của UBND tỉnh chủ trì họp Hội đồng để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh theo nhiệm vụ được giao đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.