Cần thận trọng khi điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Chủ Nhật, 07/07/2024, 07:19

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đang tính hai yếu tố gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, nhiều bệnh viện kêu với mức tính này bệnh viện không có kinh phí tái đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị mới, ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế đang xây dựng phương án điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mới, nhằm bảo đảm hài hoà lợi ích các bên và để triển khai áp dụng thì cần có lộ trình hợp lý.

Theo Bộ Y tế, hiện Bộ đã ban hành danh mục 18.244 kỹ thuật với trên 1.300 hướng dẫn chẩn đoán điều trị và trên 7.500 quy trình kỹ thuật, đồng thời ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá các dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã phát sinh những bất cập cần khắc phục, nên Bộ Y tế đã cập nhật quy trình kỹ thuật, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho phù hợp, phục vụ cho tính giá viện phí đúng và đủ.

Chi phí được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh bao gồm 7 yếu tố: Chi tiền lương, phụ cấp; thuốc, hoá chất, sinh phẩm, vật tư y tế; điện, nước, xử lý chất thải; bảo trì duy tu cơ sở hạ tầng; chi khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; sửa chữa lớn tài sản cố định; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học và chi phí quản lý. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các bệnh viện mới tính 2/7 cấu phần, các chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sửa chữa lớn, khấu hao tài sản cố định, bảo trì duy tu tài sản và chi phí đào tạo nghiên cứu khoa học, chi phí quản lý chưa được tính trong giá dịch vụ kỹ thuật khám, chữa bệnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết các dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai đang thu theo mức của BHYT xây dựng cách đây gần 20 năm nên đã lỗi thời. Ví dụ, với dịch vụ siêu âm hiện nay tại bệnh viện có giá 49.500 đồng, nhưng các cơ sở khác xây dựng cơ cấu giá tính đủ các yếu tố họ thu từ 200.000-300.000 đồng… Để các bệnh viện công lập duy trì và phát triển chuyên môn phục vụ người bệnh được tốt, vấn đề tất yếu phải tính đúng, tính đủ giá viện phí, từ đó các bệnh viện mới có điều kiện phát triển phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người bệnh và ngày càng giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước; đồng thời, từng bước tự chủ về tài chính, phát triển chuyên môn kỹ thuật, nhất là các kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế phải xây dựng lại hơn 9.000 kỹ thuật, trong đó Bệnh viện Bạch Mai được giao nhiệm vụ xây dựng hơn 5.000 kỹ thuật thuộc 14 chuyên khoa đầu ngành. “Thí dụ, chúng tôi phải tính toán một ca phẫu thuật ruột thừa cần bao nhiêu nhân lực: Bác sĩ mổ chính, bác sĩ phụ, bác sĩ gây mê, phẫu thuật trong thời gian bao lâu, sử dụng thuốc, vật tư dùng trong cuộc mổ, sử dụng máy nội soi loại gì… để ra được định mức kinh tế kỹ thuật. Từ định mức kinh tế kỹ thuật đó, chúng tôi mới tính ra giá của kỹ thuật là bao nhiêu”, PGS Cơ nói. Giá này là cơ sở để Bộ Y tế tham chiếu, làm cơ sở tính đúng, tính đủ giá viện phí.

7-3.jpg -0
Người dân xếp hàng làm thủ tục khám, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 quy định giá thành toàn bộ của dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm các chi phí: Chi phí nhân công, chi phí trực, chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí quản lý. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã đưa ra lộ trình đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Có nhiều ý kiến của lãnh đạo bệnh viện cho rằng, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện mới tính 2 yếu tố, chưa tính yếu tố chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Hai yếu tố này là các khoản chi thường xuyên để duy trì các hoạt động bình thường của bệnh viện. Vì chưa tính đúng, tính đủ nên dẫn đến nhiều cơ sở y tế không có nguồn quỹ phát triển sự nghiệp để tái đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, phát triển kỹ thuật. Về lâu dài, nếu trang thiết bị và cơ sở vật chất của bệnh viện xuống cấp, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện có đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh. Khi đó, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ đa dạng, có chất lượng cao ngay tại địa phương. Điều này sẽ góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Theo lộ trình, đến 31/12/2023, Bộ Y tế phải hoàn thiện xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật này. Vậy, tiến độ đến thời điểm này ra sao và khi nào triển khai tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh? Theo TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, Bộ Y tế đang triển khai quyết liệt. Hiện nay, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT vẫn tính 2/4 yếu tố. Bộ Y tế phải xây dựng lại 9.223 định mức kinh tế kỹ thuật.

Để làm được điều này, Bộ giao 16 bệnh viện tham gia vào xây dựng và thành lập 38 hội đồng thẩm định để từng bước xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, từ đó làm căn cứ chuyển Vụ Kế hoạch – Tài chính xây dựng giá cụ thể. Đến nay đã xây dựng hoàn thành 8.000 quy trình kỹ thuật và hoàn thành 50% định mức kỹ thuật. “Đây là tiến trình song song với Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2024, từng bước tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”, TS Khoa khẳng định.

Theo TS Khoa, tới đây Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ còn phụ thuộc vào lộ trình của Chính phủ và khả năng ngân sách của nhà nước. Theo các chuyên gia, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thận trọng, có lộ trình, phải đánh giá chỉ số CPI để vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cũng cần căn cứ vào khả năng chi trả của người dân và khả năng cân đối của quỹ BHYT.

Theo Bộ Y tế, tới đây Bộ sẽ họp với các bộ, ngành đánh giá tác động CPI, khả năng cân đối quỹ BHYT làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá để quyết định thời điểm cụ thể tính 2 yếu tố gồm chi phí quản lý, chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Dự kiến, năm 2024 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý. Từ năm 2025 sẽ nghiên cứu để từng bước tính chi phí khấu hao vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Trần Hằng
.
.
.