Cảnh giác với thủ đoạn lừa “đặt đơn hàng, kiếm tiền online”

Thứ Bảy, 15/04/2023, 07:07

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn “làm nhiệm vụ đặt đơn hàng", "kiếm tiền online”, với số lượng tiền bị chiếm đoạt lớn. Mặc dù, cơ quan Công an thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người dân thiếu cảnh giác nên đã bị các đối tượng dễ dàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% đến 20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên bị hại sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin. Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến bị hại trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online...

8-2.jpg -0
Hình ảnh quảng cáo thường thấy trên các trang mạng để lừa người cả tin.

Theo trình báo của ông H.Đ.Ch (ngụ TP Tân Uyên, Bình Dương), ông được một tài khoản Telegram tên TVV T.L giới thiệu tham gia công tác mua hàng hộ trên internet. Nhiệm vụ của ông Ch. đơn giản chỉ là giả đò đặt mua hàng trên shop điện tử như người bình thường (mục đích là để tăng lượng tương tác), sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được shop hoàn trả lại tiền cùng 20% tiền thưởng.

Mở đầu cuộc chơi, ông Ch. được giao nhiệm vụ mua 1 nồi cơm điện với giá 450.000 đồng và chỉ 10 phút sau tài khoản của ông Ch. có ngay 540.000 đồng. Phía chủ shop thông báo ông Ch. đã trở thành cộng tác viên chính thức và mức hoa hồng sẽ được nâng lên 25%. Thấy lần đầu quá dễ ăn nên ông Ch. không nghĩ ngợi gì mà tiếp tục mua đơn hàng giá cao hơn đến khi gộp cả vốn lẫn hoa hồng được 61 triệu đồng thì không rút tiền về được. Tuy nhiên, “chủ shop” bảo tài khoản ông Ch. đã bị “đóng băng”, phải đóng phí “mở băng” là gần 52 triệu đồng, nếu không sẽ bị mất hết. Tiếc tiền, ông Ch. Làm theo nhưng tài khoản vẫn bị đóng băng và chúng cứ thế dẫn dụ ông Ch. Để chiếm đoạt gần 1,3 tỷ đồng… và cuối cùng “tiền mất tật mang”.

Ông T.V.U, ngụ TP Dĩ An, Bình Dương được một đối tượng quen trên mạng hướng dẫn tải app “VFS” rồi tham gia bình chọn bán hàng để được thưởng hoa hồng. Lần đầu ông U. nạp 500.000 đồng để tham gia bình chọn, chỉ cần vài thao tác có ngay 50.000 đồng hoa hồng. Nổi lòng tham, lần kế tiếp, ông nạp 5 triệu đồng thì App thông báo ông vi phạm luật chơi. Nếu muốn lấy lại 5 triệu đồng thì phải nộp vào 25 triệu đồng. Sau đó số tiền cần phải nộp vào để rút số tiền trước ra lần lượt là 65 triệu, 120 triệu, 150 triệu… Đến khi đã nộp vào 525 triệu đồng ông U. mới biết mình đã bị lừa…

Để ngăn chặn các vụ lừa đảo với thủ đoạn nêu trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao Công an tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân: Cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường. Không tham gia mọi hình thức làm nhiệm vụ đặt đơn hàng để kiếm lợi nhuận. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền. Không cung cấp tên đăng nhập mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng xã hội. Khi gặp các trường hợp, đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân trình báo ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để hướng dẫn, xử lý kịp thời. Tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Phương Tuyền
.
.
.