Dự án bảo tồn, tu bổ quần thể di tích làng Gia Long (Thừa Thiên Huế):

Tan nát công trình tiền tỉ

Thứ Năm, 04/11/2010, 09:33
Dự án bảo tồn, tu bổ, tôn tạo quần thể di tích lăng Gia Long được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL) phê duyệt năm 2002 giao Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào năm 2006. Thế nhưng, công trình tiền tỷ này vừa đưa vào sử dụng các hạng mục đã hỏng.

Tiền tỷ  tan theo sóng bão...

Dự án có tổng mức đầu tư 59,8 tỷ đồng. Chia làm 3 giai đoạn: tôn tạo hạ tầng kỹ thuật (3/2004 – 3/2006); tu bổ kiến trúc; phục dựng tôn tạo cảnh quan môi trường.

Trong đó hạng mục tôn tạo hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 (gồm nạo vét suối Kim Ngọc, xây bến lăng, hệ thống đường vào quần thể lăng Gia Long) đầu tư hơn 14 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng.

Theo thiết kế suối Kim Ngọc có chiều dài 1.670m, rộng khoảng 15m, sâu 7m nhằm mục đích khơi thông đường thủy, thoát lũ. Đến nay đã có hơn 10 điểm đã sạt lở, sụt lún. Hệ thống đèn chiếu sáng bị hư hỏng nặng. Bến thuyền, đường dẫn vào lăng được thiết kế kết cấu bê tông cốt thép do không khảo sát hết địa tầng trước khi xây dựng đã bị dòng nước xé toạc, cuốn trôi trên 20m, kè chắn hai bên bến thuyền cũng cuốn trôi chỉ còn trơ trọi từng tảng đất đá ngổn ngang.

Suối Kim Ngọc xuất hiện nhiều điểm sạt lún, sạt lở.

Mục tiêu của dự án là để bảo tồn di sản quốc gia và thế giới, phục dựng rừng thông tạo môi trường cảnh quan nơi đây để thu hút khách tham quan cho khách trong nước và quốc tế. Vậy nhưng, sau khi công trình bị hư hỏng nặng thiệt hại hơn 14 tỷ đồng từ năm 2006 đến nay, chủ đầu tư, cũng như đơn vị thi công vẫn không tu bổ lại, để các hạng mục này vẫn rơi vào cảnh hoang phế, nhếch nhác, khi mùa nước suối dâng gây ngập úng hơn 5ha lúa hai vụ của dân ở xã lân cận.

Ông Bùi Ngọc Tùng, Trưởng thôn Đình Môn, bức xúc nói: "Mục tiêu dự án là điểm đến của khách tham quan, bảo tồn di sản quốc gia, quốc tế không thấy chứ thấy toàn sạt lở, đất bồi lấp kín cả mặt sân, cỏ mọc um tùm, điểm dừng khách biến thành điểm dừng chân cho trâu bò đến gặm cỏ".

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (huyện Hương Trà) bức xúc nói, khi dự án triển khai, gần 20 hộ dân thôn Kim Ngọc, Đình Môn phải giao đất, hiện vật trên đất cho đơn vị thi công thực hiện dự án, để mong hưởng lợi.

Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay dự án "án binh bất động", BQL dự án hứa sẽ làm cầu cho người dân 2 thôn qua lại sản xuất hơn 4 năm vẫn không thực hiện. Nhiều lần xã có tờ trình, kiến nghị cử tri nhiều lần nhưng chẳng thấy phía dự án trả lời. Trong khi dự án tiền tỷ chưa thấy đưa vào sử dụng thì đã hỏng, quá lãng phí".

Ông Nguyễn Đình Biểu, Giám đốc BQLDADTCĐ Huế thừa nhận, mục tiêu dự án là bảo tồn quần thể di tích quốc gia, quốc tế. Hạng mục 1 đã xác định thiệt hại hơn 14 tỷ đồng do khi đưa vào sử dụng thì gặp cơn bão số 6 (Xangsane) nên nhiều hạng mục bị xuống cấp, bị bão tàn phá làm hư hỏng nặng nề.

Sau khi xảy ra sự cố trên, Ban Quản lý cùng đơn vị thi công tiến hành kiểm tra hiện trường và đã có biên bản giám định tổn thất do mưa lũ gây ra bởi cơn bão số 6. Quan điểm của chủ đầu tư là hỏng thì phải sửa, chúng tôi đang xác định trách nhiệm của các đơn vị, các bên để tiếp tục trùng tu, bảo tồn".

Điều khiến dư luận quan tâm là sau khi công trình bị hư hỏng, đã nhiều năm trôi qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành khắc phục khiến những người hiến đất bức xúc

Ngọc Minh
.
.
.