Cưỡng chế công trình xây dựng trái phép ở Đắk Lắk cần phải thực hiện nghiêm minh

Thứ Ba, 13/12/2022, 12:52

Để chấn chỉnh lại nạn xây dựng các công trình trái phép tràn lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã mạnh tay lập lại kỷ cương rất được người dân đồng thuận. Tuy nhiên, sau những đợt ra quân cưỡng chế rầm rộ đã để lại nhiều câu hỏi lớn về đập công trình trái phép?.

Sai phạm cạnh nhau sao chỗ đập, chỗ tha?

Tháng 5/2022, UBND huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 64 căn nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp đã được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH cà phê Việt Thắng quản lý. Vào thời điểm đó, ông Võ Tấn Huy, Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin khẳng định: sẽ “ưu tiên” cưỡng chế nhà cán bộ, đảng viên vi phạm để làm gương.

Tuy nhiên, sau khi cuộc cưỡng chế hoàn thành, người dân đã có đơn gửi Huyện ủy và ngành chức năng của tỉnh để nêu thắc mắc: “Đập công trình trái phép, sao chỉ “chọn dân”?. Theo phản ánh của người dân, liền kề với khu vực 64 hộ dân đã phá bỏ nhà cửa thì hiện có 13 công trình khác, sát mép Quốc lộ 27 vẫn ung dung tồn tại.

Đập công trình xây dựng trái phép, sao chỉ “chọn dân”? -0
1 trong 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất của Công ty TNHH cà phê Việt Thắng sẽ bị cưỡng chế trong thời gian tới.

Trao đổi về vấn đề trên, sáng 13/12, ông Lê Thái Dũng, Bí thư Huyện ủy Cư Kuin, Đắk Lắk xác nhận: đang yêu cầu ngành chức năng xác minh đơn tố cáo xem có việc đập công trình trái phép trên đất nông nghiệp nhưng chỉ “chọn dân”?.

Theo phản ánh của bà N.T.L. (trú tại thôn 13, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, người có 1 trong 64 công trình đã bị tháo dỡ) cho biết, sai phạm thì phải xử lý như nhau, tại sao nhà bị đập, chỗ lại cho tồn tại. “Trong nhiều cuộc đối thoại, trả lời dân ông Chủ tịch UBND huyện Võ Tấn Huy cứ khất lần, khất lừa là “sẽ cưỡng chế trong thời gian tới”. Mới đây, dân nghe thông tin 13 căn nhà này sở dĩ không bị đập là vì của cán bộ, lãnh đạo và đang được huyện xin cho hợp thức hóa”, bà L. nghi ngờ nói.

Trao đổi thêm về việc này, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Việt Thắng cho biết, đơn vị đã nhiều lần đề nghị huyện Cư Kuin thực hiện việc cưỡng chế 13 căn nhà còn lại trên tuyến Quốc lộ 27 theo đúng quy định, đảm bảo công bằng nhưng chưa được phản hồi. “Những người này xây dựng nhà cửa trái phép vi phạm từ lâu, không có ai là cán bộ thuộc Công ty TNHH cà phê Việt Thắng cả. Ai trong số là người nhà của cán bộ huyện hay không thì tôi không biết, không dám khẳng định”, bà Hạnh thông tin.

Đập công trình xây dựng trái phép, sao chỉ “chọn dân”? -0
Chính quyền địa phương huyện Cư Kuin tiến hành cưỡng chế 26 căn nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Cũng theo bà Hạnh, cả 13 căn nhà đều được xây dựng khá kiên cố, giá trị lớn. Một số hộ lấn chiếm có hợp đồng nhận khoán với công ty, số còn lại là mua bán đất trái phép rồi làm nhà. “Khi người dân có đơn, chúng tôi tiếp tục đề nghị huyện làm nghiêm thì được trả lời rằng 13 căn nhà này nằm trong quy hoạch Khu đô thị Trung Hòa. Huyện sẽ thực hiện lộ trình thu hồi đất về địa phương, cho chỉnh trang, tồn tại”, bà Hạnh nói.

Sai phạm nhiều, xử lý ít

Trả lời thêm về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Cư Kuin cho hay, huyện cũng đã tiến hành rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm. “Hiện Thanh tra Chính phủ đang thanh tra các công ty thành viên của Tổng Công ty cà phê nên huyện chờ kết luận cuối cùng của cơ quan này để có hướng xử lý cụ thể (?)”, vị lãnh đạo nói thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn huyện Cư Kuin có khoảng 550 trường hợp xây nhà trái phép trên đất nông trường, đất nông nghiệp. Trong đó, riêng Công ty TNHH cà phê Việt Thắng đã có đến 362 trường hợp vi phạm trên diện tích đất hơn 2,2ha. Trong số này đã có 64 căn bị cưỡng chế, số còn lại hiện vẫn đang được tồn tại. “Vừa qua, UBND TP Buôn Ma Thuột đã có kế hoạch xử lý 84 căn ở buôn Cuôr Kắp, xã Hoà Thắng, TP Buôn Ma Thuột, là những căn xây dựng trái phép trên đất công ty thuộc địa bàn thành phố. Tuy nhiên, trước mắt UBND TP Buôn Ma Thuột sẽ tiến hành cưỡng chế 26/84 căn này”, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Việt Thắng thông tin.

Đập công trình xây dựng trái phép, sao chỉ “chọn dân”? -0
Căn biệt thự của ông Nguyễn Sỹ Kỷ vẫn tồn tại nhiều năm mặc dù được xây trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc địa phương “chọn” 26 căn trong buôn này để cưỡng chế trước cũng gây bức xúc cho rằng thiếu minh bạch, công bằng. Về vấn đề này, ông Lê Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, sở dĩ “chọn” 26 nhà này cưỡng chế trước là do đây là những hộ vi phạm phát sinh từ 2020 trở về đây, việc lập hồ sơ đã rõ ràng. Đối với các hộ vi phạm khác đã xảy ra từ lâu, cần tiếp tục rà soát, xem xét thời điểm, các quy định mới xử lý tiếp.

Nói thêm về điều này, ông Lê Thái Dũng khẳng định Ban thường vụ huyện không có chủ trương đập nhà trái phép là “chọn dân, chừa cán bộ”. Sau khi nhận đơn, huyện đã yêu cầu xác định danh tính các hộ dân vi phạm còn lại để có căn cứ trả lời, hiện vẫn chưa có kết luận. “Trong rất nhiều cuộc họp, tôi đã yêu cầu UBND huyện phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để cưỡng chế 13 căn nhà còn lại (như 64 hộ đã cưỡng chế ), không rõ vì sao UBND vẫn chưa đưa phương án sang Huyện ủy. Việc chậm trễ, xử lý sai phạm không thống nhất đúng là khiến người dân nghi ngờ”, ông Dũng nói.

Đập công trình xây dựng trái phép, sao chỉ “chọn dân”? -0
Dự án "sân gold mini" của ông Diễn mặc dù nhiều hạng mục xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng đang được chính quyền địa phương “nghiên cứu” cho tồn tại sau nhiều năm… cương quyết không hợp thức hóa. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân cưỡng chế, đập bỏ nhà xây dựng trái phép để lập lại kỷ cương. Tuy nhiên, trong khi nhà dân thị bị tháo dỡ, phá bỏ thì căn biệt thự của gia đình ông Nguyễn Sĩ Kỷ (nguyên Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) cũng xây dựng trên đất nông nghiệp lại vẫn tồn tại nhiều năm nay.

Cũng tại TP Buôn Ma Thuột, chủ “dự án sân golf mini” đầy tai tiếng ở buôn Kom Leo, xã Hoà Thắng của ông Phan Ngọc Diễn (Giám đốc một ngân hàng tại Đắk Lắk, Báo CAND đã nhiều lần phản ánh) lại được TP Buôn Ma Thuột đang “nghiên cứu” cho tồn tại sau nhiều năm… cương quyết không hợp thức hóa.

Đối diện với khu vực 64 hộ dân bị đập nhà ở huyện Cư Kuin, nhà xe Tiến Oanh của Công ty TNHH du lịch vận tải Tiến Oanh xây trên đất nông nghiệp với tổng diện tích đất vi phạm là 2.657m2. Công trình này bị huyện nhiều lần ra “tối hậu thư” buộc khắc phục hiện trạng nhưng mới đây lại được chính quyền địa phương “nghiên cứu cho doanh nghiệp được hợp thức hóa”.

Trong kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ khẳng định, việc để người dân lấn chiếm, xây nhà trái phép tại các nông lâm trường ở Đắk Lắk diễn ra rất phức tạp, trên diện rộng để lại nhiều hệ lụy. Việc lấn chiếm, xây nhà trái phép này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý dứt điểm theo quy định hiện hành, tiềm ẩn phát sinh các “điểm nóng” về khiếu kiện đông người. Đặc biệt là tại 7 đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam trên địa bàn huyện Cư Kuin, nạn tranh chấp, lấn chiếm đất đai vô cùng nghiêm trọng.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, UBND TP Buôn Ma Thuột còn tạo điều kiện cho các hộ dân hiến đất mở đường nội bộ trong phần đất đang quản lý, sau đó tách thửa xin chuyển mục đích sang đất ở rồi chuyển nhượng thu lợi trái phép.

 

Văn Thành
.
.
.