Tây Ninh: Nhà nhà đua ra mặt đường

Thứ Ba, 20/09/2005, 07:58
Hiện nay, trên nhiều tuyến đường của tỉnh Tây Ninh “rộ lên” phong trào nhà nhà đua nhau lấp ruộng làm đất thổ cư. Cứ ngỡ kinh tế phát triển, người dân có của ăn của để nên làm nhà to đẹp hơn, nhưng đi sâu tìm hiểu về chuyện này thì có nhiều điều để nói.

Chúng tôi vào một ngôi nhà có diện tích xây dựng khoảng 100m2 đang trong giai đoạn hoàn chỉnh, được xây ở nền đất mới đổ nằm trên cánh đồng thuộc ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, chủ ngôi nhà này còn khá trẻ tên là Thắng, làm nghề vá vỏ xe ôtô. Khi biết chúng tôi cũng có ý định lấp ruộng làm nhà nhưng còn "vướng thủ tục", Thắng đã không ngần ngại hướng dẫn mọi đường đi, nước bước để có được giấy phép của cơ quan thẩm quyền. Theo những gì Thắng nói thì việc làm thủ tục khá nhanh gọn: "Mọi việc đều có dịch vụ của Phòng Tài nguyên - Môi trường lo hết, giá cả phải chăng!". Cách căn nhà đang xây của Thắng không xa cũng có hai, ba căn nhà mới được xây dựng xong, cây trồng xung quanh  còn chưa kịp xanh tốt!

Trên một cánh đồng dài khoảng hai cây số dọc theo quốc lộ 22B từ ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức đến ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh, những năm trước, người dân chỉ trồng lúa một năm hai, ba vụ và lúa ở đây năng suất cao. Vậy mà bây giờ, những đám ruộng giáp với ấp Đá Hàng đang sôi động bởi những chiếc xe ben loại lớn ầm ầm chở đất đổ xuống. Nơi nào đang cần đổ đất cứ đổ, còn những nơi đã đổ vài ba năm trước thì nhiều căn nhà cao cấp, trang trại… đã sừng sững uy nghi giữa đồng!

Chúng tôi được biết, ở xã Hiệp Thạnh có 12 hộ xin phép san lấp 400m2 để làm nhà, nhưng phần lớn không gia đình nào san lấp diện tích như thế mà đều vượt diện tích cho phép. Trong đó hộ ông Đinh Văn Dòn đã đổ đất san lấp với diện tích 10.300m2! Nhưng để có đất san lấp ruộng, các chủ thầu thường tìm mua đất vườn ở các khu dân cư gần đó để giảm chi phí và vô tình những cái hầm với độ sâu 3-5m trở thành mối hiểm hoạ cho người dân xung quanh, nhất là các em nhỏ.

Con đường vào ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu mới được trải sỏi cách đây không lâu đã bị xe ben chở đầy đất cày lên những ổ trâu, ổ voi. Ở ấp này có 10 hộ bán đất cho nhà thầu đào hầm lấy đất, trong đó gia đình ông Nguyễn Văn Vi ở tổ 38 gần 1 ha,  gia đình ông Nguyễn Văn Lẫy trên 5.000m2... Trong thời gian qua, xã Cẩm Giang có 3 hộ làm đơn xin bán đất cho chủ thầu lấy đất đổ nền nhà, UBND xã đã xác nhận và làm thủ tục chuyển lên UBND huyện xem xét, quyết định.

Ngoài ra, UBND xã đã phát hiện và mời 10 hộ khác đến cảnh cáo, yêu cầu ngưng việc đào hầm lấy đất vì chưa có phép của chính quyền.  Việc đào đất đã tạo ra những cái ao (hầm) sâu thật nguy hiểm, cách đây chưa lâu, ở ấp Cẩm An có 2 cháu bé rơi xuống hầm sâu đầy nước bị tử vong. Hiện UBND xã Cẩm Giang yêu cầu các nhà có hầm sâu làm hàng rào che chắn đề phòng tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, nhưng hầm rộng quá nên khó đáp ứng yêu cầu này. Ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu chỉ có đoạn đường chưa tới 3km nhưng chúng tôi đếm được 6 cái hầm tất cả, hầm nhỏ nhất rộng không dưới 1.000m2 còn hầm to thì trên 3.000m2.

Được biết, Thanh tra Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Tây Ninh mới tiến hành thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dọc theo hai bên quốc lộ 22A, 22B và đang lập danh sách các hộ vi phạm, mức độ vi phạm để Giám đốc Sở có quyết định xử lý và mức phạt cụ thể. Nhưng nếu khi xảy ra rồi mới đưa các cơ quan chức năng đến lập biên bản, xử phạt xong lại về thì sẽ không giải quyết được tận gốc của vấn đề. Ở đây, năng lực thi hành pháp luật của chính quyền cơ sở phải được nâng lên một bước thì mới có thể quản lý địa bàn tốt về mọi mặt. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục "phát triển", thì sau này khi cần mở rộng đường sẽ tốn nhiều tiền bạc, công sức để đền bù, giải tỏa!

Nhóm PVĐT
.
.
.