Đắk Lắk: Gỗ tang vật đã bị đánh tráo như thế nào?
Theo hồ sơ mà phóng viên có được, vào tháng 8/2016, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành bàn giao hơn 622m3 gỗ là tang vật trong vụ án liên quan đến Công ty TNHH Hiền Thái cho Cục THADS tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục bán đấu giá sung công quỹ Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp cùng Cục THADS xử lý số gỗ này, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện có 54 lóng gỗ các loại như: giáng hương, cẩm lai, gõ đỏ (nhóm I), căm xe (nhóm II), pơ mu (nhóm IIA) với tổng khối lượng hơn 12,3m3 đã bị đánh tráo thành chủng loại gỗ khác có giá trị thấp hơn nhiều lần.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kiểm đếm số gỗ trong xưởng gỗ của Công ty TNHH Hiền Thái |
Cụ thể như nhiều lóng gỗ cẩm lai đã “biến” thành gỗ cà chít (nhóm IV), chiêu liêu, dầu (nhóm V); gỗ giáng hương, căm xe thành gỗ sao, dầu, cà chít (nhóm III); gỗ gõ đỏ thành gỗ sao, chiêu liêu; pơ mu thành gỗ dỗi (nhóm III)... Chính việc làm này đã “biến” 54 lóng gỗ bị sai chủng loại chỉ còn giá trị hơn 121 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị thực của 54 lóng gỗ là hơn 483 triệu đồng, chênh lệch hơn 365 triệu đồng.
Trước vụ việc này, Cục THADS phải bồi thường số tiền chênh lệch hơn 365 triệu đồng này. Tuy nhiên, điều trớ trêu thay là số tiền này do chính bà Hoàng Thị Thu Phương (Chấp hành viên Cục THADS tỉnh Đắk Lắk) lấy từ Công ty TNHH Hiền Thái để giao nộp cho cơ quan, khắc phục những sai sót…của mình. Từ vụ việc này đặt ra câu hỏi, số tiền chênh lệch của 54 lóng gỗ là 365 triệu đồng này đã vào túi ai, hiện số tiền này đã được truy thu hay chưa?. Ngoài ra, Cục THADS Đắk Lắk còn có sai phạm khi thanh lý hợp đồng, thanh toán tiền trông coi (hơn 400 triệu đồng-PV) cho Công ty TNHH Hiền Thái mà tài sản bàn giao không đúng hiện trạng.
Như trước đó Báo CAND đã có bài viết “Hàng loạt sai phạm tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Đắk Lắk”, ngoài việc sai phạm nêu trên thì tại đơn vị này còn để xảy ra tình trạng mất tập trung dân chủ trong việc bổ nhiệm, điều chuyển cán bộ, viên chức trong ngành.
Điển hình là việc ông Bùi Đăng Thuỷ (Cục trưởng Cục THADS) đã tự ý cân nhắc, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, mất tập trung dân chủ. Cụ thể là ngày 27/1/2016, ông Thuỷ ký quyết định bổ nhiệm bà Phan Thị Loan làm Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS thị xã Buôn Hồ nhưng không tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo. Vào thời điểm này, bà Loan chưa đủ tiêu chuẩn trình độ lý luận chính trị để được bổ nhiệm giữ chức vụ nêu trên.
Hàng trăm m3 gỗ lậu của Công ty TNHH Hiền Thái bị Công an niêm phong, thu giữ |
Chưa dừng lại ở đó, ngày 28/4/2017, ông Thuỷ lại ký quyết định điều động bà Loan từ thị xã Buôn Hồ về làm Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ Cục THADS Đắk Lắk khi chưa trao đổi với lãnh đạo nơi công tác của bà Loan cũng như chưa thống nhất với nơi tiếp nhận. Vào thời điểm nay, bà Loan cũng chưa “khắc phục”, vẫn còn thiếu tiêu chuẩn lý luận chính trị…
Chưa hết, trong 4 năm, Cục THADS Đắk Lắk đã điều động 19 viên chức không giữ chức vụ một cách tuỳ tiện, không đầy đủ các quy trình, gây bức xúc…Những sai phạm này liên quan đến các ông Trần Văn Lập (Chấp hành viên trung cấp chi cục THADS huyện Cư Kuin, nguyên trưởng phòng Tổ chức), ông Lê Khắc Đức (Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Pắk, nguyên phó phòng Tổ chức), Tạ Ngọc Sáng (Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Buôn Ma Thuột, nguyên trưởng phòng tổ chức) chịu trách nhiệm trong việc tham mưu tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ tuỳ tiện, không theo quy định…
Theo kết luận của Tổng cục THADS, vụ đánh tráo gỗ xảy ra tại Cục THADS Đắk Lắk là những vi phạm rất nghiêm trọng, gây thiệt hại số tiền lớn, tạo dư luận không tốt trong xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan THADS, cần phải có hình thức xử lý trách nhiệm trước hết đối với ông Bùi Đăng Thủy, Cục trưởng, tập thể lãnh đạo Cục THADS tỉnh Đắk Lắk và các cá nhân có liên quan.
Để rộng đường dư luận về vụ việc này, trong những ngày qua, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo của Cục THADS Đắk Lắk để làm việc. Tuy nhiên, từ ông Bùi Đăng Thuỷ (Cục trưởng) lẫn ông Bùi Công Mười (Phó cục trưởng Cục THADS Đắk Lắk) đều từ chối trả lời. Còn ông Hoàng Đức Sĩ (Chánh văn phòng) cho biết, ông Thủy là người phát ngôn chính, duy nhất của đơn vị lại đang đi chữa bệnh, chưa biết khi nào về.
Trong khi đó, một nguồn tin của Báo CAND cho biết: “Ông Bùi Đăng Thủy đã nhiều lần làm đơn xin nghỉ việc gửi Tổng cục Thi hành án dân sự. Ngoài ra, Cục trưởng cũng có đơn xin đi chữa bệnh dài ngày, bây giờ muốn gặp ông Thủy thì chắc là khó vì… thực sự Cục cũng không biết anh ấy chữa bệnh ở đâu”, nguồn tin này nói.