Cảnh báo liên tục, du khách vẫn sập bẫy đặt phòng nghỉ ở Đà Lạt
Kẻ gian thường sử dụng hình ảnh, video những khách sạn có uy tín rồi đăng lên các hội nhóm trên mạng xã hội, phổ biến nhất là Facebook.
Tưởng các hội nhóm trên là trang "chính chủ" của khách sạn quản lý, nhiều người trước khi tới TP Đà Lạt du lịch đã liên hệ theo số điện thoại trên các trang lừa đảo này để đặt phòng nghỉ, chỗ ăn uống. Khi hai bên đã thống nhất, thông thường du khách phải chuyển 50% tổng số tiền để đặt cọc vào tài khoản mà kẻ lừa đảo cung cấp.
Chị Nguyễn Ngọc Minh (ngụ tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, tháng 8 vừa qua, do có nhu cầu đưa gia đình đi Đà Lạt du lịch, chị đã lên mạng xã hội để tìm hiểu về các địa điểm tham quan, dịch vụ ăn uống, lưu trú. Thấy một Fanpage chạy quảng cáo cho thuê phòng nghỉ tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt với giá ưu đãi, chị Minh đã đặt hai phòng nghỉ, ở hai ngày với giá 700.000 đồng/ngày/phòng, có ăn sáng.
Đối tượng cung cấp số tài khoản ngân hàng đề nghị chị Minh chuyển 1,4 triệu đồng tiền đặt cọc, số tiền còn lại sẽ thanh toán khi khách sử dụng xong dịch vụ. Tới ngày đã hẹn, gia đình chị Minh di chuyển đến khách sạn để nhận phòng mới biết bị lừa. Mọi liên lạc cũng bị chặn.
Anh Nguyễn Văn Chung, chủ một khách sạn ở khu Hòa Bình, TP Đà Lạt cho biết, khi tới nhận phòng, có khách còn cãi cự với nhân viên khách sạn rằng mình đã liên hệ đặt phòng từ trước và đã chuyển tiền đặt cọc. Khi khách cung cấp trang mạng đã liên hệ thì mới hay đây là trang giả mạo!
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hầu hết các khách sạn đạt chuẩn 4-5 sao, có uy tín tại TP Đà Lạt đều bị các đối tượng mạo danh, lập hàng loạt trang Facebook giả mạo, copy và đăng tải lại một phần thông tin của các khách sạn, tạo hình ảnh và đặt tên giống như Facebook của khách sạn. Kẻ lừa đảo còn chạy quảng cáo các chương trình nghỉ dưỡng đặt phòng giá "hời", chỉ bằng nửa tiền so với giá công bố của khách sạn.
"Có những trường hợp, khi phát hiện bị lừa mất tiền, khách hàng đã trực tiếp hoặc gián tiếp yêu cầu chủ khách sạn bị giả mạo phải cung cấp dịch vụ hoặc hoàn trả số tiền mà họ đã thanh toán cho các trang giả mạo. Điều này gây rất nhiều phiền toái và uy tín của khách sạn chúng tôi!...", anh Chung cho biết.
Khách sạn MerPerle Dalat, phường 10, TP Đà Lạt dù mới đi vào hoạt động nhưng cũng đã bị giả mạo. Ngày 27/7/2024, đơn vị đã ra thông báo đầu tiên để cảnh báo đến khách hàng trên các phương tiện truyền thông như website, Facebook, gửi công văn tới các công ty đối tác lữ hành... Theo đại diện của khách sạn này, thông tin giao dịch và thanh toán phải được thực hiện qua tư vấn viên trên hệ thống tổng đài ZALO OA để tránh giả mạo. "Tuy nhiên đến nay, vẫn có nhiều khách hàng sập bẫy lừa đảo, mất tiền bởi hình thức này!...", đại diện khách sạn MerPerle Dalat cho biết.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện trang giả mạo giải chạy "ĐÀ LẠT MUSIC NIGHT RUN". Đối tượng lừa đảo đã sử dụng thông tin và hình ảnh của giải chạy bộ âm nhạc Dalat Music Night Run 2024 được tổ chức vào tháng 6/2024 tại TP Đà Lạt, gắn thông tin sai lệch, quảng bá sẽ tiếp tục tổ chức giải chạy mới từ ngày 16 đến 17/11/2024 rồi kêu gọi mọi người tham gia, chuyển tiền vào tài khoản để đăng ký.
Theo ông Vương Tôn Kiên, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng, kẻ lừa đảo còn tạo ra các mã QR độc hại nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, mạo danh cán bộ Công an tỉnh, Sở TT&TT gọi điện thoại yêu cầu cung cấp thông tin; giả mạo văn bản của Sở Y tế đi kiểm tra quán ăn...
Trước tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội gia tăng, Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Trung tâm Xử lý tin giả và thông tin xấu độc, đồng thời thiết lập kênh tương tác qua Zalo "Chống tin giả Lâm Đồng" và số điện thoại đường dây nóng 0912010801 tiếp nhận trình báo tin giả, tin sai sự thật để cơ quan chức năng xử lý.