Cần xử lý dứt điểm hoạt động chữa bỏng trái phép của “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn
Báo CAND số ra ngày 22/8/2023 đã có bài viết “Sởn da gà với “thầy lang” chữa bỏng trái phép” phản ánh trường hợp “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn, trú tại thôn 5, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội nhận điều trị bệnh nhân bỏng trái phép tại nhà.
Hoạt động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người bệnh, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cần phải được các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.
Chây ì với vi phạm
Như Báo CAND đã phản ánh, ngày 27/7/2023, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra đột xuất cơ sở chữa bỏng trái phép của “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn (thôn 5, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) phát hiện 5 bệnh nhân lưu trú và được “thầy lang” Sơn trực tiếp thay băng, chữa trị bỏng, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo.
Ông Sơn xuất trình chứng chỉ hành nghề y học cổ truyền được Sở Y tế cấp tháng 8/2020 nhưng không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Sơn từ ngày 27/7 và bàn giao lại cho chính quyền xã Kim Lan giám sát, quản lý.
Tuy nhiên, 22 ngày sau đó, (ngày 18/8), khi chúng tôi đến nhà “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn, mặc dù không treo biển quảng cáo nhưng cơ sở này vẫn ngang nhiên tiếp nhận và điều trị cho các bệnh nhân bị bỏng ngay tại phòng khách ồn ào và mất vệ sinh. Thậm chí, để “qua mặt” lực lượng chức năng, “thầy lang” còn hướng dẫn bệnh nhân thuê nhà trọ bên cạnh để chữa bỏng.
Địa điểm chữa bỏng trái phép của “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn cách UBND xã Kim Lan không xa, chính quyền xã báo cáo nhiều lần kiểm tra “không phát hiện thấy bệnh nhân chữa bỏng”. Nhiều người đặt câu hỏi, việc chữa bỏng trái phép bất chấp cả quyết định đình chỉ hoạt động này tại sao chính quyền xã lại không phát hiện được?
Trao đổi về vấn đề này, bà Bùi Thu Hường, Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm cho biết: Đây là thực trạng tồn tại từ năm 2017. Vào tháng 6/2017, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm phối hợp với Tổ Y tế xã hội xã Kim Lan tổ chức kiểm tra cơ sở chữa bỏng không phép của ông Nguyễn Văn Chung (bố của ông Sơn), ở thôn 5, xã Kim Lan. Tại thời điểm kiểm tra, Tổ Y tế xã hội phát hiện có 2 bệnh nhân là Phạm Ngọc Tuấn Minh (3 tuổi, Lâm Đồng) và Phạm Thương (28 tuổi, Quảng Bình) đang được ông Chung chữa bỏng. Ông Chung xuất trình chứng chỉ y học cổ truyền Tuệ Tĩnh Hà Nội của Nguyễn Hùng Sơn (con trai ông Chung) cấp ngày 10/10/2012, ngoài ra không cung cấp giấy tờ nào được phép chữa bỏng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu ngừng ngay các hoạt động chữa bỏng không phép, ký biên bản cam kết và vận động gia đình bệnh nhân đến các cơ sở được phép chữa bệnh, hướng dẫn gia đình ông Chung thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề gia truyền chữa bỏng theo quy định.
“Một thời gian cơ sở chấp hành không khám chữa bệnh. Nhưng thời gian gần đây, cơ sở lại tiếp tục hoạt động, tái phạm”, bà Hường cho biết. Theo báo cáo của UBND xã Kim Lan, gần như năm nào xã cũng đi kiểm tra, nhưng đều không phát hiện thấy có bệnh nhân chữa bỏng. Vào năm 2019, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm tổ chức kiểm tra, xác minh theo chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội về trường hợp bệnh nhi Chu Ngọc Linh (8 tháng tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) đến chữa bỏng tại nhà ông Chung 4 ngày trước khi chuyển đến Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Tại thời điểm kiểm tra cũng không phát hiện có bệnh nhân chữa bỏng, cơ sở không cung cấp giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan được phép chữa bỏng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, ký cam kết yêu cầu cơ sở ngừng ngay các hoạt động chữa bỏng không phép.
Chính quyền địa phương không phát hiện ra việc chữa bỏng trái phép tại đây, nhưng vào ngày 27/7 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đột xuất kiểm tra lại phát hiện ông Sơn đang chữa bỏng cho 5 bệnh nhân tại nhà. “Thanh tra Sở Y tế giao cho UBND xã Kim Lan kiểm tra, giám sát việc đình chỉ hoạt động. Chúng tôi rất sát sao, tham mưu cho UBND huyện có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện, trong đó giao cho xã Kim Lan kiểm tra giám sát và chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý hành nghề y dược tư nhân”, bà Hường khẳng định.
Theo Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm, đơn vị vừa nhận được báo cáo của UBND xã Kim Lan cho biết, từ ngày 28/8, cơ sở chữa bỏng này đã dừng hoạt động, cam kết không tái phạm và vận động bệnh nhân chuyển đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để chữa trị theo quy định. “Tại thời điểm kiểm tra, còn 1 bệnh nhân bỏng đang điều trị, ông Sơn cam kết cho họ ở lại đến ngày 29/8 người nhà đến đón về”, bà Hường nói.
Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, sau khi có quyết định đình chỉ hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép của ông Nguyễn Hùng Sơn, Thanh tra Sở đã 2 lần có giấy mời ông Sơn lên làm việc để hoàn thiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, nhưng đến nay ông này vẫn “chây ì” không lên làm việc. “Tới đây (lần thứ 3) ông Sơn vẫn tiếp tục không chấp hành, chúng tôi đề xuất chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để ông Sơn lên làm việc”, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương
Trước hoạt động điều trị bỏng trái phép tại nhà của “thầy lang” Nguyễn Hùng Sơn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, phóng viên Báo CAND đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Kim Lan. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã cho biết chưa thể sắp xếp cuộc làm việc với phóng viên Báo CAND vì các lãnh đạo xã đều bận nhiều công việc. Sau khi trì hoãn cuộc làm việc vì bận, Chủ tịch UBND xã Kim Lan hứa hẹn sẽ sắp xếp 1 buổi để cung cấp thông tin cho chúng tôi nhưng đến nay mọi thông tin từ UBND xã Kim Lan vẫn “bặt vô âm tín”.
Nếu chính quyền địa phương không kiên quyết, không có biện pháp xử lý dứt điểm thì e rằng, cơ sở chữa bỏng trái phép này sẽ lại tái phạm. “Mặc dù cơ sở dừng hoạt động, tuy nhiên, để đảm bảo công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân, tránh việc cơ sở lén lút hoạt động, UBND huyện Gia Lâm đã có văn bản và tới đây còn tiếp tục có văn bản chỉ đạo việc này. Huyện giao cho UBND xã thường xuyên giám sát; đề nghị Công an huyện giao cho Công an xã kiểm tra người tạm trú trên địa bàn. Phòng Y tế tham mưu cho UBND huyện hạ thi đua người đứng đầu là chủ tịch xã với trách nhiệm để cơ sở hành nghề trái phép xảy ra trên địa bàn. Tháng 7 và tháng 8 vừa qua, chúng tôi đã đề xuất hạ thi đua. Theo quy định, 2 tháng không hoàn thành nhiệm vụ thì cả năm không hoàn thành nhiệm vụ”, bà Bùi Thu Hường, Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm cho biết.
Thời gian vừa qua, một số bệnh nhân chữa bỏng tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác bị “dụ dỗ” bỏ bệnh viện về chữa bỏng chui tại cơ sở của một số thầy lang, hoặc có bệnh nhân bị bỏng nhưng không đến bệnh viện, mà tìm thầy lang để đắp lá, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo các bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác, khi điều trị thuốc nam, thầy lang bôi đắp thuốc lên toàn bộ vết thương và da lành, bóc bỏ toàn bộ vỏ phỏng, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn. Ở các cơ sở tư nhân, nhất là cơ sở không phép, nếu tập trung đông bệnh nhân ở mức độ vết thương rộng, rất dễ xuất hiện vi khuẩn đa kháng. Khi bệnh nhân mắc phải vi khuẩn đa kháng thì không thể nào kiểm soát, nó sẽ bùng phát, gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng.