Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ô nhiễm vì rác thải

Thứ Bảy, 11/12/2021, 06:31

Là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, tạo nguồn sinh kế cho hàng nghìn hộ dân ở các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, tuy nhiên hiện đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải. Đặc biệt sau mỗi trận lũ, rác thải, túi nilon từ sông Hương đổ về khiến nhiều khu vực trên đầm phá ô nhiễm nặng nề hơn.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích hơn 22.000ha trải dài 68km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và TP Huế (Thừa Thiên-Huế). Suốt nhiều năm qua, người dân ở các địa phương sống gần ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sử dụng những phương thức truyền thống để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Tôm, cá sau khi được người dân đánh bắt trên đầm phá được đưa vào bờ để bán, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, ổn định cuộc sống.

img_0254.jpg -0
Khu vực đầm phá Tam Giang, đoạn gần cửa biển Thuận An ô nhiễm do rác thải chất đống.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, sau mỗi đợt lũ lụt, nhất là các trận lũ xảy ra vào tháng 10 và 11/2021 khiến lượng lớn rác thải các loại, túi ni lon từ khắp nơi trôi theo dòng nước về đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Rác thải lâu ngày không được thu dọn gây ô nhiễm, bốc mùi hôi, khiến môi trường sống của tôm, cá và các loài thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Hải (phường Thuận An, TP Huế) cho biết, cửa Thuận An nằm giữa địa phận xã Hải Dương và phường Thuận An, TP Huế là nơi giao hòa giữa sông Hương với đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và biển. Đây là khu vực có lượng lớn rác thải từ sông Hương đổ về. Số rác này phần lớn trôi ra biển, phần còn lại tấp vào bờ, gây nên tình trạng ô nhiễm đầm phá.

Thời gian qua, khu vực bờ phá Tam Giang cạnh chợ Thuận An tồn tại một lượng rác thải, túi nilon dù khu chợ này có dịch vụ thu gom rác. Vào những ngày trời nắng, mùi hôi bốc lên từ các đống rác thải ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt nhiều hộ dân ở gần chợ. Cảng cá Thừa Thiên-Huế (phường Thuận An, TP Huế) cũng nhiều lần được người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm rác thải, túi nilon.

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Cảng cá Thừa Thiên-Huế cho biết, để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực cảng cá, đơn vị đã hợp đồng với Công ty TNHH Hằng Trung thu gom rác thải. Ngoài ra, mỗi ngày cảng đều bố trí 2 nhân viên túc trực để dọn dẹp vệ sinh nhưng cứ đến mùa mưa lũ, rác thải vẫn bị thủy triều đẩy tấp vào bờ, vào khu vực chân cầu cảng nên không thể tránh khỏi tình trạng ô nhiễm.

Tương tự, nhiều năm qua, đầm Chuồn thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích mặt nước rộng hàng trăm ha được hơn 300 hộ dân ở xã Phú An (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) tận dụng nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế.

Do lợi thế thiên nhiên ưu đãi, cảnh quan thoáng mát nên vào mùa hè, có rất đông du khách tìm về khu đầm này vui chơi, thưởng thức các món ăn hải sản do người dân địa phương chế biến. Hiện khu đầm này cũng đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ rác thải.

Ông Phan Minh Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An cho biết, để giảm thiểu lượng rác thải trên đầm Chuồn, ngoài thu gom rác vận chuyển đi, xã còn nhiều lần huy động lực lượng đoàn viên thanh niên, người dân ra quân dọn dẹp vệ sinh.

Thế nhưng theo ông Việt, địa phương vẫn chưa thể xử lý triệt để lượng rác thải trên đầm Chuồn. Nguyên nhân do vào mùa mưa lũ, rác từ nhiều nơi theo dòng nước trôi về lơ lửng trên đầm phá và một phần do người dân, du khách khi đến tham quan, vui chơi ở đầm phá chưa có ý thức bảo vệ môi trường, vứt rác bừa bãi.

Tìm hiểu được biết, nhiều năm qua, Công ty TNHH Hằng Trung là đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tại 20 xã, phường, thị trấn nằm ven phá Tam Giang thuộc TP Huế và huyện Phú Vang. Ông Nguyễn Trung, Giám đốc Công ty này cho hay, bình quân mỗi tháng, đơn vị thu gom khoảng 2.000 tấn rác tại các địa phương trên, trong đó 60% lượng rác hữu cơ, 20% rác thải nhựa.

Ông Trung khẳng định, lượng rác thải tập trung nhiều nhất ở khu vực bờ đầm phá đoạn qua chợ Thuận An, cảng cá Thừa Thiên-Huế và đập Hòa Duân nối phường Thuận An với xã Phú Thuận, huyện Phú Vang. Số rác thải này phần lớn từ khu vực sông Hương theo dòng nước bị thủy triều đẩy vào đầm phá và một phần nhỏ do người dân xả ra mỗi ngày.

Qua thống kê của cơ quan chức năng, ước tính mỗi ngày môi trường vùng ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai tiếp nhận trung bình khoảng 394.818 túi nilon, 112.805 chai nhựa, dẫn đến ô nhiễm rác thải nhựa.

Ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, với nỗ lực giảm thiểu lượng rác thải nhựa trên địa bàn, mới đây, vào giữa tháng 11/2021, TP Huế đã khởi động dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) - Na Uy tài trợ nhằm mục tiêu hỗ trợ TP Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước, ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa.

Thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương, TP Huế hướng đến mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024 nhằm góp phần giảm lượng rác thải nhựa trên các dòng sông và hệ đầm phá Tam Giang -  Cầu Hai.

Anh Khoa
.
.
.