Ai chịu trách nhiệm hơn 12 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất bị cạo trắng?

Chủ Nhật, 06/11/2022, 07:05

Những ngày vừa qua dư luận ở Quảng Bình râm ran về việc hơn 12 ha rừng phòng hộ ven biển và rừng sản xuất ở khu vực xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ bị chặt phá.

Điều đáng nói, rừng thì đã mất nhưng những đơn vị liên quan đến vụ việc khi trả lời truyền thông và dư luận đều nói kiểu “trút bùn sang ao”. Vì vậy, điều đáng lo không chỉ là hơn 12 ha rừng đã bị chặt phá mà còn hàng trăm ha khác nếu không giao trách nhiệm cụ thể thì rất có thể những cánh rừng che sóng, chắn cát lại phải cùng chung số phận “không cánh mà bay”.

pr1.jpg -0
Hơn 12 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất ở Sen Thuỷ, Lệ Thuỷ, Quảng Bình bị cạo trắng.

Hiện nay, các đơn vị chức năng ở Quảng Bình xác định khu vực rừng bị chặt phá ở xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất do Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong và xã Sen Thuỷ làm chủ rừng. Có lẽ vì trên một khu rừng mà có đến hai chủ rừng nên dư luận đặt câu hỏi có hay không việc “cha chung không ai khóc” là có cơ sở.

Nói về việc rừng trên địa bàn bị chặt phá, ông Lê Văn Bắc - Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ cho biết: Liên quan đến việc giao đất rừng trên địa bàn, địa phương thực hiện theo Nghị quyết 01/2008 của HĐND xã Sen Thuỷ. Theo đó, phần diện tích ngoài lâm phận, vào ngày 8/7/2009, UBND xã Sen Thuỷ đã giao cho thôn Sen Đông bảo vệ, quản lý với diện tích 0,86 ha. Tuy nhiên, vào các năm 2010 và 2013, thôn Sen Đông đã tổ chức chia phần diện tích đất rừng trên cho các tổ chức, nhóm hộ gia đình để trồng cây, đồng thời thôn Sen Đông chia luôn phần đất rừng của Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong quản lý cho các hộ dân. Khi nắm được thông tin về vụ phá rừng và khai thác rừng sản xuất, UBND xã Sen Thuỷ thông báo, tuyên truyền cho người dân dừng khai thác, chỉ đạo lập danh sách, rà soát các hộ dân liên quan đến vụ việc. Chỉ đạo của xã Sen Thuỷ là vậy, nhưng sau đó, người dân địa phương thôn Sen Đông, xã Sơn Thuỷ vẫn tiếp tục vào khai thác rừng. Một số người dân thôn Sen Đông nói việc họ tiếp tục khai thác rừng là có lý do bởi thôn đã chia đất cho họ, họ đã nộp lệ phí để nhận trồng rừng…

Như vậy, về phía xã Sen Thuỷ cho rằng nguyên nhân xảy ra việc phá rừng và khai thác rừng là do thôn, còn chủ rừng thứ hai là Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong. Ông Bạch Thanh Hải - Giám đốc Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong lại cho rằng diện tích rừng mà dân khai thác, chặt phá thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất trước đây đơn vị được tạm giao quản lý. Từ ngày 18/10, phần diện tích này được giao cho đơn vị khác quản lý. Ông Hải cũng khẳng định: Đơn vị đã lập biên bản người vi phạm, đồng thời đơn vị sẽ xử lý nghiêm các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để mất rừng.

Như vậy, cả UBND xã Sen Thuỷ và Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong đều đã đề cập đến vụ việc rừng bị chặt phá nhưng cả hai đều nêu lý do không trực tiếp quản lý khu vực rừng bị phá, mặc dù hai đơn vị là chủ rừng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, diện tích rừng bị chặt phá là 12,54 ha, hiện trường khu vực rừng bị chặt phá chỉ còn lại gốc cây, một ít lá, còn số thân cây đã bị mang đi hết.

Theo đó, diện tích rừng phòng hộ (rừng trồng) bị khai thác là 9,69 ha, trong đó có 7,63 ha bị khai thác trắng, 2,06 ha toàn cây keo bị cắt hạ, chỉ còn giữ lại được một số cây phi lao ở khoảnh 3, tiểu khu 433C và lô 2, lô 3 khoảnh 2, tiểu khu 434C. Đối với diện tích rừng sản xuất bị khai thác trắng là 2,85 ha. Trong đó có 1,99 ha thuộc lô 11a, khoảnh 3, tiểu khu 433 và lô 2 khoảnh 2, tiểu khu 434 do Ban Quản lý khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong quản lý và 0,86 ha thuộc lô 12, khoảnh 3, tiểu khu 433 do UBND xã Sen Thuỷ quản lý bị khai thác.

Để diện tích rừng còn lại được bảo vệ nghiêm ngặt, tỉnh Quảng Bình cần sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương bảo vệ thực tế hiện trường, kiểm tra, xác minh vụ việc, hoàn thiện thủ tục hồ sơ để xử lý theo quy định các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ phá rừng. Đồng thời, cần sớm làm rõ trách nhiệm của các chủ rừng.

Sông Lam-Lam Hồng
.
.
.