Truy quét "vàng tặc" trong Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

Chủ Nhật, 01/09/2019, 10:30
Đoàn liên ngành huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã phá hủy nhiều công cụ, thiết bị phục vụ việc khai thác vàng trái phép, đồng thời đưa gần 40 người ra khỏi rừng thuộc vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.


Thời gian gần đây, nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh Quảng Nam đã tìm cách trà trộn vào vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (thuộc xã Đắc Pring và Tà Pơơ, huyện Nam Giang) để khai thác vàng trái phép, nguy cơ gây mất an ninh trật tự vùng biên giới và ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên rừng.

Lực lượng liên ngành phát hiện 1 máy nổ phục vụ việc khai thác vàng trái phép ngay trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vừa thành lập đoàn liên ngành để mở đợt truy quét trên diện rộng tại các bãi vàng Thạnh Mỹ 1, khe Tà Vạc nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Một thành viên đoàn liên ngành cho biết mặc dù trong kỳ nghỉ dịp lễ Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, song các thành viên trong đoàn vẫn sẵn sàng lên đường truy quét “vàng tặc”. 

Để đến được các bãi khai thác vàng trái phép trong bí mật, đoàn phải ngược dòng Sông Thanh và băng qua nhiều ngọn đồi, nhiều con suối, vách đá. Đặc biệt, trong những ngày mưa như hiện nay thì đường đến với các bãi vàng trái phép càng trơn trượt, khó khăn hơn rất nhiều.

Sau nhiều giờ băng rừng lội suối, đoàn liên ngành cũng đến được các điểm khai thác vàng trái phép. Qua 5 ngày truy quét từ ngày 28-8 đến 1-9, đoàn liên ngành huyện Nam Giang đã phá hủy 5 máy nổ, 1 củ điện, đốt phá 21 lán trại và nhiều công cụ phục vụ việc khai thác vàng, đồng thời đưa gần 40 người ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép.

Tiến hành tiêu hủy lán trại của "vàng tặc".
Điều đáng lo ngại là qua đợt truy quét này cho thấy, các đối tượng khai thác vàng trái phép ngày càng manh động và tinh vi hơn khi các thiết bị máy móc phục vụ việc khai thác vàng được chỉ đạo chôn rất kỹ và rất sâu, có nơi  đến gần 2m dưới lớp đất đá nhằm gây khó khăn cho lực lượng truy quét phát hiện được; đồng thời các đối tượng được chia nhau phân tán rải rác trên các đỉnh đồi, cùng với thiết bị quan sát như ống nhòm để có thể nhìn xuống quan sát nhất cử nhất động của đoàn liên ngành hòng tìm cách đối phó.
Ngọc Thi
.
.
.