Hà Nội: Phường 18 năm không trường, không chợ

Thứ Hai, 09/01/2023, 14:28

Kể từ khi phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội được thành lập (năm 2005) đến nay đã được 18 năm. Thế nhưng, Liễu Giai vẫn là phường duy nhất thuộc quận trung tâm của Thủ đô chưa có trường học (cấp tiểu học và THCS) và cũng không có chợ dân sinh…

Hà Nội: Chuyện phường 18 năm không trường, không chợ -0
Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc phải mất 20 năm mới xin được đất từ Viện Toán để xây dựng và đi vào hoạt động.

Về phường "2 không" 

Phường Liễu Gia được thành lập vào ngày 5/1/2005 trên cơ sở tách từ phường Cống Vị và phường Ngọc Hà của quận Ba Đình. Thời điểm mới thành lập, Liễu Giai được gọi là phường “3 không”: không có Trụ sở (trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ); không có trường Tiểu học, THCS (chỉ có 1 trường Mẫu giáo số 9) và không có chợ (chỉ có các chợ tạm tại các ngõ, ngách nằm trong các khu dân cư). Đến nay đã được 18 năm, phường Liễu Giai vẫn tồn tại “2 không” (không trường, không chợ) nên mọi hoạt động liên quan đến đời sống sinh hoạt, học tập của người dân trên địa bàn phường cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ.

Bà Nguyễn Thi Huệ (ở tổ dân phố số 5, phường Liễu Giai) cho biết, bản thân gia đình trước kia nhân khẩu thuộc phường Ngọc Hà. Tuy nhiên, sau khi tách ra thì thuộc phường Liễu Giai. Mặc dù thuộc phường không có trường, có chợ nhưng từ trước đến nay mọi sinh hoạt gần như vẫn “ăn theo” phường Ngọc Hà cũ nên cũng chưa có phát sinh. Tuy nhiên, đối với những người ở nơi khác về đây cư trú thì cũng có những khó khăn, bất tiện.

Chị Trần Thu Hoà (ở tổ dân phố số 2, phường Liễu Giai) cho biết, trước khi về làm công dân của phường, thấy có mảnh đất hợp với mình nên vội vàng mua nhưng sau đó mới biết, trên địa bàn phường không có trường và chợ dân sinh. Nhưng mua rồi nên cũng đành phải chấp nhận. Trong quá trình sinh hoạt đúng là cũng có nhiều cái bất tiện. Việc học hành của các con cũng không được chủ động mà bắt buộc phải phân theo tuyến, theo tổ dân phố (TDP) nên trường mình muốn thì con không được học, không có sự lựa chọn như ở các nơi khác.

“Bên cạnh đó, trên địa bàn phường không có chợ dân sinh, chủ yếu là chợ tạm. Bình thường thì không nói làm gì, mình quen đi chợ đâu cũng được. Tuy nhiên, khi có sự việc thì cũng rất khó khăn. Điển hình như đợt dịch COVID-19 vừa qua. Nếu như trên địa bàn phường có chợ thì sẽ tiện hơn. Thế nhưng khi thành phố có chủ trương giãn cách, muốn ra khỏi nhà đã khó huống hồ từ địa bàn này đi sang địa bàn khác. Người dân chúng tôi vẫn luôn mong mỏi quận và thành phố xem xét cho xây dựng trường học trên địa bàn và có chợ dân sinh thì tốt biết bao nhiêu”, chị Trần Thu Hoà chia sẻ.

Ông Nguyễn Lê Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường Liễu Giai cho biết, sau 18 năm thành lập, phường Liễu Giai hiện mới chỉ có 2 trường Mầm non. Hàng năm, học sinh vào bước vào cấp 1, cấp 2 thì theo sự chỉ đạo của UBND quận các trường Tiểu học, THCS tại địa bàn phường giáp ranh sẽ tiếp nhận các cháu và phân theo ranh giới TDP. Về trường tiểu học có trường Đại Yên và THCS Thống Nhất (thuộc phường Đội Cấn), Tiểu học Ba Đình (phường Ngọc Hà), trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc và THCS Thăng Long (phường Cống Vị)…

Hà Nội: Chuyện phường 18 năm không trường, không chợ -0
Học sinh THCS của phường Liễu Giai được phân bổ đến các trường trên địa bàn lân cận. Điển hình như Trường THCS Thống Nhất nằm trên địa bàn phường Đội Cấn.

Trước đó, UBND phường và UBND quận cũng có đề xuất thành phố xin một số vị trí để xây dựng trường nhưng thành phố không chấp thuận. Cụ thể một số dự án còn dang dở nhưng vì liên quan đến cơ quan chủ quản như Toà án nhân dân tối cao hay khu đất tại ngõ 67 Văn Cao, trước kia là dự án trường học rồi nhưng không hiểu vì sao thành phố lại không duyệt. Thực tế, các con em trên địa bàn phường cũng được UBND quận rất quan tâm đến vấn đề học hành. Từ bậc Mầm non, Tiểu học đến THCS, các địa àn phường giáp ranh đều tiếp nhận hết.

Người dân vẫn luôn mong mỏi

Bà Trần Thị Hà Giang, Bí thư Đảng uỷ phường Liễu Giai cho biết, nguyện vọng của phường cũng móng sớm có trường, có chợ. Trước khi bỏ HĐND cấp phường (từ năm 2019) khi đó còn giữ cương vị Chủ tịch HĐND phường, hàng năm mỗi khi tiếp xúc cử tri, họ thường xuyên đề xuất nguyện vọng quận và thành phố quan tâm để phường sớm có điểm trường, điểm chợ. Đối với quỹ đất, cũng mong các cấp có thẩm quyền khi chuyển các cơ quan Trung ương theo chủ trương thì cử tri mong được xây dựng trường ngay tại mảnh đất đó.

“Mong muốn của cư tri là như thế nhưng cũng rất khó khăn. Các khu đất đấy bây giờ phải thành phố và Trung ương mới quyết định được. Phường và quận cũng chỉ biết báo cáo thế thôi. Về nhu cầu chợ thì không lớn bằng trường học. Vì trường Tiểu học và THCS không có. Không chỉ trước kia cử tri có nguyện vọng mà đến bây giờ người dân vẫn mong muốn như thế nhưng có được đâu”, bà Trần Thị Hà Giang chia sẻ.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quận Ba Đình cho biết, phường Liễu Giai cũng là phường đặc thù của quận lõi thuộc trung tâm Thủ đô. Về vấn đề trường học, để giải quyết những khó khăn trước thực tế trên, đối với trường học, quận Ba Đình cũng đã chỉ đạo việc điều tiết học sinh theo học trên các trường thuộc địa bàn phường giáp ranh một cách tốt nhất.

“Việc Liễu Giai không có trường Tiểu học và THCS thì năm nào cử tri cũng nói, quận cũng nói nhưng do đặc thù quỹ đất không có nên không thể nào giải toả nhà dân để làm trường được. Mặc dù nhiều lần quận cũng đề xuất với thành phố và các bác cũng chỉ đạo về xem những dự án nào quy hoạch treo, chỗ nào sử dụng sai mục đích thì thu hồi giao cho y tế, giáo dục. Tuy nhiên thực tế không dễ. Điển hình như trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc trước kia thuộc đất của Viện Toán, phải mất hơn 20 năm mới lấy được về cho quận. Chính vì Liễu Giai không có trường học nên hàng năm Phòng GD&ĐT đăng công khai kế hoạch tuyển sinh giữa các tổ của phường Liễu Giai với các phường giáp ranh có trường học”, ông Lê Đức Thuận nói.

Cũng theo ông Lê Đức Thuận, để giải quyết nhu cầu học hành của con em trên địa bàn phường Liễu Giai được đảm bảo và thuận tiện, quận căn cứ vào quy mô vị trí địa lý, TDP nào gần trường nào đi lại thuận lợi thì sẽ phân bổ theo tuyến đó tránh tình trạng chọn trường, dồn vào một trường, mất cân bằng.

Quang Trường
.
.
.