Thị trường bánh Trung thu 2010: Vì sao giá cao?
Còn với những cơ sở mà tên tuổi chưa một lần được xuất hiện trong chương trình quảng cáo trên truyền hình thì sự thắng, bại lại phụ thuộc rất nhiều vào may, rủi cho dù chất lượng đảm bảo, giá thành thấp hơn các "ông lớn" kia. Nghịch lý này là sao?
Các thương hiệu lớn luôn được xây dựng bởi các chiến dịch mà chủ nhân của nó bỏ ra khoản kinh phí khổng lồ để quảng bá. Thế mới có chuyện, cách đây vài năm, một công ty bánh kẹo lần đầu tung ra thị trường loại hàng hoá mới - bánh Trung thu nhưng lập tức hút được khách hàng.
Ở thời đại mà thông tin bùng nổ như hiện nay, việc dùng truyền thông lót đường là không có gì mới mẻ. Nhưng như vậy cũng chưa đủ mà đi kèm với đó là chiến lược marketing, phân phối và chất lượng sản phẩm. Thành công của nhãn hàng bánh Trung thu này hiện nay được minh chứng bằng việc "phủ sóng" của nó từ Bắc đến
Lại có nhãn hàng bánh Trung thu có bề dày về tên tuổi bỗng nhiên gặp sự cố liên quan đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà đến nay, những người tiêu dùng "thù dai" vẫn nhớ. Để chuẩn bị cho một mùa Trung thu, hết quý I các ông chủ đã rục rịch chuẩn bị nhằm khi vào mùa kịp tung ra thị trường.
Một cửa hàng bán bánh Trung Thu ở khu đô thị Định Công. Ảnh: K.H |
Chủ một cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống có tiếng ở Xuân Đỉnh cay đắng nhắc lại sự cố "gói hút ẩm" mấy năm trước để thấy rủi ro trong nghề này cũng rất lớn. Một lần đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ghé thăm xưởng sản xuất bánh thấy gói hút ẩm có nguồn gốc từ nước ngoài. Chỉ vậy thôi nhưng thông tin "sử dụng gói hút ẩm chưa rõ nguồn gốc" được đăng tải.
Báo giấy đăng xong, báo mạng đăng lại. Khi đoàn thanh tra kết luận, gói hút ẩm không có vấn đề gì thì nhiều đơn hàng đã bị trả. Kiện tờ báo đưa tin ban đầu và thông tin đính chính được đăng tải vào ngày sắp hết Tết Trung thu 14-8 (âm lịch). Được vạ thì bánh... ế.
Tìm hiểu về thị trường bánh Trung thu năm nay, chúng tôi nhận thấy xu hướng tìm đến mua bánh truyền thống có tính chất gia truyền. Loại bánh này chỉ bán tại gia nên phải là khách quen hoặc được người thân giới thiệu, người mua mới biết địa chỉ.
Chị Hà, sống tại Văn Điển chỉ vào lô bánh nướng cỡ nhỏ (khoảng 80g/chiếc) vừa lấy về từ hiệu bánh không tên ở quận Cầu Giấy cho biết, năm nào chị cũng lên đây đặt mua cho gia đình và người quen. "Không nhãn mác nhưng bánh ở đây ngon lắm. Giá cả lại phải chăng". Còn anh Nguyễn Tiến Viết, nhân viên kế toán ở một tổng công ty thì cho biết, năm nay anh đặt bánh gia công cho cơ quan. Hộp 9 cái loại nhỏ (80g/chiếc) giá chỉ 120.000đ.
Điều gì làm nên chất lượng một chiếc bánh Trung thu? Đó là nguyên liệu, là tay nghề người sản xuất, là khâu vệ sinh. Ông Nguyễn Thừa Chiến, chủ cơ sở bánh Trung thu Minh Ý cho biết, theo nhu cầu thị trường nên ngoài dòng bánh truyền thống, Minh Ý cũng sản xuất bánh Trung thu cao cấp. Giữa cao cấp và thấp cấp có sự khác biệt nào không? Đó là sự khác biệt về hình thức (loại cao cấp bánh cỡ nhỏ (80g/chiếc); nhân nhuyễn (khác với nhân truyền thống là để nguyên); bao bì đẹp. Tìm hiểu về chu trình làm bánh Trung thu, chúng tôi biết, để làm ra chiếc bánh truyền thống phải có nguyên liệu như bột mỳ (làm vỏ bánh nướng), bột nếp (vỏ bánh dẻo), mứt bí, hạt dưa, lá chanh, mỡ phần, vừng, hạt sen, ruốc, lạp xưởng... Nguyên liệu được chế biến thành phẩm. Tỷ lệ thành phần làm nhân căn cứ vào tên gọi của từng loại bánh.
Còn với bánh cao cấp (nhân nhuyễn) thì nguyên liệu (đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen...) đều được xay nhuyễn (quy trình là: hấp nguyên liệu, xay, làm ráo). Theo tính toán của một người làm bánh Trung thu chuyên nghiệp, giá thành mỗi hộp bánh được gắn mác cao cấp (8 cái, loại 80g/chiếc) nơi người này làm khi bán buôn là 180.000đ, bán lẻ 220.000đ. Trong khi đó, giá bao bì mỗi hộp bánh cao cấp từ 70.000 - 80.000đ/hộp.
Cầm trên tay hộp bánh của nhãn hàng bánh Trung thu cao cấp mới thấy hết sự cầu kỳ. Hộp vân gỗ có màu sắc hài hoà, bên trong lót giấy lụa, mỗi chiếc bánh lại được bọc trong một chiếc hộp nhỏ cũng rất đẹp. Loại bao bì sang trọng này đã nâng tầm chiếc bánh lên rất nhiều.
Chẳng thế mà trên thị trường hiện nay, bánh Trung thu cao cấp của các khách sạn, nhà hàng sang trọng giá đều cao, có hộp lên đến tiền triệu. Còn với loại bánh Trung thu cao cấp mà thương hiệu không đi kèm với các khách sạn 5 sao, giá cũng vài trăm. Sự phân cấp của loại cùng "cấp cao" này cho thấy, thương hiệu cũng là thứ đẩy giá bánh lên cao chứ không chỉ phụ thuộc vào chất lượng.
Trước thực tế trên thị trường đang lưu hành loại bánh Trung thu... phá giá, có người đặt vấn đề là cơ quan quản lý Nhà nước nên có biện pháp kiềm chế giá. Trao đổi với một cán bộ Quản lý thị trường, người này cho biết đây là mặt hàng thời vụ, không xếp vào danh mục Nhà nước phải kiểm soát giá. Giá cao, giá thấp là thỏa thuận của người bán, người mua.
Ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội thì cho rằng, cái ông quan tâm nhất là chất lượng sản phẩm. "Chúng ta nên khuyến khích những cơ sở làm bánh Trung thu đảm bảo chất lượng, giá thành phải chăng. Bởi đây là sản phẩm phục vụ đa số người dân có mức thu nhập trung bình và thấp", ông Phú nói.
Tâm lý, giá đắt mới tốt, mới cao cấp... đang tồn tại trong một bộ phận người tiêu dùng. Bằng chứng sinh động nhất là mặt hàng sữa. Tiếc rằng, bánhTrung thu, một sản phẩm chỉ có trong Tết dành cho trẻ em cũng lại rơi vào tình trạng này