Cửa khẩu quốc tế La Lay bị bụi “nhấn chìm”

Thứ Năm, 20/04/2023, 08:54

Sau 7 năm xây dựng hạ tầng khu cửa khẩu quốc tế La Lay (xã A Ngo và A Bung, huyện Đakrông, Quảng Trị), đến nay mới chỉ có công trình khu nhà kiểm soát liên hợp (KSLH) hoàn thành đưa vào sử dụng; các hạng mục còn lại vẫn đang trong tình trạng bằng… đất. Trong khi đó, lưu lượng xe cộ, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) rất lớn, đã khiến toàn bộ khu vực cửa khẩu này bị phủ kín bởi… bụi.

Cửa khẩu La Lay đang quá tải với mặt hàng than đá nhập khẩu mỗi ngày. Cùng với bụi đất từ hạ tầng thô sơ, nguồn bụi than từ bãi tập kết trên đất Lào giáp cửa khẩu, trên hàng trăm xe ôtô vận chuyển mặt hàng này qua đây mỗi ngày và trong quá trình sang hạ tải để tiếp tục vào nội địa, đã phủ đen, dày từng lớp khắp khu cửa khẩu.

“Chúng tôi luôn trong tình trạng bị bụi than bao vây. Ngay cả khi vào các phòng ốc của khu nhà KSLH với hệ thống cửa đóng kín cũng giẫm lên hàng lớp bụi than”, các cán bộ hải quan, biên phòng làm nhiệm vụ ở đây chia sẻ.

Cửa khẩu quốc tế La Lay bị bụi “nhấn chìm” -0
Từ đầu năm đến nay, mỗi ngày có từ 350 – 420 xe ôtô tải vận chuyển than nhập khẩu qua cửa khẩu La Lay với hạ tầng chủ yếu bằng đất.

PV Báo CAND sau 2 giờ tác nghiệp, từ quần áo màu xanh lam đã nhanh chóng bị biến thành màu đen kịt. Ông Hoàng Bá Linh, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu La Lay cho hay, trước đây mặt hàng nhập khẩu qua La Lay chủ yếu gỗ, còn bây giờ là than đá, với khối lượng rất lớn mỗi ngày. Do hạ tầng khu cửa khẩu không đảm bảo nên cán bộ làm nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều áp lực từ việc phân luồng, hướng dẫn đậu đỗ xe; tập kết, sang hạ tải hàng hóa và kiểm tra, soát hàng hóa.

“Hiện nay, chỉ có khu nhà KSLH mới được xây xong, đưa vào sử dụng tháng 10/2022. Tất cả hạng mục còn lại như đường giao thông, nhà ga kiểm soát hàng hóa XNK, các bãi đậu đỗ xe chờ XNK hàng và bãi sang hạ tải hàng nhập khẩu, đều mới chỉ hình thành bằng nền đất. Do đó, anh em làm việc ngoài trời rất vất vả, luôn bị bụi bặm phủ kín người”, ông Linh nói.

Ngoài ra, dọc hai bên Quốc lộ 15D từ ngã ba A Bung lên cửa khẩu La Lay đều có nhiều điểm sang hạ tải, tập kết than trái phép. Ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, kể từ sau khi Báo CAND có bài “Báo động ô nhiễm từ việc tập kết than trái phép” phản ánh tình trạng kể trên và sự vào cuộc tích cực của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, các đối tượng, chủ doanh nghiệp (DN) lén lút làm việc trái phép tắc này đã bị ngăn chặn và xử lý. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 ngày, tình trạng này lại nổi lên trở lại. Bên cạnh người dân bán đất, cho thuê đất để DN san gạt làm mặt bằng tập kết than, gây sạt lở, lấp sông suối, đặc biệt có bãi tập kết than trái phép hơn 3ha đất của DN tư nhân ở ngoài Bắc vào làm, nằm ngay bên lưng Đồn Biên phòng cửa khẩu La Lay.

“Tại đây rất sát quốc lộ 15D, khu dân cư và sông suối xung quanh, nên hoạt động tập kết, vận chuyển than hàng ngày sẽ gây ô nhiêm môi trường rất nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và báo cáo UBND tỉnh nhằm có hướng tạo thuận lợi cho DN, song phải tuyệt đối đúng với pháp luật và không gây ảnh hưởng đời sống nhân dân, đặc biệt là môi trường”, ông Lợi nói.

Trở lại vấn đề ô nhiễm khu cửa khẩu La Lay, ông Trương Khắc Nghi, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị đang cố gắng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo nhu cầu XNK, xuất nhập cảnh qua cửa khẩu này. “Cùng với khu nhà KSLH, việc xây dựng cơ sở hạ tầng khu cửa khẩu La Lay hoàn thiện và đầy đủ, không chỉ đáp ứng tốt các nhu cầu kể trên, mà còn góp phần đáng kể vào hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Nghi nói.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của PV Báo CAND, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Quảng Trị mới chỉ huy động được 215 tỉ đồng để xây dựng hạ tầng ở đây. Với số tiền được bố trí nhỏ lẻ qua hàng năm (trung bình mỗi năm 23 tỉ đồng và đến năm 2024), việc xây dựng này cũng như “muối bỏ biển”(!). Đến thời điểm hiện tại, Công ty xây dựng 384 (Quảng Trị) – đơn vị đảm trách thi công dự án này cũng mới chỉ cơ bản hoàn thiện mặt bằng, hình thành nên các lối đi, bãi đậu đỗ xe, tập kết hàng hóa XNK để kiểm tra, kiểm soát và hạ tải… đều bằng đất, đá với chỗ cao, chỗ thấp rất khó khăn cho việc đi lại. 

Thanh Bình
.
.
.