Quảng Trị:

Rừng phòng hộ ở Vĩnh Hà vẫn đang bị chặt phá

Thứ Hai, 01/12/2014, 09:28
Sau đi thực tế hàng chục héc-ta rừng phòng hộ trên địa bàn xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã bị chặt trụi để... trồng rừng sản xuất, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào những cánh rừng phòng hộ trên địa bàn xã này. Thật xót xa, hàng chục héc-ta rừng phòng hộ ở đây vẫn đang bị chặt phá rất nghiêm trọng.
Màu xanh sậm của những cánh rừng tự nhiên, nhìn từ khu vực rừng phòng hộ đã bị chặt trụi để trồng mới rừng sản xuất (Báo CAND số ra ngày 29/11/2014 đã phản ánh), chỉ là tấm áo khoác bên ngoài. Vào sâu bên trong những cánh rừng này mới thấy hết cảnh tượng chặt phá rừng bừa bãi thật xót xa. Hầu hết cây lớn bị đốn hạ sát gốc, rừng bị tàn phá khắp nơi và mở đường chằng chịt.

Chúng tôi bắt đầu ghi hình từ chỗ rừng giáp ranh với khu vực rừng phòng hộ đã bị chặt trụi tới cách đó chừng 3km. Cứ bình quân 10m dọc con đường lớn, có một con đường nhỏ ở bên này; hoặc bên kia mở vào xuyên cả một khu rừng rộng lớn. Đi hết mỗi con đường ấy, bình quân phải mất một giờ đồng hồ. Tại mỗi con đường, chỗ nào cũng có cây rừng bị đốn hạ, gỗ chất cao thành từng đống... Chúng tôi đã đi thực tế 2 ngày liền, với 15 con đường, ghi nhận hàng trăm cây rừng phòng hộ bị đốn hạ, có nhiều cây nằm vào những vị trí hiểm trở, “lâm tặc” chưa kịp thu hoạch được, nhựa cây cứ như những giọt máu còn nguyên tươi, ứa ra ở những chỗ bị cắt ngang thân đổ gục xuống trông rất xót xa.

Rừng phòng hộ ở Vĩnh Hà đang bị chặt phá nghiêm trọng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một con đường độc đạo để những chiếc xe tải vận chuyển gỗ rời khỏi khu vực vùng rừng phòng hộ xã Vĩnh Hà. Đó là con đường lớn xuyên suốt những cánh rừng phòng hộ đổ ra ngã tư Khe Cau và rẽ theo hai hướng Bắc, hoặc Nam trên đường Hồ Chí Minh. Nếu xe chạy theo hướng Bắc, bắt buộc phải “lọt” qua Trạm Kiểm lâm Bến Quan (thuộc Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh). Ngược lại, bắt buộc phải “lọt” qua Trạm Kiểm lâm Cầu Treo (thuộc Hạt Kiểm lâm Gio Linh). Điều lạ lùng, trong các báo cáo của các đơn vị này với các cơ quan chức năng cấp trên liên quan, số vụ phát hiện, bắt giữ gỗ rừng bị khai thác, vận chuyển trái phép từ những khu vực rừng phòng hộ là rất hiếm (?!).

Ông Bùi Quang Linh, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh thừa nhận, tình trạng khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn huyện xảy ra phổ biến và tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ông Linh nêu quan điểm, nguyên nhân xảy ra nạn phá rừng kể trên là do công tác quản lý hành chính về mặt nhà nước tại địa phương còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, rừng phòng hộ ở Vĩnh Hà hiện tại có rất nhiều chủ sở hữu, như: Công ty Cao su Quảng Trị, Lâm trường Bến Hải, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, Làng Thanh niên lập nghiệp huyện Vĩnh Linh… Trong khi đó, đến nay chính quyền và cơ quan chức năng địa phương vẫn chưa phân định và cắm được cột mốc ranh giới về các loại rừng và chủ rừng(?). Do đó, rất khó biết được vùng rừng nào bị chặt phá, xâm hại để quy trách nhiệm xử lý (?!).

Phan Thanh Bình
.
.
.