Vì sao rừng phòng hộ Phú Ninh, Quảng Nam "tan nát"?
Nguyên nhân rừng phòng hộ Phú Ninh bị mất nhanh chóng là do hiện nay giá gỗ keo tương đối cao, nên lâm tặc ra sức tàn phá mạnh. Bên cạnh đó nhiều hộ dân nhận trồng rừng phòng hộ theo dự án 327 cũng phớt lờ văn bản chỉ đạo của Chính phủ mà tập trung khai thác rừng để thu lợi.
Dọc con đường vào xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành nơi có hàng trăm ha rừng phòng hộ Phú Ninh đã bị cạo trọc, tôi quan sát thấy hàng chục xưởng cưa đang hoạt động hết công suất. Trong những ngày lang thang ở Phú Ninh tìm tư liệu viết bài, chúng tôi nghe được câu ca của những người dân sống dựa vào rừng nơi đây: "Rừng là vàng, biển là bạc. Muốn có nhiều vàng càng phải hạ sát rừng".
Triệt hạ rừng phòng hộ
Ông Phạm Văn La - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh - Núi Thành quả quyết: "Việc lâm tặc chặt phá rừng đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chúng tôi, không dưới mười lần chúng tôi làm đơn đến các cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ nhưng xem ra lâm tặc còn mạnh lắm". Như để minh chứng cho lời nói, gần 12 giờ trưa, ông La đưa tôi vào tiểu khu 599 nơi có hơn 60ha rừng phòng hộ đã bị chặt trắng chỉ còn sót lại gốc cây.
Tận mắt chứng kiến những cánh rừng bạt ngàn bị chặt hết mới thấy chạnh lòng. Được biết chỉ trong vòng 2 năm lại đây, hơn 4.000 khối gỗ ở rừng Phú Ninh đã bị lâm tặc chuyển ra khỏi rừng. Ngay trong tháng 8/2006, riêng xã Tam Thạnh, UBND xã phối hợp với kiểm lâm đã thu được 36,4 khối gỗ tại thôn 3.
Nguyên nhân rừng phòng hộ Phú Ninh bị mất nhanh chóng là do hiện nay giá gỗ keo trên thị trường tương đối cao nên lâm tặc ra sức hoạt động tàn phá mạnh. Bên cạnh đó nhiều hộ dân nhận trồng rừng phòng hộ theo dự án 327 cũng phớt lờ văn bản chỉ đạo của Chính phủ mà tập trung khai thác rừng để thu lợi.
Theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất rừng" tại điều 5 ghi rõ: Hộ gia đình, cá nhân: "Được phép khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác".
Quy định là vậy song những cánh rừng phòng hộ Phú Ninh có những nơi bị khai thác 100% không chỉ do người dân mà còn do cơ quan Nhà nước.
Máu Kiểm lâm đã đổ nhưng rừng vẫn bị tàn phá
Trong hai năm qua, lực lượng Kiểm lâm rừng phòng hộ Phú Ninh đã hàng chục lần giáp mặt với lâm tặc, chúng chống đối một cách quyết liệt nhằm tẩu tán tang vật.
Mới đây, ngày 2/9, hai kiểm lâm gồm Vũ Văn Trí và Đỗ Phú Nhiệm đã bị lâm tặc Võ Thị Thanh Thủy, trú tại xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành đâm trọng thương phải vào nằm viện. Anh Vũ Văn Trí - Quyền Hạt trưởng Kiểm lâm Phú Ninh cho biết: 8 tháng đầu năm 2006, lực lượng Kiểm lâm đã bắt được 16 xe ôtô và công nông vào khai thác gỗ rừng.
Lâm tặc thường dùng xe ôtô đã quá “đát”, thay biển số giả để vận chuyển gỗ. Khi bị lực lượng Kiểm lâm bắt quả tang, chúng liều lĩnh đâm thẳng xe vào lực lượng Kiểm lâm".
Ngày 13/8, xe 12 chỗ mang BKS 43K-3199 do Võ Văn Sự điều khiển chở gỗ lậu từ rừng Đông Giang (Quảng Nam) về Đà Nẵng tiêu thụ, đến Trạm kiểm lâm Phú Túc (Hòa Phú, Hòa Vang), khi kiểm lâm dừng xe lại kiểm tra, trong lúc Võ Văn Sự xuống làm việc với kiểm lâm thì Đặng Công Hoàng (lái phụ) cho xe đâm gãy barie làm ông Nguyễn Chữ, Trạm trưởng kiểm lâm phải vào viện cấp cứu.
Sau đó 3 ngày (16/8/2006), tại Trạm kiểm soát lâm sản xã Đại Hồng (Đại Lộc, Quảng Nam), xe khách mang BKS 43K-7558 chạy từ Nam Giang về Đà Nẵng đã tắt đèn và đâm thẳng vào barie, hất tung nhân viên kiểm lâm của trạm rồi bỏ chạy, tẩu tán gỗ ra khỏi xe nhằm xóa dấu vết. Xung quanh rừng phòng hộ Phú Ninh, có gia đình em đang thụ án tù vì khai thác lâm sản trái phép, thì anh, chị đã vào rừng đốn gỗ và bị bắt...
Trao đổi với phóng viên, kiểm lâm viên rừng phòng hộ Phú Ninh, Đặng Văn Tiến cho biết: Cái khó của Kiểm lâm là Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành (chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của kiểm lâm...) do đó nhiều lúc trong giải quyết công việc cũng gây khó dễ cho anh em làm việc.
Bên cạnh đó phần lớn diện tích rừng phòng hộ Phú Ninh được giao cho một số công ty, xí nghiệp, sau đó các công ty lại giao lại cho các chủ rừng từ nơi khác đến, trong lúc người dân tại địa phương không có rừng để trồng nên tạo tâm lý không thỏa mãn trong nhiều hộ dân, dẫn đến việc phá rừng rất khó kiểm soát