Ai đã tàn phá rừng phòng hộ Phú Ninh?

Thứ Sáu, 21/08/2015, 10:15
Nguồn tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, Chi cục đã ban hành văn bản 363 kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tổ chức có sai phạm liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng và khai thác nhựa thông trong lâm phận rừng phòng hộ Phú Ninh.

Theo đó, kiểm tra, xác minh liên quan đến việc khai thác nhựa thông của Công ty TNHH MTV Tiến Thiên Tân (gọi tắt là Công ty Tiến Thiên Tân), đóng tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành và tình hình phá rừng tại xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, cho thấy: Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Phú Ninh đã bàn giao hiện trạng khai thác nhựa thông cho Công ty Tiến Thiên Tân vào ngày 5/6/2013 (trước khi có Quyết định 426 của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam ngày 12/7/2013) là không có căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, trong thời gian Công ty Tiến Thiên Tân khai thác nhựa thông, BQL rừng phòng hộ Phú Ninh đã tổ chức 5 đợt kiểm tra, trong đó có 2 đợt phối hợp với Hạt Kiểm lâm  (HKL) Núi Thành đều khẳng định, công ty này khai thác sai quy trình, không đúng với hồ sơ thiết kế; nhưng BQL rừng phòng hộ Phú Ninh không báo cáo và đề xuất xử lý(?!). BQL rừng phòng hộ Phú Ninh, HKL huyện Núi Thành còn buông lỏng công tác quản lý để xảy ra tình trạng phá rừng trồng keo tại xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, trong lâm phận của BQL.

Công văn số 363 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam.
Kiểm tra của ngành Lâm nghiệp cho thấy, trong tổng số 121,13ha rừng tự nhiên mà BQL rừng phòng hộ Phú Ninh giao khoán cho các nhóm hộ dân quản lý, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên chỉ còn có 28,652ha, nghĩa là diện tích rừng tự nhiên bị tàn phá lên đến 92,505ha.

Cụ thể: Tại khoảnh 5, tiểu khu 596, có 12,39ha giao cho nhóm hộ Tô Đức Kiểm đã bị phá hoàn toàn, trong đó 11ha bị phá để trồng keo. Tại khoản 6, tiểu khu 596 có 82,36ha giao cho nhóm hộ Nguyễn Lương Đào (ông Kiểm và ông Đào đều trú thôn Thuận Tây Yên, xã Tam Sơn), thì có đến 72,471ha bị phá để trồng keo. Cũng ở tiểu khu này, ông Kiểm còn được giao 5 lô với diện tích 38,77ha, thì có đến 20,034ha đã bị tàn phá để trồng keo…

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao công tác quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh có BQL rừng và HKL bảo vệ, nhưng việc phá rừng với diện tích lớn, xảy ra liên tục thì các đơn vị này không có một động thái gì để ngăn chặn? Trong khi đó, các diện tích rừng bị tàn phá hiện vẫn đang được thực hiện các hợp đồng quản lý bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên; có nghĩa tiền chi cho các hợp đồng vẫn được thực hiện(?!)…

Làm việc với chúng tôi, ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam cho biết, để làm rõ hơn việc sai phạm khai thác nhựa thông và phá rừng ở xã Tam Sơn, Chi cục đã yêu cầu BQL rừng phòng hộ Phú Ninh giải thích tại sao bàn giao hiện trường khai thác nhựa thông trước khi có Quyết định 426 của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam. Hai ông Kiểm và Đào đại diện cho 2 nhóm hộ thỏa mãn điều kiện gì mà được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh tự nhiên; đồng thời làm rõ trách nhiệm 2 nhóm hộ nói trên để rừng bị tàn phá.

Phải giải thích rõ ràng, vì sao quá trình giám sát, kiểm tra phát hiện sai phạm mà không xử lý, hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý? làm rõ việc 92,505ha rừng tự nhiên bị tàn phá là do ai thực hiện… để xử lý nghiêm theo pháp luật.

An Khang
.
.
.