Cần giải quyết dứt điểm mâu thuẫn kéo dài tại các bãi nuôi ngao
Theo một số liệu thống kê, TP Hải Phòng có trên 3.000 hộ sống bằng nghề nuôi thả, khai thác thủy sản ven bờ, trong đó số đông liên quan đến nghề nuôi ngao. Vùng bãi ngập nước ven biển phân bố trải từ huyện Cát Hải đến huyện Tiên Lãng, liên quan đến 6 quận huyện, đã được người dân khai thác nuôi ngao từ khoảng 20 năm nay.
Có thể nói, nghề nuôi ngao phát triển rất mạnh, đem lại thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng cho các hộ có bãi nuôi. Thậm chí, có những vùng như huyện Kiến Thụy đã thành lập cả Hội nuôi ngao, cho thấy quy mô của loại hình này trên địa bàn TP Hải Phòng.
Theo ông Vũ Trí Tuân, Chủ tịch Hội nuôi ngao huyện Kiến Thụy, kể từ năm 2003, các bãi nuôi thả ngao bắt đầu được hình thành, tập trung chủ yếu ở vùng bãi ngập nước lợ ven bờ khu vực cửa sông Văn Úc và Lạch Tray. Tổng sản lượng ngao của Hội hiện đạt khoảng 45.000 tấn/năm, tương ứng giá trị gần 1.000 tỷ đồng.
Dù mang nhiều tính tự phát, nhưng các hộ nuôi ngao đã nhận được sự chấp thuận của chính quyền cơ sở, cùng với sự giúp sức của các cán bộ kỹ thuật khuyến ngư. Điều này khiến bà con cho rằng, việc khoanh vùng, lập bãi nuôi thả ngao là hợp pháp, đúng với chủ trương, chính sách.
Tuy nhiên, cũng xuất phát từ lợi ích nuôi thả ngao, trong nhiều năm qua khu vực này đã xuất hiện không ít bất ổn về ANTT, cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến việc tranh chấp bãi nuôi thả cũng như quá trình khai thác, tiêu thụ sản phẩm và những hệ lụy liên quan khác.
Đáng chú ý, vùng bãi ngập nước nuôi ngao cũng là khu vực ngưng tụ một khối lượng cát khổng lồ, chồng lấn giữa nuôi thả, khai thác thủy sản và khai thác khoáng sản, tạo ra những mâu thuẫn gay gắt, đặt ra những bài toán khó giải về công tác quản lý, nhất là việc quy hoạch không gian vùng nước, vùng bờ, vùng bồi và đảm bảo an ninh trật tự (ANTT).
Trước thực trạng này, từ tháng 10/2017, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 2658/QĐ-UBND về việc tạm giao quản lý hành chính khu vực ven biển giữa các quận, huyện Đồ Sơn, Dương Kinh, Hải An, Cát Hải, Kiến Thụy và Tiên Lãng.
Trên cơ sở này, một số địa phương đã lập quy hoạch chi tiết, phát triển nuôi ngao cũng như khai thác khoáng sản vùng ven biển. Nhưng hiệu quả không đem lại như mong muốn, khi quá trình này đem lại tổn thất cho cả các hộ nuôi ngao lẫn đơn vị khai thác khoáng sản, khiến mâu thuẫn càng tăng cao.
Thời gian gần đây, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan. Tại Thông báo số 232/TB-UBND, UBND TP Hải Phòng xác định: “Hoạt động nuôi ngao không phép tại các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản cát rất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình ANTT và hình ảnh thu hút đầu tư của thành phố…”.
Trên tinh thần đó, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã thống nhất chỉ đạo hoàn thành việc di dời, giải tỏa các bãi ngao ở những khu vực chồng lấn. Trước mắt khoanh vùng 2 khu vực để thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép trong giai đoạn 1.
Cụ thể tại quận Hải An với diện tích hơn 1.200ha liên quan đến 4 mỏ cát của 5 doanh nghiệp và đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản cát. Tại huyện Kiến Thụy, với diện tích hơn 1.000ha liên quan đến 5 mỏ cát của 5 doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác khoáng sản. Về hoạt động nuôi ngao, UBND TP chỉ rõ: “Việc nuôi ngao trên biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép” và phải chịu xử lý hành chính.
UBND TP Hải Phòng cũng chỉ đạo các quận Hải An, Kiến Thụy thông báo cho các hộ dân tự di dời việc nuôi ngao, hoàn thành việc xử phạt vi phạm hành chính trong tháng 6 và tháng 7/2022. Trường hợp các hộ nuôi ngao không chấp hành, sẽ tổ chức cưỡng chế.
Đồng thời UBND TP yêu cầu Công an TP, Bộ đội Biên phòng nắm tình hình ANTT, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu, kích động, cố tình chống đối, gây rối theo quy định pháp luật.
Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo việc di dời, giải tỏa hoạt động nuôi ngao không phép giai đoạn 2 tại khu vực còn lại của huyện Kiến Thụy và toàn bộ khu vực huyện Tiên Lãng.
UBND TP Hải Phòng đã có những động thái quyết liệt nhằm giải quyết những mâu thuẫn tồn đọng, kéo dài liên quan đến các hoạt động nuôi thả thủy sản và khai thác khoáng sản tại vùng ngập nước ven bờ.
Tuy nhiên, nhìn lại toàn bộ quá trình nêu trên trong suốt 20 năm qua, thiết nghĩ thành phố cũng cần làm rõ trách nhiệm về thẩm quyền, thậm chí có thể phát sinh những hành vi tiêu cực, thao túng của một số cấp cơ sở cũng như đơn vị quản lý liên quan, để giải quyết triệt để mâu thuẫn, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích chính đáng của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, lập lại kỷ cương pháp luật và trật tự xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.