Sa mạc hóa đất và cạn kiệt nguồn nước vì khai thác titan

Thứ Bảy, 29/05/2010, 09:57
Từ gần 15 năm nay, những cánh rừng phi lao vài chục năm đến trăm năm tuổi ở vùng cát ven biển các xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Trung Giang, Gio Mỹ (Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã bị nạn khai thác titan đào xới, hủy diệt tan tành. Trơ lại giữa cát là hàng trăm thứ tạp chất độc hại thải ra từ các máy hút cát. Trong "cơn lốc đen" khốc liệt ấy, quá trình sa mạc hóa và cạn kiệt nguồn nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của người dân.

Chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Cẩm Phổ, xác minh những thiệt hại về sản xuất do "cơn lốc đen" này gây ra. Khi chúng tôi theo ông đến cánh đồng kinh tế mới rộng 5 hécta của xã, nơi có bà con nông dân đang thất thểu trên những thửa lạc cháy khô, ông Dũng cho biết: Tháng 10/2008, Công ty TNHH Hiếu Giang đã đến thôn, trưng ra giấy phép khai thác titan trên diện tích 12,8 hécta đất ở thôn, rồi đào xới, hút cát ầm ầm.

Việc họ hút cát do có cấp trên cấp phép thì không nói, nhưng công ty này đã khai thác ra ngoài diện tích cho phép và trên thực tế những cỗ máy đã hút hết mạch nước ngầm, làm cho đồng ruộng trở nên khô hạn và mất mùa nặng. Điều ông lo lắng nữa là ở Cẩm Phổ có một cái hồ nước chảy ra từ cát, có sức tưới cho hơn 15 hécta ruộng lúa của thôn, chưa khi nào cạn nước. Thế nhưng từ khi Công ty TNHH Hiếu Giang tổ chức đào xới, hút cát thì hồ nước trên mới đầu mùa hạ đã cạn kiệt nước.

Ở xã biển bãi ngang Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh, tình trạng đào xới, hút cát diễn ra không kém phần khốc liệt so với các xã biển bãi ngang Gio Linh. Bờ biển dài hơn 3 cây số từ thôn Mạch Nước đến thôn Tân Hòa xác xơ, tiêu điều vì thứ "vàng đen" này. Con đê chắn cát dài hơn 300m thuộc thôn Tân Thuận bị Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Trị san bằng, nay được làm mới vẫn cứ sụt lở, cây trồng giữ cát ven đê không bén nổi rễ do cát đã bị hút cạn kiệt nước...

Khai thác titan bừa bãi ở các xã ven biển Quảng Trị đã tàn phá môi trường.

Ông Nguyễn Văn Niên, một ngư dân than vãn với chúng tôi: "Bây giờ cây bị chặt phá hết, những trận gió lào đầu mùa khiến cát tung lên phủ lấp hết vườn tược. Cứ cái đà này, nhà cửa cũng sẽ không còn".

Theo quy định của UBND tỉnh Quảng Trị thì các đơn vị khai thác titan - cụ thể là các Công ty TNHH Thanh Tâm, Hiếu Giang, Tín - Đạt - Thành và Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Trị, khai thác titan trên địa bàn các xã vùng cát bãi ngang của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh phải hoàn trả mặt bằng và trồng lại cây. Tuy nhiên, trong những ngày đi thực tế ở các địa phương nói trên, chúng tôi ghi nhận, có tới 90% không được san trả mặt bằng, ở đó hiện tại vẫn còn ngổn ngang hầm hố; môi trường bị tàn phá, đất khai khoáng vĩnh viễn phải bỏ hoang.

Riêng ở Gio Mỹ, từ tháng 7/2004, chính quyền địa phương và người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp, các ngành liên quan để bảo vệ vùng rừng chắn cát duy nhất còn lại trên địa bàn. Nhưng đến nay xem ra chúng đã không thể tồn tại bởi vì… đơn giản lợi nhuận từ việc hút cát đem bán là quá lớn (!).

Theo kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, các công ty khai khoáng đều có những vi phạm nghiêm trọng tại bờ biển huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Điều đáng buồn là trước những hậu quả nghiêm trọng này, chính quyền địa phương vẫn chưa nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Hiện tại, một số công ty khai khoáng ở đây vẫn tìm mọi cách "qua mặt" các ngành chức năng để tiếp tục được khai thác

Phan Thanh Bình
.
.
.