Giao đất làm dự án, dân mòn mỏi chờ tiền đền bù

Thứ Ba, 26/07/2022, 07:22

Để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án kịp tiến độ, hàng trăm hộ dân ở huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk đã giao hàng chục hécta đất cho chủ đầu tư triển khai, thi công. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, dự án cơ bản đã hoàn thành nhưng các hộ dân vẫn mòn mỏi chờ nhận… tiền đền bù.

Theo đó, năm 2005, dự án hồ thủy lợi Ia Mơr nằm trên địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, do Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư. Hồ Ia Mơr có sức chứa gần 180 triệu m3 nước, với mục tiêu cấp nước cho 10.000ha đất canh tác tại tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất canh tác tại tỉnh Đắk Lắk. Công trình phụ trợ có hệ thống kênh dẫn chính bao gồm các tuyến kênh chính Đông và kênh chính Tây. Kênh chính Đông có tổng chiều dài 35,6km nằm trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, còn kênh chính Tây dài 15,2km nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tổng kinh phí xây dựng cho 2 tuyến kênh trọng điểm này là 543 tỷ đồng, chia làm 4 gói thầu được triển khai từ cuối năm 2019.

Nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu tư triển khai, thi công xây dựng hệ thống kênh chính Đông đi qua trên địa bàn xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk kịp tiến độ, cuối năm 2019, 354 hộ dân ở huyện biên giới Ea Súp đã bàn giao hàng chục hécta đất cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, những hạng mục dự án cơ bản đã hoàn thành nhưng các hộ dân đã giao đất vẫn phải mòn mỏi chờ nhận tiền đền bù.

Giao đất làm dự án, dân mòn mỏi chờ tiền đền bù -0
Một đoạn kênh chính Đông được xây dựng trên địa bàn huyện Ea Súp, nơi có hàng trăm người dân giao đất cho dự án nhưng vẫn chưa nhận được tiền đền bù.

Trao đổi với phóng viên, anh Võ Thành Tiến (trú tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp) cho biết, thời gian qua anh đã liên tục gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng yêu cầu phải chi trả tiền hỗ trợ, đền bù đất cho gia đình anh.

“Từ năm 2020, khi bắt đầu triển khai dự án, chủ đầu tư đã vận động người dân chúng tôi bàn giao mặt bằng trước và được người dân đồng thuận cao. Dự án tuyến kênh đã thu hồi đất của hàng trăm hộ dân trên địa bàn. Trong đó, trung bình mỗi hộ dân bị thu hồi từ 500m2-1.000m2; số tiền đền bù dao động từ 50-100 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành, chủ đầu tư vẫn không đoái hoài đến việc chi trả tiền bồi thường cho người dân. Chúng tôi nhiều lần phản ánh thì chủ đầu tư hứa hẹn sẽ giải ngân, đền bù cho người dân trước tháng 12-2021. Nay đã quá nửa năm 2022, tiền đền bù vẫn chưa thấy đâu. Chúng tôi đa phần đều làm nông, cuộc sống khó khăn, nên rất cần tiền để xoay xở, trang trải cuộc sống”, anh Tiến bức xúc nói.

Tương tự, đầu năm 2020, gia đình ông Võ Văn Dân (trú cùng xã Ia Lốp) cũng bị thu hồi gần 1.000m2 đất và được phê duyệt đền bù số tiền hơn 86 triệu đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm mòn mỏi chờ đợi, đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được một đồng đền bù nào. “Khi mới triển khai dự án, chính quyền thuyết phục người dân giao đất chúng tôi đều đồng thuận. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân đều chưa ai nhận được một đồng đền bù nào. Chính quyền địa phương và chủ đầu tư phải có trách nhiệm với sinh kế của hàng trăm hộ dân sau khi đất canh tác đã bị thu hồi chứ?”, ông Dân nêu. Không chỉ gia đình anh Tiến, ông Dân mà theo tìm hiểu của phóng viên, đến thời điểm này, tổng số 354 hộ dân trên địa bàn huyện Ea Súp đã bàn giao đất cho dự án nhưng vẫn chưa ai nhận được tiền đền bù.

Ông Võ Thành Toàn, Trưởng phòng Đền bù giải phóng mặt bằng (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk) cho biết, hệ thống kênh chính Đông của thuỷ lợi Ia Mơr đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng chiều dài hơn 33km.  Do tính cấp bách và để dự án thi công kịp tiến độ, đơn vị đã thu hồi đất trước rồi bồi thường sau. Năm 2020, Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk đã lập phương án hỗ trợ bồi thường GPMB với kinh phí gần 20 tỷ đồng để trình UBND huyện Ea Súp thẩm định. “Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc trong việc áp khung chính sách, nguồn gốc đất, xác định tuổi cây trồng… nên phương án bồi thường trên vẫn chưa được thẩm định. Tiền chi trả bồi thường, GPMB cho các hộ dân ở huyện Ea Súp đã có sẵn nhưng phương án bồi thường chưa được UBND huyện Ea Súp thẩm định nên chúng tôi chưa giải ngân được”, ông Toàn nói.

Trong khi đó, lý giải việc chưa thẩm định phương án bồi thường dự án trên, ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho hay, diện tích đất thu hồi của người dân trong vùng dự án gặp vướng mắc trong việc quy hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt. Do đó, UBND huyện Ea Súp đã làm văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk để xin ý kiến xử lý.

Có thể nói việc triển khai dự án hồ thuỷ lợi Ia Mơr nói chung, kênh dẫn nước chính Đông nói riêng đã mang lại lợi ích cho hàng nghìn hộ dân sinh sống trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc triển khai dự án cần phải mang lại lợi ích hài hoà cho người dân, trong khi người dân đã đồng thuận trong việc giao đất làm dự án nhưng cơ quan chức năng lại chậm trễ trong việc đền bù đã khiến người dân hết sức bức xúc. Đã đến lúc chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý những vướng mắc nêu trên.

Văn Thành
.
.
.