Cần sớm sửa chữa những cây cầu đang chờ… sập

Chủ Nhật, 19/12/2021, 09:30

Trên địa bàn vùng thấp trũng huyện Hải Lăng (Quảng Trị) hiện có nhiều cây cầu đã qua nhiều năm sử dụng đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng, khiến việc đi lại không an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn, cần sớm được khắc phục sửa chữa kịp thời.

Cầu Bến Làng bắc qua sông Nhùng, thuộc xã Hải Quy (Hải Lăng) được cắm biển hạn chế tải trọng ôtô tải 2,5 tấn ở hai đầu cầu. Nhưng người đi xe đạp, xe máy qua cầu này đều lo sợ, vì mặt cầu bằng bê tông cốt sắt rạn nứt nhiều chỗ, sắt lộ ra lâu ngày bị gỉ rét; nhiều đoạn lan can hai bên cầu bằng bê tông đã bị mục, đứt rơi xuống sông. Đặc biệt dầm cầu bằng sắt đã bị gỉ rét lâu năm trở nên rung lắc mạnh và có dấu hiệu quằn xuống mặt sông mỗi khi có phương tiện tải trọng nặng tầm chỉ 1 – 2 tấn đi qua.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Quy cho hay, cầu Bến Làng nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch giữa Hải Quy và các địa phương lân cận nên người và phương tiện lưu thông qua đây rất lớn. Mặc dù, trước tình hình này xã đã cắm biển báo, song nếu không qua cây cầu này thì phải đi đường vòng rất xa nên hầu hết mọi người đành phải “nhắm mắt đi liều”. Nguy hiểm nhất là vào ban đêm vùng nông thôn không có đèn đường và mùa mưa, bão mỗi khi mực nước sông dâng cao xấp xỉ dầm cầu, nếu không may xảy tai nạn cầu sập thì rất khó bề cứu nạn, cứu hộ. Người dân và UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên với mong muốn được xây dựng cầu mới thay thế, hoặc hỗ trợ kinh phí khắc phục, sửa chữa tạm thời cầu này để đi lại nhưng đến nay do khó khăn về nguồn vốn, tỉnh, huyện chưa thể giải quyết được kịp thời. 

Cần sớm sửa chữa những cây cầu đang chờ… sập -0
Cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Giang sau gần 40 năm sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nặng.

Còn tại xã Hải Phú, huyện Hải Lăng đã đầu tư kinh phí xây mới cầu An Lạc thay cho cầu cũ vừa hẹp vừa xuống cấp, hư hỏng nặng với việc đi lại rất nguy hiểm. Tuy nhiên, cầu mới được hoàn thành đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì đã bị đổ sập ngay sau trận lũ dữ năm 2020, khiến người dân nơi đây phải quay lại đi cây cầu cũ.

Tương tự, cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Giang, nằm trên tuyến đường huyết mạch nối nhiều xã vùng Đông của Hải Lăng như Hải Tân, Hải Phong lên Hải Sơn, ra QL1, có lưu lượng người, giao thông qua đây rất lớn mỗi ngày. Trong khi cây cầu này được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, dài 60m với chỉ 3 nhịp, 2 trụ chữ Y, mặt cầu bằng bê tông trên hệ dầm cầu bằng thép được kết cấu khá đơn giản. Qua thời gian dài sử dụng, cầu đã bị xuống cấp, hư hỏng; mặt cầu bong bật, hệ thống lan can bằng sắt 2 bên cầu đã bị gỉ sét ăn mòn gần hết, một số đoạn vì thế đã bị nghiêng ngã và rơi rụng xuống sông. Ngoài ra, cầu rộng chỉ khoảng hơn 3,2m, hẹp hơn nhiều so với tuyến đường qua đây nên mỗi khi ôtô qua cầu là người đi xe máy, xe đạp, đi bộ phải dừng lại ở hai đầu cầu để chờ.

Ông Võ Duy Lợi (67 tuổi, xã Hải Tân) cho biết, cầu Câu Nhi bắc qua sông Ô Giang đã trải qua nhiều lần xây mới, đầu tiên là cầu bê tông thời Pháp hiện vẫn còn mố cầu cũ, sau đó là cầu được làm bằng trụ cọc gỗ dầu, mặt cầu lát ri sắt nhưng rồi qua thời gian dài với thiên tai, bão lụt cũng bị sập, đến khoảng năm 1983 – 1985 thì xây cầu mới đang đi lại hiện tại. Đến nay, cầu này đã qua gần 40 năm sử dụng nên đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.

Qua trao đổi, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, trên địa bàn huyện Hải Lăng có hệ thống cầu dân sinh rất lớn, nhiều cây cầu đã qua hàng chục năm sử dụng, vì thế không ít cây cầu trong số đó đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, địa phương đã được UBND tỉnh; các Bộ: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính quan tâm bố trí nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới một số cây cầu, như cầu Hải Quy, Quy Thiện, cầu qua kênh Nam Thạch Hãn… Tuy nhiên, theo thống kê, hiện tại trên địa bàn vẫn còn khoảng 20 cây cầu đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng lớn, rất cần nguồn vốn để đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân, phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Thanh Bình
.
.
.