Thay đổi mã vùng cố định: Lợi thì có lợi nhưng…!
Theo quy hoạch kho số viễn thông mới do Bộ TT&TT mới ban hành, mã vùng cố định của 59/63 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ phải thay đổi kể từ ngày 1/3 tới. Mặc dù Bộ TT&TT cho rằng, việc thay đổi mã vùng điện thoại cố định là quy hoạch hợp lý đảm bảo việc sử dụng kho số tiết kiệm, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, ngay sau khi phương án thay đổi mã vùng này được công bố đã vấp phải sự phản ứng của nhiều người khi mà toàn bộ kinh phí không nhỏ phát sinh từ việc đổi mã vùng này sẽ “đổ hết” lên đầu người dân và doanh nghiệp (DN).
Theo quy hoạch kho số viễn thông mới, từ 1-3, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành phố sẽ thay đổi. Riêng 4 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang vẫn giữ nguyên. Cụ thể, mã vùng của Hà Nội sẽ đổi từ 4 thành 24, TP Hồ Chí Minh sẽ đổi từ 8 thành 28, Đà Nẵng từ 511 thành 236, Hải Phòng từ 31 thành 225, Cần Thơ từ 710 thành 292...
Các hãng taxi sẽ là một trong những nhóm DN bị thiệt hại lớn từ việc thay đổi mã vùng điện thoại. (Ảnh minh họa). |
Theo lý giải của Bộ TT&TT, việc ban hành quy hoạch mới thay thế quy hoạch cũ vốn tồn tại nhiều bất cập đã được tính toán kỹ nhằm hướng tới sử dụng kho số một cách tiết kiệm, lâu dài. Đặc biệt là trong bối cảnh số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng, ngược lại số lượng thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm. “Hiện tại, tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động khoảng 130 triệu, trong đó số lượng thuê bao điện thoại cố định khoảng gần 7 triệu (chiếm khoảng 5,4% tổng số thuê bao), số lượng thuê bao điện thoại di động khoảng hơn 120 triệu (chiếm khoảng 94,6% tổng số thuê bao).
Tổng số đầu mã tối đa có thể quy hoạch làm mã vùng và mã mạng là 9. Trong khi đó, theo quy hoạch cũ thì số đầu mã làm mã vùng cho mạng cố định là 7 và làm mã mạng cho mạng di động là 2. Điều này bộc lộ sự thiếu hiệu quả trong quy hoạch, sử dụng kho số giữa mạng cố định và mạng di động. Về lâu dài, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường viễn thông di động sẽ dẫn đến thiếu số cho di động trong khi thừa số cho cố định” - thông cáo báo chí của Bộ TT&TT chỉ rõ.
Như vậy, khi quy hoạch mới có hiệu lực kể từ 1/3 tới, sẽ có gần 7 triệu thuê bao cố định tại 59 tỉnh, thành trên cả nước sẽ phải thay đổi. Tương tự, cũng theo quy hoạch mới, độ dài của tất cả các số di động cũng sẽ thống nhất về 10 chữ số bao gồm cả số mào đầu quốc gia là “0”. Điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc, các thuê bao di động 11 chữ số hiện nay sẽ được chuyển sang 10 số.
Nếu áp dụng phương pháp chuyển đổi này, sẽ có khoảng 40 triệu thuê bao 11 số của 5 nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường hiện nay gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, Vietnamobile, Gtel sẽ được chuyển đổi thành 10 số. Đây có thể xem là tin không mấy vui đối với các thuê bao cố định, song lại là tin vui đối với các thuê bao di động 11 số, thường bị xem là sim “rác” hiện nay.
Hiện cả nước có khoảng 500.000 DN, chưa kể các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Điều này đồng nghĩa với việc đây sẽ là những đối tượng trực tiếp phải chịu thiệt hại từ việc thay đổi số điện thoại do thay đổi mã vùng khi hàng loạt biển quảng cáo ở trụ sở công ty, quảng cáo trên xe, ngoài trời, danh thiếp, tờ rơi, hợp đồng, thư mời... Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, DN còn phải chịu những bất lợi khác từ việc phải thay đổi số điện thoại gây ra.
Đơn cử như có thể làm gián đoạn quá trình liên lạc, ảnh hưởng đến cả doanh thu lẫn uy tín của DN đối với các đối tác làm ăn ở các tỉnh xa và ở nước ngoài. Ngoài ra, một số đối tượng khác cũng phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi mã vùng này như hệ thống cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương, hệ thống các trường học từ cấp đại học đến tiểu học...
Theo đó, sẽ có hàng ngàn cuốn danh bạ nội bộ tại hầu hết các bộ, sở, ban, ngành sẽ phải in lại để cập nhật lại mã vùng trong năm 2015. Trước đó, vào năm 2008, khi VNPT thêm số 3 vào trước các thuê bao cố định cũng đã khiến cho 10 triệu thuê bao trên cả nước bị ảnh hưởng. Trong đó, đối tượng thiệt hại lớn nhất vẫn là các DN.
Thống kê sơ bộ cho thấy, nhiều hãng taxi, các hệ thống siêu thị lớn phải mất hàng trăm triệu đồng cho các công đoạn phát sinh từ việc phải cập nhật số điện thoại mới này.
Sẽ thay đổi mã vùng điện thoại cố định trong 2 năm Chiều 8/1, đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Thông tư số 22/2014/TT-BTTTT về quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực thi hành kể từ 1/3/2015. Tuy nhiên, theo Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, khi tiến hành đổi số thuê bao, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phải thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao trên phương tiện thông tin đại chúng; cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới trong vòng 60 ngày. Do đó, Bộ TT&TT sẽ tính toán lộ trình chuyển đổi cho các thuê bao theo hướng thay đổi mã vùng điện thoại cố định sẽ được thực hiện theo từng khu vực (mỗi khu vực có từ 7 - 10 tỉnh, thành) kéo dài trong khoảng 2 năm. (H.T.) |