Bất ngờ với lý do ngụy tạo "cấp bách" của Sở Y tế Bình Phước
Ngày 8/5, thông tin từ Thanh tra tỉnh Bình Phước cho biết đã có kết luận thanh tra các cơ quan, tổ chức thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ 1/1/2020 đến 31/12/2021. Kinh phí thực hiện chống dịch của tỉnh Bình Phước trong 2 năm (2020 - 2021) là 277,8 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách.
Các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, mua sắm trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý. Qua thống kê, thời gian từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là 20 - 43 ngày, ở cấp huyện từ 5 - 15 ngày.
Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì chỉ trong khoảng 1 - 3 ngày nhà thầu vào thực hiện gói thầu, sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại. Như vậy, ở một số trường hợp, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp. Như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là hơn 7,8 tỉ đồng có thời gian làm thủ tục là 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày. Tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày.
Đối với các đơn vị cấp tỉnh thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền gần 130 tỉ đồng. Tại thời điểm thanh tra 2 đơn vị gồm Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC tỉnh còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền hơn 60,5 tỉ đồng. Còn các đơn vị cấp huyện thực hiện 669 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền hơn 104 tỉ đồng. Việc test dịch vụ, các đơn vị thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế và UBND tỉnh quy định, số tiền thu được từ test dịch vụ sau khi trừ chi phí mua kít, số tiền chênh lệch được nộp vào ngân sách.
Về mua sắm của CDC tỉnh Bình Phước năm 2020 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra, năm 2021 thực hiện 18 gói mua sắm với số tiền gần 59,5 tỉ đồng (8 gói chưa thanh toán với số tiền hơn 41 tỉ đồng). Trong thời gian đoàn thanh tra làm việc, CDC cung cấp hồ sơ và báo cáo cho đoàn thanh tra rất chậm so với yêu cầu; thủ tục nhập kho và xuất kho vật tư y tế đôi lúc không đảm bảo quy trình (một số lần nhận và bàn giao vật tư y tế cho đơn vị sử dụng không đúng thành phần giao, nhận).
Thanh tra tỉnh Bình Phước đề nghị Sở Y tế phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với 11 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và test nhanh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC tỉnh Bình Phước còn nợ chưa thanh toán nhà cung cấp; rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại phương pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động và công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của đơn vị theo quy định. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang xác minh việc mua sắm vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo quyết định ủy thác của Bộ Công an.