Hà Tĩnh “thúc” tiến độ các dự án khắc phục hậu quả thiên tai

Thứ Hai, 30/12/2024, 07:54

Để kịp giải ngân nguồn vốn 150 tỷ Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trước ngày 31/12/2024, tỉnh Hà Tĩnh đã ra văn bản đốc thúc các chủ đầu tư của 7 dự án sửa chữa, khắc phục hậu quả thiên tai đang được triển khai trên địa bàn. Mặc dù đã rất nỗ lực song một số dự án trong số này có nguy cơ không kịp về đích đúng tiến độ.

Để khắc phục thiên tai, sạt lở trên địa bàn Hà Tĩnh, ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1739/QĐ-TTg hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 với số tiền 150 tỷ đồng cho tỉnh Hà Tĩnh. Số vốn này Hà Tĩnh đã phân bổ cho 7 dự án trên địa bàn, trong đó huyện Hương Khê có 3 dự án; các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh mỗi địa phương có 1 dự án.

Ngay sau khi nguồn vốn được phân bổ, tỉnh Hà Tĩnh đã giao nhiệm vụ cho UBND các huyện Cẩm Xuyên, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang và thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Bằng mọi biện pháp, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng để triển khai thi công, giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ trước ngày 31/12/2024.

Hà Tĩnh “thúc” tiến độ các dự án khắc phục hậu quả thiên tai -0
Công trình khắc phục cấp bách kè chống sạt lở bờ tả hạ lưu cầu Chợ Vực (huyện Cẩm Xuyên) đang gặp khó khăn do thời tiết và địa chất không thuận lợi.

Tính đến thời điểm hiện nay, chỉ còn quãng thời gian rất ngắn để giải ngân song tình hình thực hiện các dự án vẫn chưa được như kỳ vọng, có nguy cơ không kịp giải ngân đúng tiến độ. Cụ thể, dự án công trình Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua thôn 5 và thôn 2, xã Hà Linh do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, có tổng mức 65 tỷ đồng.

Ngày 26/1/2024 dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt, mục tiêu khắc phục sự cố công trình do mưa lũ gây ra sạt lở bờ sông nhằm bảo vệ hơn 65ha diện tích đất tự nhiên và hệ thống công trình hạ tầng, đảm bảo an toàn, phục vụ đời sống dân sinh cho hơn 328 hộ dân với 1.214 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến ngày 1/11/2024, dự án mới được khởi công xây dựng. Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê, chỉ trong thời gian gần 2 tháng triển khai thực hiện, đến nay dự án đã đạt khoảng 75% giá trị hợp đồng.

Ông Thái Phúc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: Công trình gồm 2 tuyến kè có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.500m. Trong đó đoạn 1 tại bờ tả sông Ngàn Sâu thuộc thôn 2 có chiều dài khoảng 650m và đoạn 2 tại bờ hữu sông Ngàn Sâu thuộc thôn 5 có chiều dài 850m. Để đạt được tiến độ “thần tốc”, Chủ đầu tư đã đốc thúc các nhà thầu tốc lực thi công, tăng ca không kể nắng mưa và làm việc xuyên đêm. Suốt hơn một tháng nay, ban ngày đơn vị thi công huy động tối đa máy móc, thiết bị và hàng trăm công nhân trên công trường, còn ban đêm duy trì khoảng 50 - 60% thiết bị và nhân lực, làm việc đến 23h đêm, thậm chí còn muộn hơn tùy vào điều kiện thời tiết.

Theo ông Sơn, xác định đây là công trình trọng điểm, huyện Hương Khê thường xuyên chỉ đạo cán bộ bám nắm công trường. Các đồng chí lãnh đạo huyện trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc và động viên công nhân thi công; vừa chia sẻ khó khăn với các nhà thầu, vừa nhắc nhở đơn vị thi công bám sát đường găng tiến độ. Đặc biệt, phải chú ý an toàn trong thi công và đảm bảo chất lượng công trình.

Cũng trên địa bàn huyện Hương Khê, các dự án khác cũng đã cơ bản hoàn thành, trong đó công trình khắc phục, sửa chữa đập Tắt tại xã Hòa Hải đến thời điểm hiện tại, đã thi công xong cống lấy nước dưới thân đập, tràn xả lũ, đắp đất thân đập, tấm lát mái thượng lưu, rãnh thoát nước mái hạ lưu, nhà van cống lấy nước đang trồng cỏ mái hạ lưu và hoàn thiện đường quản lý vận hành; khối lượng đạt khoảng 95% giá trị hợp đồng. Tương tự, dự án khắc phục, sửa chữa đập Cây Sắn tại xã Gia Phố khối lượng đạt khoảng 96% giá trị hợp đồng.

Ngoài ra, tại huyện Đức Thọ, dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua xã Trường Sơn được triển khai thi công từ ngày 8/10/2024, đến nay đã xong phần đắp đất nền đường tuyến công vụ số 1, đổ rãnh đúc sẵn, thả rọ đá. Hiện, đơn vị thi công đang chạy đua nước rút để thi công dầm, lát đá mái kè (đạt khoảng 90%), thi công cống tiêu (đạt trên 75%) và thi công mặt đường đỉnh kè (đạt khoảng 50%).

Dự án đầu tư xây dựng công trình khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, thị xã Hồng Lĩnh nhà thầu đã thi công ước đạt 98% giá trị hợp đồng xây lắp. Công trình khắc phục cấp bách kè chống sạt lở bờ tả hạ lưu cầu Chợ Vực, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên được triển khai thi công từ 30/8. Đến nay, nhà thầu đã đóng được gần 1.000 cọc bê tông cốt thép, đổ bê tông hoàn thiện 32 đoạn tường chắn, thi công kênh dẫn vào cống tiêu đạt 80%, khối lượng thi công ước đạt 70% giá trị hợp đồng. Mặc dù vậy, dự án này hiện vẫn đang chậm tiến độ so với quy định. Đến nay, duy nhất dự án khắc phục sạt lở đường liên xã LX04 từ cầu Hương Đại TDP3, thị trấn Vũ Quang - Giao đường ĐH.81 tại thôn 1, xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang là đã hoàn thành.

Để kịp tiến độ giải ngân, vừa qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công văn, gửi chủ đầu tư là UBND các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình nói trên. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 trên địa bàn. Các địa phương, đơn vị đã có sự nỗ lực trong việc tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tuy vậy, qua kiểm tra thực địa tại huyện Đức Thọ cho thấy khối lượng còn lại của các công trình còn lớn. Theo báo cáo của Chủ đầu tư công trình Khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố, đoạn qua xã Trường Sơn, khối lượng thực hiện ước đạt 76%.

Trong điều kiện thời gian từ nay đến hết năm 2024 còn rất ít, để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình, kịp thời giải ngân nguồn vốn đã được bố trí trước 31/12/2024, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên và thị xã Hồng Lĩnh và các đơn vị liên quan khẩn trương có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình nói trên. Riêng huyện Đức Thọ, cần phải tập trung bám sát hiện trường, chỉ đạo các nhà thầu thi công huy động tối đa nhân lực, thiết bị, vật tư, vật liệu làm tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công. Qua kiểm tra thực tế hiện trường cho thấy nhân lực, thiết bị bố trí thi công chưa đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ của các dự án. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình phải đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đối với dự án khắc phục sạt lở bờ sông Ngàn Phố đoạn qua xã Trường Sơn và Công trình khắc phục cấp bách kè chống sạt lở bờ tả hạ lưu cầu Chợ Vực, xã Cẩm Duệ, Chủ tịch UBND huyện và Trưởng Ban Quản lý dự án các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thi công, chất lượng công trình và tiến độ giải ngân nguồn vốn Trung ương hỗ trợ đã được bố trí. Đối với các công trình còn lại, tập trung chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật. Thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán theo đúng quy định, kịp thời giải ngân nguồn vốn đã được bố trí.

Thiên Thảo
.
.
.