Đề nghị cơ quan Công an điều tra vụ hơn 359 ha cao su “vô chủ” trong rừng phòng hộ
Chiều 19/7, thông tin tại họp báo định kỳ quý II/2024, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã trả lời các nội dung liên quan đến phản ánh hơn 359 ha cao su trồng trái phép ở rừng phòng hộ.
Theo ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh đã có văn bản số 1673/UBND-NL ngày 8/7 về việc tiếp tục kiểm tra, xác minh diện tích cao su “vô chủ” trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, huyện Chư Prông.
Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo Cơ quan CSĐT kiểm tra hồ sơ, tiếp tục điều tra, xác minh việc hàng trăm hecta cao su “vô chủ” vẫn khai thác mủ ở lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.
Sở NN&PTNT, UBND huyện Chư Prông chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý đất đai trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan CSĐT để điều tra, xác minh đối tượng đang khai thác diện tích cao su nói trên nhằm xác định rõ các sai phạm và xử lý theo quy định.
Cũng theo ông Hoan, chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai cũng đã nêu rõ, sau khi có kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai sẽ xử lý trách nhiệm của đơn vị, cá nhân vi phạm và đơn vị chủ rừng theo quy định.
Liên quan nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai thông tin thêm, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang điều tra vụ việc và chưa có kết quả. Do đó, khi nào có kết quả điều tra, UBND tỉnh sẽ thông tin cụ thể.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, thì tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm từ năm 2008-2019 của Ban Quản ý rừng phòng hộ Ia Puch là 1.228,63 ha. Trong tổng diện tích 1.228,63 ha đất rừng bị lấn chiếm có 359,86 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su.
Đối với diện tích rừng bị mất, lấn chiếm này, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã kết luận sai phạm và có văn bản chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai để giải quyết theo thẩm quyền. Sau đó, Công an tỉnh Gia Lai đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường và trưng cầu giám định trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Kết quả kiểm tra 3 vị trí đại diện (trong tổng diện tích 359,86 ha, thuộc 8 tiểu khu) của Sở NN&PTNT xác định có 1 vị trí trồng cây cao su, chiều cao trung bình khoảng 8m, đường kính trung bình thân cây tại vị trí cách gốc 1,3m khoảng 22cm, hiện có dấu vết của việc khai thác mủ cao su (trên cây có vết cạo và được trang bị các vật dụng phục vụ khai thác mủ như máng che, chén, kiềng, máng…) và 2 vị trí còn lại không trồng cây cao su (đang trồng cỏ).